Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giám sát chặt việc tái đàn lợn sau dịch

Bài, ảnh: Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo thống kê, nhu cầu tiêu thụ thịt lợn của Hà Nội vào khoảng 660 – 700 tấn/ngày. Tuy nhiên, năng lực sản xuất của TP mới chỉ đáp ứng được gần 60% tổng lượng thịt cần thiết. Do đó, tái đàn lợn là một trong những giải pháp đang được Hà Nội tập trung đẩy mạnh.

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, kể từ khi bùng phát cuối tháng 2/2019, đến nay, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 449 xã, phường, thị trấn thuộc 24 quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP. Tổng số lợn phải tiêu hủy do dịch tả châu Phi là 543.747 con (chiếm 29% tổng đàn).
 Chăn nuôi lợn tại huyện Quốc Oai.
Dù vậy, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT, cùng sự vào cuộc chủ động của cả hệ thống chính trị từ TP đến cơ sở, đến nay, đã có 404 xã, phường, thị trấn (chiếm 90% tổng số đơn vị hành chính có dịch) qua 30 ngày không phát mới. Toàn TP hiện chỉ còn 45 xã, phường, thị trấn có dịch tả lợn châu Phi. Đây là cơ sở thuận lợi cho công tác tái đàn.
Trên cơ sở kiểm soát chặt chẽ các điều kiện chăn nuôi an toàn dịch bệnh, TP đã thực hiện tái đàn lợn tại 3.565 hộ, trang trại chăn nuôi, với tổng đàn là 290.359 con. Trong đó, tái đàn lợn trong dân là 3.383 hộ; còn lại là 182 trang trại. Theo chu kỳ chăn nuôi thông thường, dự kiến trong 1 – 2 tháng tới, TP sẽ có một lượng lợn nhất định được xuất chuồng, bổ sung vào nguồn cung cho thị trường.
Dù việc tái đàn được các địa phương giám sát tương đối chặt chẽ, tuy nhiên, công tác này lại đang tiềm ẩn nhiều mối lo. Thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cho thấy, có tới 1.753 hộ và 12 trang trại chăn nuôi không khai báo với chính quyền các cấp khi tái đàn lợn. Các cơ quan quản lý Nhà nước đã buộc phải lập biên bản, xử phạt vi phạm 198 hộ/3.554 con lợn, với tổng số tiền trên 30 triệu đồng.
Trước diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi, ông Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, thời gian tới, sẽ tiếp tục chỉ đạo các trạm chăn nuôi, thú y cơ sở phối hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp trong việc giám sát tình hình dịch bệnh. Kịp thời phát hiện, tiêu huỷ và hỗ trợ lợn bị bệnh theo đúng quy định.
Bên cạnh đó, TP cũng sẽ tăng cường kiểm tra tại các cơ sở chăn nuôi để bảo đảm việc tái đàn tuân thủ đầy đủ các điều kiện theo hướng dẫn của Bộ NN&PTNT; không để dịch bệnh lây lan, bùng phát trở lại. Đặc biệt, đối với các hộ, trang trại tự ý nhập đàn không khai báo, ông Sơn đề nghị nếu xảy ra dịch bệnh, chính quyền địa phương xử lý nghiêm vi phạm và không hỗ trợ lợn bị tiêu huỷ.