Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giảm tình trạng thừa thầy, thiếu thợ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phân luồng từ phổ thông sẽ giúp đào tạo gắn với phát triển kinh tế. Tại hội thảo...

Kinhtedothi - Phân luồng từ phổ thông sẽ giúp đào tạo gắn với phát triển kinh tế. Tại hội thảo "Tái cơ cấu hệ thống giáo dục Việt Nam", ngày 12/4, Hiệp hội các trường đại học (ĐH) và cao  đẳng (CĐ) ngoài công lập Việt Nam (VIPUA) công bố sơ đồ phân luồng học sinh (HS), sinh viên (SV) của Việt Nam từ sau năm 2015 đáp ứng nhu cầu này.

80% học sinh đi học nghề

Sở dĩ VIPUA thiết kế sơ đồ phân luồng là bởi hệ thống giáo dục của chúng ta chưa có chính sách phân luồng (mới chỉ khuyến khích) nên HS học qua bậc THCS đều lên THPT và theo học CĐ, ĐH. Số ít em không thi được ĐH thì quay trở về học trung cấp, sau đó lại thi ĐH. Theo cách phân luồng của VIPUA, sau năm 2015, HS, SV Việt Nam được phân theo 2 hướng: Nghiên cứu và ứng dụng - thực hành. Ở luồng thứ nhất, 500.000 em theo học THPT chương trình học phân hóa theo các hướng (tự nhiên, xã hội, kỹ thuật, nghệ thuật, thể dục thể thao…). Sau 2 - 3 năm tốt nghiệp bậc học này, khoảng 150.000 em theo học ĐH nghiên cứu để trở thành các nhà nghiên cứu, 35.000 em còn lại chuyển sang học CĐ thực hành hoặc ĐH ứng dụng. Sẽ có 50.000 SV tốt nghiệp ĐH nghiên cứu học sau ĐH để trở thành nhà khoa học và chuyên gia cao cấp.

 
Giờ thực hành của sinh viên khoa Hóa, trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Thanh Hà
Giờ thực hành của sinh viên khoa Hóa, trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Thanh Hà
Ở luồng thứ hai, trong số 300.000 em học trung học nghề, sau 3 năm tốt nghiệp có 200.000 em đi làm công nhân lành nghề, nhân viên; 100.000 em tiếp tục học CĐ thực hành,  khi tốt nghiệp tiếp tục có sự phân hóa đi làm kỹ thuật viên, cán sự, công nhân kỹ thuật cao và một số ít đi học ĐH ứng dụng rồi tiếp tục học sau ĐH trở thành chuyên gia cao cấp.

Đưa ra quan điểm về cách phân luồng này, PGS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, Phó Chủ tịch VIPUA cho biết: "Chúng tôi muốn kiến nghị với Nhà nước, chỉ 15 - 20% HS tốt nghiệp THCS đi theo hướng ĐH nghiên cứu; số còn lại sẽ đi học nghề, CĐ nghề, ĐH ứng dụng ra trường đi làm để nền kinh tế phát triển, đồng thời phù hợp với yêu cầu của xã hội và của cá nhân".

Chính sách đãi ngộ thích hợp

Nhiều chuyên gia giáo dục đồng tình với cách phân luồng từ THCS, điều này đã được khẳng định trong Nghị quyết về đổi mới giáo dục. Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đề nghị, làm sao cho giáo dục nghề và giáo dục ĐH gắn với đào tạo xây dựng nguồn nhân lực. Vấn đề hết sức quan trọng là phải có chiến lược phát triển kinh tế - xã hội một cách rõ ràng, từ đó mới có thể tính toán cần nguồn nhân lực như thế nào. 

Cho rằng tình trạng “thừa thầy thiếu thợ” cũng là vì phân luồng chưa hợp lý, GS Trần Phương - nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, Hiệu trưởng ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đề nghị cải tạo lại hệ thống giáo dục ĐH theo nguyên tắc phù hợp với nhu cầu kinh tế. "Chương trình khung ĐH của Bộ cứng nhắc, quá thừa và không thích hợp. 500.000 doanh nghiệp tư nhân chỉ cần nhân viên kế toán trình độ trung cấp là đủ. Hiện, nhu cầu của nền kinh tế là nhân lực trung học nghề, cho nên cần xem lại cơ cấu của các loại trường" - GS Trần Phương bức xúc.

Nhiều ý kiến khác cho rằng, hiện nay, hệ thống giáo dục bị cắt khúc đoạn; hai Bộ quản lý hệ trung cấp và CĐ, chỉ đạo khác nhau dẫn đến phát triển không nhất quán; chưa mềm dẻo liên thông giữa các trình độ; các trình độ chưa tương thích với hệ thống chuẩn quốc tế… Tuy nhiên, điều quan trọng là cơ chế chính sách của Nhà nước cần được thay đổi. Nhà nước nên quy định mức học phí THPT tương đối cao; còn hệ trung học nghề được bao cấp một phần và có học bổng. Mức lương của những người làm việc ngoài trời phải cao gấp hai lần so với người làm trong văn phòng máy lạnh, công việc nhàn hạ.