Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giải pháp vẫn chung chung

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với 43 đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi chất vấn, 11 đại biểu tranh luận lại và 22 đại biểu đăng ký nhưng vì thời gian nên chưa được hỏi, cho thấy ngành nông nghiệp đang có rất nhiều vấn đề cần giải quyết.

Đó là vật tư, phân bón, chế biến nông sản, được mùa rớt giá, và nó cũng đang phản ánh sự yếu kém tồn tại của ngành bấy lâu nay… “nông nghiệp đang bán cái mình có chứ không phải bán cái thị trường cần, giá trị cao”.

 Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường

Mặc dù Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận định: "Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã nắm rõ tình hình, trả lời thẳng thắn, nhận trách nhiệm làm rõ vấn đề cũng như đưa ra giải pháp khắc phục những bất cập của ngành”, nhưng trước thực tế điệp khúc “được mùa mất giá” liên tục lặp lại, rồi những “chiến dịch giải cứu” bất đắc dĩ vừa qua, các đại biểu (ĐB) liên tục đặt rất nhiều câu hỏi để truy trách nhiệm của Bộ trưởng và mong muốn một câu trả lời rõ ràng nhất từ vị “nhạc trưởng” ngành nông nghiệp. Chính Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cũng thừa nhận tình trạng “khủng hoảng thừa”, chế biến đang bị tách lìa với sản xuất. Như trong ngành chăn nuôi, quy hoạch chưa tính theo nhu cầu thực tế mà lấy theo tốc độ tăng trưởng kinh tế, chưa tính tới dòng sản phẩm sẽ được nhập về, rồi sản xuất chuỗi, quy mô lớn cũng chưa tốt…, dẫn tới ùn ứ và có trách nhiệm của ngành nông nghiệp.

Trả lời của Bộ trưởng ngành nông nghiệp không làm hài lòng các ĐB và những lo lắng của ĐB về việc liệu sắp tới các “chiến dịch” giải cứu cam, quýt, bưởi vì trồng quá nhiều có diễn ra sau việc cứu dưa, chuối, lợn hay không? Bởi, vấn đề quan trọng nhất là thị trường. Nhưng muốn tham gia thị trường thì phải có quy hoạch sát thực tế. Việc trồng cây gì, con gì, ngành nông nghiệp là ngành chủ quản, phải chịu trách nhiệm vấn đề đó.

Qua phiên chất vấn có thể thấy, để nông dân sống được nhờ nông nghiệp và làm giàu từ nông nghiệp, ngành chủ quản phải có quy hoạch tốt, định hướng đúng, dự báo chuẩn thì mới có những sản phẩm chất lượng cao, giá trị cao hơn và bền vững. Dẫu Bộ trưởng có nhận trách nhiệm trong việc định hướng, chỉ đạo chưa quyết liệt, nhưng trước tình trạng tái cơ cấu nông nghiệp mờ nhạt, lấy giá rẻ cạnh tranh, chơi với thế giới với kiểu cầu may, nơm nớp bị ép giá, trả về hay đổ bỏ…, các ĐB muốn có câu trả lời rõ ràng hơn về trách nhiệm của người đứng đầu.

Một giải pháp được Bộ trưởng đưa ra đó là kêu gọi DN quan tâm đầu tư vào nông nghiệp nhiều hơn, song lý do Bộ trưởng đưa ra dường như lại nằm ngoài khả năng của Bộ là vướng cơ chế, chính sách về đất đai. Và khẳng định sẽ kiến nghị Quốc hội tiến hành sửa đổi các quy định của luật, làm sao để kêu gọi DN vào, tạo ra được vùng sản xuất lớn.

Sau phần chất vấn của người đứng đầu ngành nông nghiệp, nhiều người vẫn băn khoăn với những giải pháp các Bộ đưa ra kiểu chung chung. Như có ĐB đã phân tích, Bộ đưa ra 8 giải pháp chính, trong đó 2 "tiếp tục", 2 "đẩy mạnh", 2 "nghiên cứu", còn lại là "rà soát". Đây chưa phải là giải pháp, nếu là chứa đựng giải pháp thật thì không thể nói là "đột phá". Dù Bộ trưởng Bộ NN&PTNT khẳng định sẽ cùng ngồi lại với Bộ Công Thương để phân tích thị trường, rà soát, phát triển sản phẩm nông nghiệp theo 3 trục sản phẩm... Như vậy, xem chừng câu trả lời để “cắt” điệp khúc “được mùa mất giá” vẫn còn rất mơ hồ. Chính điều này khiến các ĐB Quốc hội và cả cử tri không khỏi lo lắng và nông nghiệp vẫn là một vấn đề chưa hết “nóng” bởi còn nhiều câu hỏi vẫn không dễ gì trả lời được.