Giám sát và phản biện xã hội: Mặt trận Tổ quốc khẳng định vị thế then chốt

Việt An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hôm nay, Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam lần thứ IX (nhiệm kỳ 2019 - 2024) sẽ khai mạc (diễn ra từ 18 - 20/9), để đánh giá lại kết quả nhiệm kỳ đã qua và bàn những phương hướng trong chặng đường tiếp theo.

Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn thăm các gian hàng tại Lễ trao Giải thưởng Lương Định Của lần thứ 13. Ảnh: Quốc Trung
Nhìn lại những năm qua có thể thấy, một trong những điểm nổi bật trong các hoạt động của MTTQ Việt Nam là khẳng định bước phát triển mới trong việc đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân và thực hiện tốt giám sát và phản biện xã hội (GS&PBXH), tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, góp phần tăng cường dân chủ trong xã hội.
Hoạt động thường xuyên, trọng tâm
Công tác GS&PBXH trong nhiệm kỳ qua đã trở thành hoạt động thường xuyên, trọng tâm của MTTQ. Theo báo cáo của Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, MTTQ T.Ư đã chủ trì hoặc phối hợp với các tổ chức thành viên và các cơ quan, tổ chức của Đảng, Nhà nước triển khai 12 chương trình giám sát cấp T.Ư. Trong đó, tập trung vào các lĩnh vực: Chính sách đối với người có công với cách mạng; đổi mới giáo dục và đào tạo; quản lý, sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp; giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở; cải cách hành chính; bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo đảm an toàn thực phẩm; đánh giá sự hài lòng của người dân…
Trong nhiệm kỳ qua, trung bình hàng năm cả nước có trên 95% khu dân cư tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc. Sau gần 20 năm triển khai, Ngày hội đã góp phần xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, khơi dậy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái trong cộng đồng.
MTTQ các tỉnh, TP đã đề xuất với cấp ủy, phối hợp với chính quyền lựa chọn những chủ trương lớn, những vấn đề bức xúc ở địa phương để tổ chức giám sát. Nhiều lĩnh vực quản lý phức tạp, khó và nhạy cảm như bồi thường tái định cư, thu hồi đất, quản lý sử dụng các nguồn lực xây dựng nông thôn mới, bồi thường sự cố ô nhiễm môi trường… đã được MTTQ các cấp giám sát có hiệu quả. Những báo cáo, kiến nghị sau giám sát đã được các bộ ngành ở T.Ư, cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp nhận, kịp thời giải quyết. Trong nhiệm kỳ qua, MTTQ cấp tỉnh đã chủ trì và tham gia giám sát liên ngành được hơn 4.000 cuộc; MTTQ cấp huyện giám sát hơn 22.600 cuộc; MTTQ cấp xã giám sát hơn 466.000 cuộc.
Bên cạnh đó, MTTQ các cấp đã tổ chức hơn 86.800 cuộc PBXH, trong đó có nhiều chủ trương, chính sách, đề án quan trọng liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống Nhân dân như: Dự án Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; Dự án Luật Giáo dục sửa đổi… Từ đó, tạo điều kiện để Nhân dân phát huy quyền làm chủ, tham gia vào quá trình xây dựng pháp luật, các chủ trương, chính sách của địa phương và đất nước.

MTTQ các địa phương đã chủ động phối hợp với chính quyền và các tổ chức thành viên thực hiện đầy đủ các nội dung Quy chế dân chủ; tích cực vào công tác hòa giải ở cơ sở.
“Điểm sáng” Hà Nội
Nhìn từ Hà Nội có thể thấy, công tác GS&PBXH đã trở thành mũi nhọn, lĩnh vực hoạt động mang tính chất then chốt để khẳng định được vai trò và vị thế của MTTQ trong xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương cho biết: 5 năm qua, MTTQ TP đã tổ chức 20 hội nghị PBXH. MTTQ cấp huyện cũng tổ chức được hơn 200 hội nghị PBXH; 177 cuộc đối thoại với Nhân dân… Cùng với đó, MTTQ TP đã tổ chức 48 cuộc giám sát chuyên đề; MTTQ cấp huyện đã thực hiện gần 1.200 cuộc giám sát; tham gia với các cơ quan Nhà nước giám sát hơn 3.000 cuộc. Cấp xã tổ chức giám sát được 7.440 cuộc, phối hợp giám sát hơn 19.500 cuộc.
5 năm qua, hệ thống MTTQ các cấp đã vận động được 19.703 tỷ đồng cho các chương trình an sinh xã hội, vận động Quỹ “Vì người nghèo” trên 4.672 tỷ đồng, xây dựng và sửa chữa trên 153.000 căn nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, xây dựng hàng nghìn công trình phúc lợi, giúp đỡ hàng triệu gia đình phát triển sản xuất, được khám, chữa bệnh và học sinh nghèo có điều kiện đến trường.
Để có được những kết quả đó, ngoài sự lãnh đạo, chỉ đạo phối hợp chặt chẽ của Thành ủy, HĐND, UBND TP, MTTQ TP cũng đã xây dựng, thực hiện một quy trình giám sát, PBXH khoa học, hợp lý. Cụ thể, trước khi tổ chức hội nghị phản biện, MTTQ TP tiến hành khảo sát thực tế với sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học; gặp gỡ cấp ủy chính quyền cơ sở, lấy ý kiến của Nhân dân vùng được tác động bởi các nội dung của dự thảo nghị quyết… Vì thế, hầu hết các chính sách lớn của HĐND, UBND TP được thông qua đã đáp ứng nguyện vọng của Nhân dân.
Tuy nhiên, nhìn chung, công tác GS&PBXH của MTTQ mới chỉ tập trung ở cấp T.Ư và cấp tỉnh; hoạt động giám sát ở cấp huyện và cơ sở ở chất lượng, hiệu quả chưa cao. Thực tế ở Hà Nội cho thấy, MTTQ TP có thuận lợi là tập hợp được các chuyên gia đầu ngành của các lĩnh vực, người có đủ trình độ, kỹ năng, uy tín để có thể khảo sát thực tiễn và phản biện dự thảo nghị quyết với chất lượng cao, chất lượng phản biện ở Hà Nội tăng dần từ cấp xã, phường đến cấp TP.
Bởi vậy, trong 5 Chương trình hành động của MTTQ Việt Nam nhiệm kỳ 2019 - 2024 có đề ra “Thực hiện dân chủ, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; giám sát và phản biện xã hội, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh”. Trong đó, tiếp tục hoàn thiện cơ chế để người dân có đầy đủ thông tin và điều kiện tham gia giám sát ngay từ cộng đồng dân cư; phát huy vai trò của người dân và Ban công tác Mặt trận, các cơ quan báo chí nhằm góp phần nâng cao chất lượng GS&PBXH.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần