Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giao dịch nhà ở xã hội trước thời hạn: Trục lợi từ chính sách an sinh

Vân Hằng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 34 dự án là con số ít ỏi của dòng sản phẩm nhà ở xã hội (NƠXH) tại Hà Nội. Khi cầu vượt cung, sẽ xảy ra trục lợi bán - mua. Quy định không cho phép bán NƠXH sau 5 năm (từ ngày ký hợp đồng) nhưng dường như vô hiệu khi không ít giao dịch “ngầm” trót lọt.

Thậm chí, nhiều “cò” còn đứng ra gom hàng, công khai mời chào với giá chênh hàng trăm triệu đồng mỗi căn. Chính sách an sinh xã hội vì thế bị ảnh hưởng.
Ở 3 năm hay vừa bàn giao… đều bán được

Vào vai một người đang có nhu cầu mua NƠXH, phóng viên liên hệ tới số điện thoại 0985.657.XXX đặt vấn đề mua lại căn hộ 56m2 cửa Nam, ban công Bắc thuộc tòa Ecohome 2, Đông Ngạc, Bắc Từ Liêm. Người nghe có tên T. nhận là chính chủ cho hay, căn hộ có vị trí đẹp nhìn ra bể bơi, vườn hoa, đài phun nước. Nội thất hoàn thiện với kệ bếp, trần thạch cao, đèn trang trí và thiết bị vệ sinh cao cấp, chuyển nhượng với giá 19 triệu đồng/m2. Riêng khoản vay 360 triệu đồng của gói vay ưu đãi 30.000 tỷ đồng, thời gian còn trong 5 năm, mỗi tháng trả 4 triệu đồng gốc và lãi suất (ưu đãi 0,4%), sẽ chuyển tên khi người mua có yêu cầu. Trước lo lắng của người mua về tiền chênh quá cao (hơn 200 triệu đồng) cùng quá trình sang tên gói 30.000 tỷ đồng, theo chủ nhà tên T. sẽ gia lộc cho khách, nhưng không nhiều.
 Tòa Ecohome 2, Đông Ngạc, Bắc Từ Liêm. Ảnh: Công Hùng
Thực tế, dự án NƠXH Ecohome 2 đi vào hoạt động năm 2015, chưa được phép rao bán do vướng những quy định của luật. Vì lẽ đó, người bán và người mua đến ngân hàng lập một tài khoản mới để hợp thức hoá nhận khoản vay còn lại. Khoảng hơn 2 năm sau, khi thanh toán xong nghĩa vụ tài chính, ra sổ hồng, chủ nhà sẽ quay lại làm thủ tục sang tên cho khách. “Để yên tâm, chị cho em giữ thêm 50 triệu đồng cho đến thời điểm ra sổ hồng, được sang nhượng theo qui định” - chính chủ căn hộ tên T. cho hay.

Mới đây nhất, dự án NƠXH ở 622 Minh Khai dù đi vào hoạt động chưa lâu, nhưng trên hàng loạt trang giao dịch mua bán nhà đất online rầm rộ thông tin rao bán. Nhiều đầu nậu ôm một lượng lớn căn hộ còn cam kết lo từ A đến Z vấn đề pháp lý. “Mọi thủ tục đúng quy định pháp luật. Luật pháp chỉ quy định không mua bán, chuyển nhượng, cho thuê lại trước 5 năm thôi, chứ bên em làm hợp đồng uỷ quyền sử dụng, rất chặt chẽ” - một “cò” tên A nhiệt tình mồi chài.

"Chừng nào còn trao mọi quyền cho DN: Xây nhà, xét duyệt hồ sơ, chấm điểm, quản lý sau này, chừng đó các hành vi “trái luật” vẫn còn. Xuất phát cũng bởi lợi nhuận, trước khi lên danh sách, hộ gia đình nào có “tiền tươi” thông qua các thị trường ngách tới chủ đầu tư sẽ được ưu ái hơn là không quá khó hiểu. Một khi danh sách đã sai, các bước kế tiếp khó chuẩn. Tốt nhất là việc này nên có một tổ công tác hay một nhóm xét duyệt độc lập, tránh cho DN một mình bao sân." - Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng -TS Phạm Sĩ Liêm

Để tạo độ tin tưởng thêm cho người mua, “cò” này còn hẹn khách đến thực địa căn hộ và tư vấn cụ thể quá trình uỷ quyền. Những căn hộ NƠXH với diện tích như căn hộ 69m2 tại đây, cách đây hơn một năm khách hàng đủ điện kiện được mua với giá khoảng 900 triệu đồng. Như vậy, với giá chuyển nhượng thời điểm hiện tại, mỗi căn hộ có giá chênh “khủng” với hơn 500 triệu đồng.

Kiểm soát bằng danh sách “đen”

Đề cập đến việc NƠXH công khai rao bán khi chưa đủ điều kiện, giới chuyên gia cho rằng đây là thực tế, bởi nhu cầu được sở hữu nhà với mức giá phải chăng chiếm hơn 90% nhu cầu thị trường. Trong khi nguồn cung hiện tại của phân khúc này quá hạn chế. Có cung, ắt có cầu, đôi khi nằm ngoài sự kiểm soát của chủ đầu tư. Tuy nhiên, cần thẳng thắn nhìn nhận, số lượng giao dịch “chui” trên thị trường phần lớn rơi vào… người không có nhu cầu ở.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng - TS Phạm Sĩ Liêm phân tích: Người thu nhập thấp vất vả làm hồ sơ đăng ký mua NƠXH, xếp hàng chờ bốc thăm quyền mua cho thấy khát khao được “có” nhà của họ. Khi may mắn đến, các đối tượng này không chấp nhận bán “cả gia tài” (dù tiền chênh không nhỏ). Vậy câu hỏi đặt ra là gì? Hoàn toàn có khả năng việc rao bán, chuyển nhượng NƠXH đến từ những người được suất ngoại giao của chủ đầu tư. Số người này có thể đã có dăm, ba nhà khác, nên gửi qua “cò” bán lấy tiền chênh. Tức là có dấu hiệu buông lỏng quản lý từ khâu tiền kiểm đến hậu kiểm.

Ở góc độ quản lý, Trưởng phòng Phát triển nhà và thị trường bất động sản Vũ Ngọc Đạm cho biết, nếu phát hiện có dấu hiệu các chủ đầu tư cố tình vi phạm pháp luật, tiếp tay trục lợi sẽ bị cho vào danh sách "đen" trong việc đầu tư xây dựng NƠXH. "Sở Xây dựng sẽ kiến nghị TP không giao thực hiện các dự án NƠXH khác trên địa bàn. Về quản lý NƠXH, Bộ Xây dựng đã có công văn nhắc nhở các địa phương cần kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp làm trái quy định về NƠXH. Về mua bán NƠXH Nhà nước quy định rồi, phải thực thi nghiêm túc. Khi Bộ Xây dựng rà soát xong, chúng tôi sẽ kiến nghị cơ quan chức năng để điều chỉnh cơ chế chính sách cho phù hợp với thực tế" - ông Đạm nói.