Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giải quyết vấn đề Biển Đông cần dựa trên luật pháp quốc tế

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau cuộc họp giữa Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN và Trung Quốc, Tuyên bố chung đã được rút lại để chỉnh sửa khẩn cấp.

Tuy nhiên, các nước thành viên vẫn bày tỏ quan điểm mạnh mẽ về Biển Đông, yêu cầu Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế.

Cuộc họp giữa Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN và Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh sắp đối mặt với phán quyết pháp lý của Tòa trọng tài thường trực (PCA) tại The Hague (Hà Lan) về chủ quyền lãnh thổ với Manila. Trong tuyên bố được đưa ra sau một cuộc họp với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, các nhà ngoại giao hàng đầu của các quốc gia Đông Nam Á đã yêu cầu Bắc Kinh tôn trọng luật pháp quốc tế trong giải quyết tranh chấp, trước động thái liên tiếp bác bỏ thẩm quyền và phán quyết từ tòa án trọng tài của nước này.
Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và Trung Quốc tại hội nghị.
Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và Trung Quốc tại hội nghị.
Tuyên bố chung được đưa ra bởi Malaysia nêu rõ: “ASEAN bày tỏ quan ngại sâu sắc trước các động thái đã và đang diễn ra trên Biển Đông, làm xói mòn niềm tin cũng như gia tăng căng thẳng và có thể phá hoại hòa bình, an ninh, ổn định trên Biển Đông”. Mặc dù được rút lại để chỉnh sửa, ý kiến của Bộ trưởng các nước ASEAN đã chuyển tải một thông điệp mạnh mẽ nhằm phản ứng với sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc đối với các tranh chấp hàng hải tại khu vực. Các quan chức ngoại giao hàng đầu ASEAN không chỉ đích danh Trung Quốc hay nhắc trực tiếp tới vụ kiện tại Tòa PCA, dự kiến ​​sẽ đưa ra phán quyết vào cuối tháng này. Thay vào đó, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã nhấn mạnh sự phản đối đối với nỗ lực "quân sự hóa" và cải tạo phi pháp các đảo đá ở Biển Đông, cải tạo thành các cơ sở có thể phục vụ mục đích quân sự. Để đối phó với tình hình phức tạp trên Biển Đông, các Bộ trưởng đề nghị tuân thủ luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS), giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.

Bên cạnh đó, một số nước thành viên cũng bày tỏ lập trường cứng rắn. Bộ trưởng Ngoại giao Singapore và Indonesia đã đưa ra tuyên bố riêng, trùng khớp với nội dung chính của truyên bố chung. Ông Vivian Balakrishnan - Bộ trưởng Ngoại giao Singapore khẳng định, các ngoại trưởng ASEAN đã bày tỏ quan ngại sâu sắc với Trung Quốc về những diễn biến gần đây trên Biển Đông. Các ngoại trưởng cũng nhấn mạnh cần phải nỗ lực hơn nữa trong việc thực hiện nghiêm túc Tuyên bố các bên về ứng xử trên Biển Đông (DOC) và sớm thông qua một Bộ quy tắc ứng xử (COC). Trong khi đó, Việt Nam ban hành một tuyên bố mạnh mẽ hơn. Các nhà bình luận nhận định, tuyên bố của Việt Nam đã “đi xa” hơn so với Singapore và Indonesia, khi Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết, Việt Nam đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng và quân sự hóa trái phép các đảo nhân tạo trong khu vực và kêu gọi Trung Quốc và các nước ASEAN tôn trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế.

Tuy nhiên, bất chấp những phản ứng của các nước trong khu vực, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị vẫn bảo lưu quan điểm ngược lại với phần lớn ý kiến tại hội nghị. Đó là, vấn đề Biển Đông không phải là vấn đề giữa Trung Quốc và ASEAN và không nên làm ảnh hưởng tới sự hợp tác giữa Trung Quốc và các nước ASEAN. “Hợp tác giữa Trung Quốc và ASEAN cần vượt lên trên những sự khác biệt, bao gồm cả vấn đề Biển Đông” - ông Vương Nghị nhấn mạnh.