Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giáo dục đạo đức cho học sinh đang có sự lệch pha

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sự thay đổi của bối cảnh xã hội cộng với biến đổi của gia đình Việt Nam từ truyền thống sang hiện đại khiến không ít cha mẹ "khoán trắng" việc dạy con cho nhà trường. Vì thế mà giáo dục nhân cách, đạo đức giữa 2 môi trường gia đình - nhà trường bị lệch pha.

Con ngoan = điểm 10

Tại cuộc tọa đàm "Giáo dục với việc hình thành nhân cách, đạo đức con người, văn hóa Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa" vừa diễn ra (ngày 22/1), ông Hoa Hữu Vân - Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ VHTT&DL lo lắng cho biết, một điều tra của Vụ kết hợp với Viện Gia đình và giới cho ra chỉ số: Có tới 57% cha mẹ ở phía Nam và phía Bắc không dành nổi một giờ trong ngày để dạy con cái; Cách dạy con đi thưa về chào bị coi nhẹ. Khi trẻ con bắt đầu học nói thì cha mẹ dạy "hello, bye", người lớn chào trẻ con đi học về. Tiêu chí giáo dục đạo đức trong gia đình đã lệch hướng. Một đứa con ngoan đồng nghĩa với học giỏi. Ông Hoa Hữu Vân bức xúc: "Điều này xuất phát từ chính sách trọng bằng cấp. Cả xã hội quay cuồng vào cuộc chạy đua vào ĐH bắt đầu từ lớp 1, thậm chí dưới lớp 1. Cho nên trẻ con chỉ quan tâm học giỏi, còn người lớn thích con được điểm 10" .

Một nghiên cứu của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam vừa mới đây tại các tỉnh thành về giáo dục đạo đức cho HS, SV ở trường phổ thông đến CĐ cho thấy, hầu hết cha mẹ được hỏi đều coi trọng điểm số học tập; chú trọng môn Toán, Văn, tiếng Anh; không quan tâm giáo dục đạo đức và giáo dục công dân. Thực tế, hiện nay, rất nhiều phụ huynh chỉ lo dạy con quan tâm đến bản thân, khiến đứa trẻ lớn lên trở thành người ích kỷ. "Bức tranh lệch lạc về đạo đức lối sống vô cùng nguy hiểm. Nói dối càng ngày càng tăng" - bà Lê Thị Bích Hồng - Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa Văn nghệ, Ban Tuyên giáo T.Ư than phiền.
 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

 
Trong khi giáo dục trong gia đình không được coi trọng như vậy, thì chương trình giáo dục đạo đức trong nhà trường lãng quên răn dạy học trò những điều thiết thân hình thành nhân cách. Cụ thể, HS lớp 3 được học tìm hiểu Liên Hợp quốc, lớp 7 học về thuế thu nhập, trách nhiệm công dân. Chính sự lệch pha trong giáo dục đã tác động không tốt đến việc hình thành nhân cách trong giới trẻ.

Văn hóa không chỉ là… phong trào

Đa số các chuyên gia giáo dục đều đồng tình với ý kiến của ông Phạm Đỗ Nhật Tiến - nguyên Trợ lý Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về việc nhà trường là một trong 3 môi trường (gia đình - nhà trường - và xã hội) giúp hình thành nhân cách HS. Nhưng mẫu số chung để hình thành nhân cách chính là văn hóa, mà văn hóa giữa nhà trường - gia đình - cộng đồng cũng đang lệch pha. Bởi vậy, phải có khái niệm văn hóa ở 3 môi trường một cách đồng bộ. Và, để nâng cao chất lượng giáo dục nhà trường, trong đó có hình thành nhân cách, phải tiến tới xây dựng văn hóa học đường.

Có ý kiến đề nghị, tới đây khi chúng ta có nghị quyết về văn hóa phải xây dựng các nghiên cứu khoa học, tiêu chí về văn hóa học đường giống như xây dựng các yếu tố để đạt Gia đình văn hóa, phong trào Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Hơn nữa, phát triển văn hóa không thể chỉ dừng lại ở phong trào mà phải chuyển sang thể chế hóa dưới nguyên tắc cơ bản: Phát triển văn hóa là nền tảng của phát triển bền vững. Giữa văn hóa và giáo dục phải xây dựng mối quan hệ đối tác trong việc hình thành nhân cách con người. Trong đó toàn bộ xã hội cùng phối hợp để hình thành nhân cách. Đặc biệt, văn hóa cần được coi là một bộ phận của giáo dục phi chính quy trong việc hình thành nhân cách con người Việt Nam.

Đối với nhà trường, yêu cầu đầu tiên về đạo đức văn hóa là nói thật và làm thật. Hiện có 2 vấn đề trong giáo dục cần thay đổi là việc nói dối tràn lan (đạo văn, tiêu cực thi cử…); tính cưỡng chế và áp đặt quá nhiều làm hạn chế tự chủ, sáng tạo của học trò. Nếu không, mục tiêu của việc thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục là đào tạo con người phát triển toàn diện khó có thể thành công.

 
Nếu nhà giáo dục hiểu đặc điểm từng giai đoạn phát triển của trẻ, tác động giáo dục đúng lúc, phù hợp sẽ tạo ra sự phát triển tối ưu trong quá trình hình thành nhân cách.PGS Mạc Văn TrangViện Khoa học Giáo dục Việt Nam