Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giao dịch bất động sản đảo chiều

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi ấm lên khoảng 4 tháng đầu năm, gần đây, thị trường bất động sản (BĐS) lại có dấu hiệu trầm lắng, thanh khoản và giao dịch sụt giảm. Trước diễn biến này, nhiều ý kiến nghi ngại sự "nóng" lên của thị trường BĐS vừa qua chỉ là cơn "sốt ảo" và thị trường này sẽ bắt đầu chững lại.

Giao dịch sụt giảm

Khảo sát tại một số sàn giao dịch BĐS tại Hà Nội như Info, VNS, Hội quán BĐS, nhadat24h.net… lượng giao dịch thành công trong khoảng 2 tháng trở lại đây sụt giảm, thanh khoản chậm. Giao dịch trung bình khoảng 40 - 60 căn/tháng. Trong khi đó, 4 tháng đầu năm trung bình giao dịch tại các sàn khoảng 80 - 100 căn/tháng. Thậm chí, một số dự án như Viện 103 (Văn Quán), C37 Bắc Hà (đường Tố Hữu), The Spark (Dương Nội), HP LandMark Tower (An Hưng)… chào bán trong thời gian ngắn đã cháy hàng. Theo đánh giá của các sàn, nền kinh tế biến động nên đã tác động trực tiếp tới sức mua.
 
Dự án C37 Bắc Hà,  đường Tố Hữu, quận Nam Từ Liêm. 	Ảnh: Phạm Hùng
Dự án C37 Bắc Hà, đường Tố Hữu, quận Nam Từ Liêm. Ảnh: Phạm Hùng

Theo các chuyên gia BĐS, thị trường chững lại như hiện này do nhiều nguyên nhân, chủ yếu do các dự án được nhiều khách hàng quan tâm nên các chủ đầu tư, đơn vị phân phối đã đẩy giá để thu tiền chênh cao. Vì vậy, giá bán không sát với giá trị thực của sản phẩm khiến người mua có tâm lý, nghe ngóng.

Một thực tế khác, nguồn cung sản phẩm giá rẻ tương lai sẽ rất dồi dào, khoảng 5.000 căn hộ. Người mua có thêm nhiều lựa chọn, nên họ đang chờ đợi, xem xét, đánh giá tình hình thị trường, tìm hiểu thông tin sản phẩm trước khi đi đến quyết định có chọn mua hay không.

Thị trường có xuống đáy?

Các chuyên gia cho rằng, với hiện tượng sụt giảm lượng giao dịch, các chủ đầu tư, nhà phân phối sản phẩm cần nhìn nhận, đánh giá tình hình và phân tích nguyên nhân cụ thể. Nếu không, sẽ  trở thành một "gáo nước lạnh" dội vào những nỗ lực cố gắng của cả hệ thống trong thời gian qua. Hơn nữa, nó còn khiến niềm tin mới trở lại của người tiêu dùng bị lung lay. Theo TS. Trần Kim Chung - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư, thị trường rơi vào khó khăn quá lâu nhưng hiện chưa có biến động mạnh. Rõ nhất là luồng tiền vận hành vào thị trường yếu, không có đột biến; tính minh bạch chưa được cải thiện… gây tâm lý lo ngại, khó quyết định đối với các nhà đầu tư. "BĐS Việt Nam đang đứng trước ngã ba đường và có thể rẽ theo các hướng. Thứ nhất, vẫn tiếp tục đi ngang với một chút triển vọng như hiện nay. Khả năng này dễ xảy ra nhất. Thứ hai, thị trường bắt đầu vào một chu kỳ tăng trưởng mới, nếu tình hình chính trị, kinh tế vĩ mô, chính sách tiền tệ ngân hàng ổn định… Thứ ba, thị trường có thể xấu đi, nếu tình hình chung xấu đi. Điều này khó xảy ra nhưng không phải là không thể" - TS Trần Kim Chung nhận định.

 
Thị trường luôn vận động. Giá lên xuống, tâm lý khách hàng thay đổi từ ồ ạt mua bán rồi dừng lại nghe ngóng… và có những khoảng chững là đương nhiên. Thị trường cũng cần có những khoảng chững này để cả người bán, người mua tích lũy tài chính và sản phẩm. Tuy nhiên, nếu các đơn vị tham gia, cấu thành thị trường không nhìn nhận đúng cách thức làm việc của mình, xây dựng sản phẩm và giá thành phù hợp thì từ việc chững lại như hiện nay, thị trường BĐS lại có thể xuống đáy sâu hơn.

Ông Phạm Đức Toản Giám đốc Công ty EZ Việt Nam