Tuy nhiên, sự phát triển đó đã tạo nên những áp lực cho vấn đề môi trường khiến TP phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để quản lý ô nhiễm tại các khu, cụm công nghiệp.
Theo thống kê, Hà Nội có 8 khu công nghiệp và 107 cụm công nghiệp, bao gồm các lĩnh vực hoạt động như công nghiệp hóa chất, công nghiệp dệt, thuộc da, da giày, chế biến thực phẩm, khai thác và chế biến tài nguyên khoáng sản… Cùng với quá trình hoạt động, tổng lượng nước thải công nghiệp mỗi ngày, đêm phát sinh khoảng 75.000m3, đồng thời, lượng chất thải rắn, khí thải phát sinh không hề nhỏ.
Đẩy nhanh xây dựng các trạm xử lý nước thải
Trong năm 2014, Sở TN&MT đã yêu cầu chủ đầu tư các khu, cụm công nghiệp đẩy nhanh tiến độ xây dựng các trạm xử lý nước thải; đồng thời, xử lý chất thải rắn, nước thải đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng.
Lãnh đạo TP Hà Nội tham quan phòng vận hành Nhà máy Xử lý chất thải Sơn Tây.
|
Đến nay, trên địa bàn TP có 8/8 khu công nghiệp đang hoạt động đã có trạm xử lý nước thải tập trung, trong đó 7/8 khu công nghiệp có trạm xử lý nước thải đang vận hành, xử lý nước thải đáp ứng quy chuẩn cho phép trước khi xả nước thải vào môi trường, một khu công nghiệp đã xây dựng xong trạm xử lý nước thải và vẫn đang vận hành thử nghiệm (Khu công nghiệp Sài Đồng B). Đồng thời, có 7/42 cụm công nghiệp đang hoạt động có trạm xử lý nước thải tập trung, 9 cụm công nghiệp đang triển khai đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải.
Đối với các cụm công nghiệp, trong năm 2014 - 2015, Sở Công Thương tiến hành triển khai công tác đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải tại 16 cụm công nghiệp, trong đó, 7 cụm được đầu tư năm 2014, và 9 cụm đầu tư trong năm 2015. Dự kiến đến hết năm 2015, sẽ có thêm 16 cụm công nghiệp đang hoạt động có trạm xử lý nước thải tập trung, nâng tỷ lệ số cụm công nghiệp đang hoạt động có trạm xử lý nước thải tập trung lên 65,3%.
Tăng cường xử lý chất thải rắn, khí thải
Số liệu thống kê của Sở TN&MT cho thấy, tổng khối lượng chất thải rắn công nghiệp trên địa bàn TP phát sinh khoảng 750 tấn/ngày, trong đó, lượng chất thải rắn thông thường 646 tấn/ngày và lượng chất thải nguy hại khoảng 104 tấn/ngày. Trong khi tỷ lệ thu gom chất thải rắn thông thường từ 85 - 90% (tương đương 549 - 581 tấn/ngày) và được xử lý khoảng 382 - 405 tấn/ngày. Tất cả chất thải thông thường được thu gom và xử lý tại Khu xử lý chất thải Nam Sơn, Bãi rác Kiêu Kỵ và Khu xử lý chất thải Xuân Sơn.
Đối với chất thải nguy hại, có 97% các cơ sở đã ký hợp đồng vận chuyển, thu gom, xử lý chất thải nguy hại với các đơn vị có chức năng hành nghề quản lý chất thải nguy hại. Tuy nhiên, đến nay, lượng chất thải nguy hại được thu gom mới đạt khoảng 62 - 73 tấn/ngày, chiếm 60 - 70 % tỷ lệ phát sinh và được xử lý tại Khu xử lý chất thải Nam Sơn và các cơ sở xử lý đạt tiêu chuẩn khác. Lượng chất thải nguy hại còn lại vẫn được lưu giữ tại các cơ sở phát sinh theo đúng quy định do lượng phát sinh không đủ lớn để ký hợp đồng vận chuyển, xử lý. Trong tương lai, lò đốt chất thải rắn công nghiệp theo công nghệ đốt phát điện công suất 75 tấn/ngày do tổ chức NEDO Nhật Bản tài trợ đang được xây dựng và dự kiến đưa vào vận hành vào đầu năm 2016 tại khu xử lý Nam Sơn.
Theo kết quả quan trắc môi trường không khí tại một số khu, cụm công nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội cho thấy, nồng độ bụi và một số thông số khác về khí thải vẫn cao hơn quy chuẩn cho phép. Để công tác quản lý ô nhiễm công nghiệp được hiệu quả, hàng năm Sở TN&MT đã tiến hành thanh, kiểm tra đối với một số cơ sở hoạt động trong các khu, cụm công nghiệp theo kế hoạch
Hy vọng với sự nỗ lực của các cơ quan, ban, ngành cùng sự chung tay của toàn xã hội, nguy cơ ô nhiễm môi trường từ các khu, cụm công nghiệp sẽ được ngăn chặn, góp phần bảo vệ Thủ đô ngày càng xanh - sạch - đẹp.