Ngày hội khuyến mại du lịch:

Giảm giá tour nhưng không được giảm chất lượng dịch vụ

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Ngày hội khuyến mại du lịch” được tổ chức từ ngày 18-20/11 giúp người dân có cơ hội tiếp cận các chương trình khuyến mại du lịch. Nhưng điều quan trọng hơn là doanh nghiệp không giảm giá chất lượng dịch vụ, như vậy mới có thể kích cầu du lịch cuối năm.

Người dân đi săn tour giá rẻ

Nhằm kích cầu du lịch thời điểm cuối năm các doanh nghiệp tham gia “Ngày hội khuyến mãi Du lịch 2022” đã đưa ra chương trình khuyến mại từ 20-50% cho hàng trăm tour trong nước và quốc tế. Việc doanh nghiệp giảm giá tour đã thu hút một lượng lớn người dân đổ xô lên không gian đi bộ Hoàn Kiếm săn tour giá rẻ.

Ông Đỗ Văn Hà, ở phố Đặng Văn Ngữ (quận Đống Đa) cho biết, gia đình ông có kế hoạch đi du lịch trong kỳ nghỉ Tết Dương lịch sắp tới nhưng vẫn phân vân vì không biết nơi nào phù hợp, vì “nghe quảng cáo thì nơi nào cũng đẹp, cũng nên đi”, chính vì vậy, ông đã đi xe buýt lên từ sáng sớm để “được nghe tư vấn cụ thể, cũng như tìm tour giá tốt”.

Du khách mua tour giảm giá tại Ngày hội khuyến mại du lịch. Ảnh: Hoài Nam
Du khách mua tour giảm giá tại Ngày hội khuyến mại du lịch. Ảnh: Hoài Nam

Trong khi đó anh Quang Nguyên, sống tại nghõ 85 Nguyễn Lương Bằng chia sẻ, so với việc mua tour qua mạng thì đến trực tiếp được tư vấn kỹ hơn, nhân viên hướng dẫn thủ tục nhanh. Giờ tôi chỉ xem trước các tour Tây Bắc, Đông Bắc rồi về trao đổi với gia đình, nếu hợp lý sẽ đặt mua tour. Nhiều người tiêu dùng có chung ý kiến: Mặc dù phải xếp hàng cả tiếng mới mua được tour du lịch cho cả gia đình trong dịp cuối năm, nhưng rất hài lòng vì mua được tour du xuân 2023 với giá rẻ hơn từ 6 - 8 triệu đồng cho gia đình 4 người.

Thông tin từ các doanh nghiệp du lịch tham gia sự kiện cho thấy, những ngày qua lượng khách hàng đến hỏi mua tour nội địa khởi hành trong kỳ nghỉ Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán đã chiếm đến 80-90% tổng số tour bán ra. Nhu cầu của khách cũng đa dạng và dàn trải hơn trước, không chỉ tập trung vào các điểm đến quen thuộc. Điều này cho thấy, nhu cầu của khách hàng là nhu cầu có thật và đó là cơ sở để các công ty lữ hành như chúng tôi tin rằng trong năm 2023 thì du lịch sẽ từng bước khôi phục lại.

Du khách mua tour giảm giá tại Ngày hội khuyến mại du lịch. Ảnh: Hoài Nam
Du khách mua tour giảm giá tại Ngày hội khuyến mại du lịch. Ảnh: Hoài Nam

Giám đốc Công ty du lịch Anhduongtour  Nguyễn Tuấn Anh phản ánh, mặc dù các doanh nghiệp du lịch giảm giá tour để thu hút khách nhưng thực tế từ những khách hàng đặt mua tour cho thấy tour giá rẻ không hẳn là sự quan tâm hàng đầu của khách mà còn là chất lượng dịch vụ. C, tour cao hơn 100.000-200.000 đồng nhưng mức chênh lệch xứng đáng, hấp dẫn, đảm bảo chất lượng thì khách vẫn mua. Ngoài ra, uy tín của công ty cũng rất quan trọng để khách tin tưởng lựa chọn mua tour.

Kích cầu không chỉ giảm giá

Thông qua “Ngày hội khuyến mại du lịch'' các doanh nghiệp lữ hành đã đẩy mạnh kích cầu, nhưng theo các chuyên gia, để thu hút du khách đòi hỏi doanh nghiệp phải nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu và xu hướng của khách hàng… thì chương trình kích cầu du lịch mới đạt hiệu quả lâu dài.

Du khách mua tour giảm giá tại Ngày hội khuyến mại du lịch. Ảnh: Hoài Nam
Du khách mua tour giảm giá tại Ngày hội khuyến mại du lịch. Ảnh: Hoài Nam

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình nêu rõ, kích cầu du lịch nên thực hiện bằng cách, giảm giá, giữ nguyên chất lượng hoặc không giảm nhiều về giá, nhưng tặng thêm cho du khách dịch vụ, quà tặng...

“Các doanh nghiệp du lịch phải chấp nhận 'hy sinh' trong giai đoạn kích thích thị trường để hình ảnh điểm đến tốt hơn, hấp dẫn hơn. Có như vậy, sau kích cầu mới có sự tăng trưởng để bù lại chi phí cho chương trình kích cầu”, ông Vũ Thế Bình nói.

Để giải quyết vấn đề vấn đề giảm giá tour nhưng chất lượng dịch vụ không giảm, Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Hà Nội Phùng Quang Thắng đề xuất các doanh nghiệp du lịch xây dựng mô hình giá mới và linh hoạt hơn; xây dựng cách bán sản phẩm theo gói để có cơ hội bán chéo và bán thêm, đồng thời đa dạng hóa nguồn doanh thu, củng cố sản phẩm cao cấp và khả năng thu được mức giá cao hơn.

Du khách mua tour giảm giá tại Ngày hội khuyến mại du lịch. Ảnh: Hoài Nam
Du khách mua tour giảm giá tại Ngày hội khuyến mại du lịch. Ảnh: Hoài Nam

Ví dụ, các khách sạn 5 sao tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có thể bán gói “staycation” cho gia đình, kèm theo phòng nghỉ cao cấp là dịch vụ xe sang đưa đón và giảm giá dịch vụ ăn uống. Các công ty du lịch và khách sạn có thể phối hợp với nhau để cung cấp trọn gói dịch vụ từ vé máy bay, vé tàu, xe cho đến phòng nghỉ. Nhu cầu du lịch trong nước có thể được kích thích bằng cách tập trung vào những điểm đến đang thịnh hành, đồng thời phối hợp giữa công ty lữ hành với điểm du lịch, khách sạn, hãng hàng không xây dựng chương trình khuyến mại.

Như vậy, để giảm giá tour nhưng không giảm chất lượng. Các doanh nghiệp không nên tách riêng từng dịch vụ để giảm giá, mà cần tích hợp thành các gói combo, tour trọn gói ưu đãi và nâng cao giá trị của từng dịch vụ, đồng thời đa dạng hóa sản phẩm để phục vụ, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của du khách.

“Để thu hút khách các doanh nghiệp lữ hành cần cơ cấu lại các sản phẩm du lịch, hướng tới du lịch gia đình, du lịch nhóm nhỏ. Các doanh nghiệp du lịch cần hướng tới thanh toán điện tử, đại lý du lịch trực tuyến (OTA), quảng bá qua mạng xã hội.

Để kích cầu du lịch nhưng bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng, các cơ quan quản lý Nhà nước cần xây dựng được sự đồng thuận cam kết từ các doanh nghiệp du lịch “đầu tàu” giảm giá tour nhưng vẫn giữ nguyên hoặc nâng cao chất lượng dịch vụ. Bên cạnh đó, phải có chế tài xử lý nghiêm đối doanh nghiệp làm ăn gian dối, cương quyết loại các đơn vị này ra khỏi “cuộc chơi”.