Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh (HoREA) đã có văn bản báo cáo tổng hợp các đề xuất nhằm tháo gỡ các vướng mắc, hỗ trợ thị trường BĐS phục hồi và phát triển bền vững, đáp ứng nhu cầu nhà ở của các tầng lớp nhân dân. Phóng viên Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu để hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Thưa ông, ông có đánh giá thế nào về những triển vọng của môi trường kinh doanh BĐS Việt Nam trong năm 2020?
- Thị trường BĐS Việt Nam bước sang năm 2020 với nhiều khó khăn còn tồn đọng từ năm 2019. Cụ thể, qua Báo cáo Môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (World Bank), thì chỉ số môi trường kinh doanh của nước ta năm 2019, từ vị trí 69 xuống vị trí 70/190 nền kinh tế được khảo sát, do nhiều nước khác có tốc độ cải cách mạnh mẽ hơn. Trong khu vực Asean, nước ta chỉ đứng mức giữa và đang bị bỏ lại khá xa so với Singapore (2/190), Malaysia (15/190), Thái Lan (27/190) và Brunei (55/190).
Trước đó, vào giữa tháng 10/2019, Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu 2018 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), nước ta được xếp hạng với vị trí 77/140 nền kinh tế được khảo sát, giảm 3 bậc so với năm 2017, cũng do nhiều nước khác có tốc độ cải cách mạnh mẽ hơn. Phương pháp đánh giá của WEF gồm 98 tiêu chí được chia thành 12 cột trụ thuộc 4 nhóm chính, trước hết là nhóm Môi trường thuận lợi (Thể chế, Cơ sở hạ tầng, Sự phổ cập công nghệ thông tin - viễn thông, Ổn định vĩ mô).
Trong thời gian qua, cả người dân và các DN BĐS đều quan tâm vấn đề liên quan đến hành lang pháp lý cho thị trường. Theo ông những quy định liên quan đến hành lang pháp lý cần được sửa đổi, bổ sung hiện nay là gì?
- Thời gian qua, để kiến tạo môi trường kinh doanh đảm bảo tính minh bạch, công bằng, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh và nâng cao chỉ số cạnh tranh quốc gia, trong đó có lĩnh vực BĐS, Chính phủ đã ban hành nhiều quy định có liên quan được người dân và các DN đặc biệt quan tâm, đặc biệt là hệ thống pháp luật về đất đai, đầu tư, xây dựng, quy hoạch đô thị, nhà ở, kinh doanh BĐS (bao gồm cả các Văn bản dưới luật).
Trong đó, có nhiều quy định về thể chế hành chính, được xem là “điểm nghẽn” đối với thị trường BĐS cần phải sớm tập trung giải quyết. Chính vì vậy, chúng tôi đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương rà soát, đề xuất xây dựng, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật để đảm bảo tính hệ thống, đồng bộ, liên thông.
Thực hiện lộ trình sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp trong năm 2019; Luật Đất đai, Luật Quy hoạch đô thị và Đề án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) trong năm 2020.
Vậy những giải pháp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc tạo điều kiện cho thị trường BĐS phát triển minh bạch, bền vững trong thời gian tới là gì?
- Theo chúng tôi, cần phải tập trung vào một số giải pháp cho từng vấn đề cụ thể: Đối với việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, có xen kẹt một số thửa đất do Nhà nước quản lý do DN nhận chuyển nhượng liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung một số Điều của các pháp luật về đất đai, về đầu tư, về xây dựng, về quy hoạch đô thị, về nhà ở, về kinh doanh BĐS… nên rất cần được các cơ quan có thẩm quyền của Trung ương xem xét, chỉ đạo để tổ chức thực hiện thống nhất, đồng bộ.
Cần sớm tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến thủ tục hành chính và hành lang pháp lý để thị trường BĐS bình ổn trở lại. (Ảnh: Doãn Thành). |
Các cơ quan có thẩm quyền sớm có kết luận đối với các dự án thuộc diện rà soát, thanh tra, để các chủ đầu tư chấp hành, trước hết là thực hiện các nghĩa vụ tài chính bổ sung với Nhà nước (nếu có) và được tiếp tục triển khai thực hiện dự án.
Thực hiện quy trình đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án nhà ở xã hội có quỹ đất sạch thuộc Nhà nước quản lý, để sớm triển khai thực hiện, nhằm khai thác hiệu quả các quỹ đất sạch. Cùng với đó là giải quyết khó khăn, vướng mắc của DN nhà nước cổ phần hóa, thực hiện đấu giá công khai, xác định tài sản của DN tại thời điểm cổ phần hóa để tránh thất thoát tài sản của Nhà nước.
Áp dụng linh hoạt những cơ chế xử lý phần đất giáo dục, y tế hoặc đất có mục đích kinh doanh khác trong dự án nhà ở thương mại. Giải quyết sự thiếu thống nhất giữa những khái niệm “đất” và “đất ở”, “nhà đầu tư” và “chủ đầu tư”.
Một trong những vấn đề quan trọng là hoàn thiện cơ chế thanh toán cho Nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức Hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT).
Đối với hệ thống hạ tầng giao thông, đề nghị Bộ GTVT chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan như: Bộ Xây dựng, Bộ KH&ĐT quy hoạch đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông với quy hoạch phát triển đô thị, các khu đô thị mới, các khu dân cư mới, các điểm dân cư nông thôn, bao gồm đồng bộ các tuyến đường cao tốc, đường vành đai, các tuyến metro, đường sắt, monorail, các tuyến xe buýt, xe buýt nhanh (BRT), các bãi giữ xe, các tuyến đường đi bộ trên cao kết nối với các ga metro, cảng hàng không, cảng biển, cảng sông, để phát huy hiệu quả khai thác giao thông vận tải, logistics và gia tăng tiện ích phục vụ DN, người dân và khách vãng lai.
Xin cảm ơn ông!