Bài học từ quốc gia chống Covid-19 “tốt nhất thế giới”
New Zealand khá thành công trong việc khống chế đại dịch Covid-19 khi cho đến nay trên toàn quốc chỉ có 25 người trong dân số 5 triệu người tử vong vì Covid-19. Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern thậm chí thừa nhận thành công của Chính phủ trong cuộc chiến chống Covid-19 đã giúp đảng của bà thắng lớn trong cuộc bầu cử vừa qua.
Vậy bí quyết của quốc gia này là gì? New Zealand áp lệnh phong tỏa nghiêm ngặt tới mức các hoạt động như tắm biển hay săn bắn đều bị cấm. Chúng đều bị coi là hoạt động không thiết yếu và Chính phủ New Zealand cũng yêu cầu người dân không làm bất kỳ điều gì có thể làm hao tổn nguồn lực của các dịch vụ khẩn cấp.
Ngay từ khi dịch bắt đầu xuất hiện, bà Ardern cùng nhóm cố vấn của mình đã đưa ra một thông điệp ngắn ngọn và đơn giản: Hãy ở nhà. Đừng tiếp xúc với bất kỳ ai ngoài gia đình mình. Hãy là người có trách nhiệm. Chúng ta sẽ cùng nhau chiến đấu. Thủ tướng New Zealand liên tục nhắc lại thông điệp này trong các cuộc họp báo về mọi vấn đề, từ giá rau củ cho tới trợ cấp lương. Nhưng bà cũng thường xuyên cập nhật tin tức Covid-19 và trả lời các câu hỏi trên Facebook khi đang ngồi ở nhà, thậm chí lúc mặc áo len ngồi trên giường ngủ.
Tuy nhiên, không phải không có những người phản đối lệnh phong tỏa và phá luật. Cảnh sát đã phải giải tán một số người cố tình đi lướt sóng. Bộ trưởng Y tế New Zealand David Clark bị giáng cấp trong nội các sau khi bị phát hiện lái xe đưa gia đình đi biển giữa lệnh phong tỏa.
Mọi người chỉ đi bộ hoặc đạp xe loanh quanh trong khu phố của họ, đứng xếp hàng cách nhau gần 2m bên ngoài các cửa hàng tạp hóa để đợi người khác mua hàng xong, cũng như áp dụng mô hình học tại nhà cho học sinh. Cách tiếp cận này của Chính phủ New Zealand được mô tả là “dập dịch”, thay vì kiềm chế dịch và “làm phẳng đường cong” như chiến lược của Mỹ và nhiều nước phương Tây.
Chia nhỏ mức giãn cách xã hội
Từng được coi là hình mẫu chống Covid-19 tại châu Á, Chính phủ Hàn Quốc vẫn đối diện với những đợt dịch bùng phát mới. Trong bối cảnh này, Hàn Quốc đã sửa đổi chế độ giãn cách xã hội đối phó với dịch Covid-19, chia nhỏ ba mức giãn cách như hiện hành thành 5 mức. Chính phủ giải thích sự thay đổi này là nhằm “phòng dịch chính xác hơn”, kết hợp hài hòa giữa phòng dịch và duy trì đời sống thường nhật của người dân, trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài.
Theo đó, giãn cách xã hội mức 1 được áp dụng khi số ca nhiễm mới ở thủ đô Seoul và các địa phương lân cận dưới 100 ca, số ca nhiễm ở các địa phương khác dưới 30 ca. Giãn cách xã hội mức 1,5 áp dụng khi số ca nhiễm ở Seoul và các địa phương lân cận tăng lên trên 100 ca và các địa phương còn lại trên 30 ca. Riêng tỉnh Gangwon và đảo Jeju, tiêu chuẩn áp dụng là 10 ca do có dân số ít.
Chính phủ sẽ nâng lên giãn cách xã hội mức 2 khi thỏa mãn một trong ba điều kiện: Số ca nhiễm mới tăng gấp đôi ở mức giãn cách 1,5, xảy ra tình trạng lây lan mạnh ở 2 thành phố lớn trở lên, số ca nhiễm trên phạm vi toàn quốc vượt ngưỡng 300 ca. Mức giãn cách 2,5 được áp dụng khi số ca nhiễm trên toàn quốc từ 400 đến trên 500 ca, hoặc tăng vọt lên gấp đôi.
Mức giãn cách xã hội cao nhất là mức 3, áp dụng khi số ca nhiễm trên cả nước từ 800 đến trên 1.000 ca, hoặc tăng gấp đôi. Có nghĩa là giãn cách mức 1 là giai đoạn phòng dịch trong đời sống, mức 1,5 đến 2 là giai đoạn dịch bệnh lây lan cục bộ ở địa phương nhất định, mức 2,5 đến 3 là giai đoạn dịch bệnh lây lan mạnh trên phạm vi toàn quốc.
Với các cơ sở tập trung đông người, Chính phủ Hàn Quốc phân loại thành hai mức, gồm 9 loại hình cơ sở cần quản lý trọng điểm và 14 loại hình cơ sở quản lý thông thường, thay vì phân làm ba mức như trước đây là cơ sở rủi ro lây nhiễm thấp, trung bình và cao. Điều này nhằm giảm thiểu việc ban lệnh cấm kinh doanh, quản lý phòng dịch một cách chặt chẽ hơn.
Khẩu trang & giữ khoảng cách - phổ biến nhưng chưa thống nhất
Về giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc là biện pháp thường được nhắc đến nhưng chưa thống nhất và hiệu quả còn hạn chế, trong khi Hong Kong, Singapore và Na Uy thì yêu cầu giữ khoảng cách 1m, thì Đức và Tây Ban Nha là 1,5m, Nhật Bản và Hàn Quốc là 2m, còn ở Anh cho đến cuối tháng 6/2020 mới yêu cầu giữ khoảng cách ít nhất 1m, ở New Zealand thì quy định giữ khoảng cách 2m ở khu vực công cộng và 1m ở trường học và nơi làm việc.
Quy định về khoảng cách cũng gây ra những tình huống bi hài ở nhiều nơi trên thế giới. Lần đầu tiên sau hơn 2 tháng, những du khách mê biển được tận hưởng cảm giác tắm nắng và bơi lội tại bãi biển La Grande-Motte ở phía Nam nước Pháp.
Dù được phép tắm nắng nhưng người dân vẫn phải nghiêm túc tuân thủ việc giãn cách. Bởi vậy mới có tình huống bi hài xảy ra. Đó là mỗi người sẽ dùng cọc gỗ và dây thừng tạo thành các ô vuông và ngồi bên trong để giữ khoảng cách với người xung quanh. Bãi biển La Grande Motte lại là một trong những khu vực có tỷ lệ nhiễm bệnh thấp nhất Pháp, còn gọi là "vùng xanh", nên du khách được phép tới đây và tận hưởng nhiều hoạt động cá nhân khác như câu cá, bơi lội hay lướt sóng.