Cùng tham gia cuộc giám sát có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà; Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải.
Dự kiến hoàn thành 17/17 chỉ tiêu
Báo cáo với đoàn giám sát, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Đặng Thị Huyền cho biết, giai đoạn 2021-2025, UBND huyện dự kiến hoàn thành và hoàn thành vượt mức 17/17 các chỉ tiêu kinh tế - xã hội hằng năm được TP giao và dự kiến hoàn thành cả nhiệm kỳ so với kế hoạch HĐND huyện đã quyết nghị.
Đặc biệt, một số chỉ tiêu vượt kế hoạch như: kinh tế tăng trưởng khá, ước đạt 11,63% (kế hoạch là 11-12%); cơ cấu giá trị sản xuất theo ngành chuyển đổi theo hướng tích cực, đúng hướng, dự kiến đến hết năm 2025 ngành dịch vụ chiếm 52% trong cơ cấu kinh tế; thu nhập bình quân đầu người dự kiến hết năm 2025 đạt 85,3 triệu đồng/người/năm (kế hoạch là 80 triệu đồng/người); thu ngân sách hàng năm đạt và vượt dự toán giao và huyện đã tự cân đối ngân sách năm 2022.
Đồng thời, huyện đã triển khai hiệu quả công tác huy động nguồn lực tạo nguồn vốn đầu tư phát triển; công tác tài chính ngân sách tập trung chỉ đạo, thực hiện chặt chẽ, hiệu quả, kịp thời. Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025 bình quân dự kiến đạt 5.117 tỉ đồng (vượt 59,9% kế hoạch, bằng 1,8 lần năm đầu nhiệm kỳ). Huyện Gia Lâm bảo đảm cân đối thu chi ngân sách từ năm 2022, giữ vững cân đối thu chi ngân sách.
Bên cạnh đó, công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị được quan tâm chỉ đạo và đạt kết quả khá toàn diện đáp ứng tiến độ, các chỉ tiêu yêu cầu, nhiều chỉ tiêu đã đạt và vượt tiến độ. Công tác lập Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị đối với khu vực định hướng mở rộng phát triển đô thị được tập trung đẩy nhanh tiến độ. Công tác xây dựng nông thôn mới được quan tâm (đến hết năm 2023 đã có 20/20 xã đạt nông thôn mới nâng cao, trong đó có 5 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu, vượt kế hoạch đề ra), hiện đang hoàn thiện hồ sơ trình thẩm định huyện nông thôn mới nâng cao...
Đáng chú ý, huyện đã hoàn thành Đề án thành lập quận vào năm 2025 và báo cáo đánh giá trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị khu vực dự kiến thành quận, phường. Đến nay, huyện đãnh giá đã đạt 4/4 tiêu chuẩn, nhóm tiêu chuẩn và 31/31 tiêu chuẩn của nhóm tiêu chuẩn về cơ cấu, trình độ phát triển kinh tế-xã hội thành lập quận; 16/16 xã (theo phương án sắp xếp đơn vị hành chính) đạt tiêu chuẩn thành phường).
Làm rõ chất lượng thực hiện các chỉ tiêu
Cùng với những kết quả đạt được, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Đặng Thị Huyền cũng nêu một số tồn tại, hạn chế trong thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 như: huyện có thế mạnh về du lịch với các di tích lịch sử văn hóa và làng nghề, song chưa hình thành, tổ chức được các tour, tuyến du lịch kết hợp di tích lịch sử văn hóa gắn với làng nghề truyền thống; việc triển khai áp dụng các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn gặp nhiều khó khăn; việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi còn chậm, chưa có chuyển biến rõ rệt...
Tại buổi làm việc, thành viên đoàn giám sát đề nghị huyện làm rõ hơn về chất lượng thực tế của các chỉ tiêu hoàn thành như tỉ lệ dân số đô thị được cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung theo quy định (huyện đánh giá đạt 100%); tỉ lệ công trình xây dựng có phép (các năm thực hiện đạt 99%); kiểm soát các công trình xây dựng trên địa bàn; tỉ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn; tỉ lệ chất thải nguy hại được xử lý; tỉ lệ chất thải y tế được xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường; tỉ lệ công nhận lại trường đạt chuẩn Quốc gia; công tác chuẩn bị hình thành các cụm công nghiệp trên địa bàn khi huyện lên quận...
Xác định chuyển đổi số là điểm nhấn trong năm 2025-2026
Phát biểu làm rõ thêm một số nội dung thành viên đoàn giám sát nêu, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải cho biết, UBND TP tiếp thu để chỉ đạo điều hành chung và tháo gỡ, xử lý những kiến nghị của huyện.
Phó Chủ tịch UBND TP đề nghị huyện Gia Lâm làm rõ một số vấn đề cụ thể theo mục tiêu của Nghị quyết 20/NQ-HĐND của HĐND TP: kết quả thực hiện chuyển đổi số, phát triển thành phố xanh - thông minh; vấn đề đổi mới thu hút nguồn lực trong và ngoài nước; phát triển nhân lực chất lượng cao; vấn đề bảo vệ môi trường...
Đồng thời, huyện có thế mạnh về giao thông với trục sông Hồng; có bề dày truyền thống với di tích quốc gia, làng nghề... Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải nhấn mạnh, huyện Gia Lâm cần xác định được thế mạnh là chọn lõi của vấn đề, coi đó là trọng tâm, trọng điểm để phát triển. Đặc biệt, huyện phải xác định chuyển đổi số là đột phá của đột phá, coi đây là điểm nhấn trong năm 2025-2026.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn ghi nhận huyện Gia Lâm đạt được nhiều kết quả kinh tế-xã hội. Trong điều kiện có nhiều khó khăn, song các chỉ tiêu đều đạt, tăng trưởng kinh tế cao; công tác quy hoạch, xây dựng quản lý đô thị đạt nhiều kết quả; xây dựng nông thôn mới được quan tâm; hoàn thành đề án xây dựng huyện lên quận; thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính; tỉ lệ trường chuẩn quốc gia đạt cao; chỉ số cải cách hành chính tăng...
Đồng tình với đánh giá thẳng thắn của huyện về những tồn tại, hạn chế trong thời gian qua, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh, thời gian tới huyện rà soát lại các nội dung liên quan đến các chỉ tiêu theo Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ TP, 10 Chương trình công tác của Thành ủy, Nghị quyết phát triển kinh tế-xã hội của HĐND TP, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện.
"Với chỉ tiêu nào đạt, cố gắng để đạt cao hơn. Chỉ tiêu nào chưa đạt, gặp khó khăn, tập trung tháo gỡ, triển khai thực hiện. Cần rà soát trong thực hiện nhiệm vụ có điểm nghẽn gì để tháo gỡ, chia rõ lộ trình, giải pháp thực hiện công việc trong ngắn hạn, dài hạn" - Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh.
Về một số nội dung cụ thể, Trưởng đoàn giám sát đề nghị huyện Gia Lâm đánh giá hiệu quả thực chất với các chỉ tiêu, đặc biệt là chỉ tiêu về xử lý môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; phát triển du lịch xanh gắn với làng nghề; thúc đẩy tỉ lệ cây xanh, giao thông tĩnh và làm rõ các dự án chậm triển khai...
Ghi nhận kiến nghị của huyện, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn yêu cầu các sở, ngành phối hợp chặt chẽ với huyện tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy hoàn thành chất lượng, hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.