Giao thông đô thị và bài toán xã hội hóa nguồn lực đầu tư

Yến Dư
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nếu không giải quyết được vấn nạn UTGT, mọi mặt kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường sẽ còn bị ảnh hưởng lâu dài, tiêu cực, thậm chí làm trì trệ sự phát triển chung của đô thị Hà Nội.

Có chiến lược cụ thể
Theo Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện, nhận diện rõ những khó khăn, thách thức đó, TP Hà Nội đã đặt vấn đề giao thông đô thị lên hàng đầu, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, chung tay cùng Nhân dân Thủ đô tìm kiếm giải pháp hữu hiệu nhằm từng bước đẩy lùi UTGT. Một chiến lược lâu dài với nhiều mục tiêu cụ thể đã được xác định rõ.
Đó là đầu tư xây dựng hạ tầng; nâng cao năng lực mạng lưới vận tải công cộng (VTCC); hạn chế xe cá nhân; ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành giao thông; tăng cường giáo dục ý thức của người tham gia giao thông…
 Ùn tắc giao thông trên phố Giảng Võ.  Ảnh: Nguyễn Quỳnh
Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội khẳng định: “Tất cả những giải pháp này phải được thực hiện đồng bộ, hiệu quả, toàn diện mới có thể phát huy hiệu quả thiết thực”.
Liên tục trong nhiều năm, Hà Nội đã tập trung xây dựng các đề án về: Tăng cường quản lý phương tiện giao thông; Quy hoạch giao thông tĩnh; Phát triển VTCC, đặc biệt là vận tải khối lớn; Tuyên truyền, xây dựng văn hóa giao thông…
Nhìn vào thực tế, giao thông Hà Nội đã có những chuyển biến cơ bản. Năm 2016 có 41 điểm “đen” ùn tắc; đến tháng 7/2019 chỉ còn 27 điểm; số vụ tai nạn giao thông hàng năm giảm từ 5% trở lên. Tuy nhiên, giao thông Hà Nội vẫn còn nhiều khó khăn, tồn tại chưa được giải quyết. Dân số cơ học tăng nhanh, lượng phương tiện cá nhân đã đạt trên 6 triệu chiếc và không ngừng gia tăng. Trong khi đó tốc độ phát triển hạ tầng lại rất chậm, quỹ đất dành cho giao thông, nhất là khu vực trung tâm TP ngày càng eo hẹp.
Các chuyên gia cho rằng, dù đã có chiến lược với những mục tiêu cụ thể, hợp lý nhưng Hà Nội lại đang thiếu hoặc chưa tận dụng được hết nguồn lực để giải quyết vấn đề giao thông. Bên cạnh những khó khăn khách quan, cũng có cả những vấn đề nội tại đang kìm hãm bước đột phá của giao thông Thủ đô.
Chuyên gia giao thông Đặng Chí Nga nhận định: “Vấn đề giáo dục, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Điều đó cho thấy TP cần xem xét lại cách quản lý, đặc biệt là công tác xử lý vi phạm giao thông của mình”.
Nhiều rào cản cần tháo gỡ
UTGT, ô nhiễm môi trường có thể xem như một cuộc chiến lâu dài, gian khổ của Hà Nội, cần sự chung sức, đồng lòng của chính quyền và Nhân dân TP. Người dân cũng chính là đối tượng phải chịu nhiều áp lực nhất trong bối cảnh UTGT, ô nhiễm môi trường ngày càng diễn biến phức tạp.
Nhưng cũng chính người dân lại tạo ra không ít áp lực cho quá trình phát triển giao thông của Hà Nội. Đại đa số người dân Hà Nội vẫn lệ thuộc vào xe cá nhân, vẫn ngần ngại với việc đi bộ, đi xe đạp, xe buýt…
Bên cạnh đó, không ít dự án giao thông bế tắc nhiều năm do người dân không đồng thuận phương án giải phóng mặt bằng. Một bộ phận người dân còn nhờn luật, cố tình phạm luật khi tham gia giao thông… Đó không chỉ thể hiện mức độ đáng ngại của văn hoá giao thông mà còn cho thấy sự thờ ơ của bộ phận không nhỏ người dân trước khó khăn, thách thức chung của TP.
Bởi vậy, chính quyền và các đoàn thể cần có những biện pháp giáo dục, tuyên truyền hiệu quả ý thức, văn hoá giao thông cho người dân. Nếu không dành được sự ủng hộ tuyệt đối của cộng đồng xã hội, vấn nạn UTGT, ô nhiễm môi trường của Hà Nội sẽ không bao giờ giải quyết được dù TP có đổ bao nhiêu tiền của vào đi nữa.
Hiện nay, các dự án giao thông rất đắt đỏ, cần đầu tư hàng nghìn, thậm chí hàng chục, trăm nghìn tỷ đồng mới có thể hoàn thành một tuyến đường vành đai, quốc lộ, hay đường sắt đô thị. Trong bối cảnh nguồn thu có hạn, nợ công đã kịch trần, nguồn vốn xã hội hoá từ các DN tư nhân là nguồn lực mạnh mẽ nhất, dồi dào nhất để TP tận dụng.
Nhiều chuyên gia cho rằng, rào cản lớn nhất khiến Hà Nội cũng như nhiều đô thị khác của cả nước khó thu hút nguồn vốn tư nhân vào lĩnh vực hạ tầng giao thông là cơ chế, chính sách thiếu sức hút. Nói cách khác, trong khi xã hội phát triển từng ngày, cơ chế, chính sách pháp luật liên quan đến đầu tư hạ tầng giao thông bằng vốn tư nhân lại phải mất hàng năm, nhiều năm vẫn chưa hoàn thiện. Đây chính là khó khăn khách quan mà Hà Nội không thể đơn phương giải quyết.
Có thể nói, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách nhằm thu hút nguồn vốn xã hội hoá là một trong những nguồn lực, điều kiện tối quan trọng với sự phát triển của hệ thống giao thông đô thị Hà Nội. Và vấn đề này chỉ có thể giải quyết nếu có sự quan tâm sát sao, liên tục của Chính phủ và các bộ, ngành T.Ư.

"Không một quốc gia, đô thị nào trên thế giới có thể phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông mà thiếu nguồn lực xã hội hóa. Hà Nội cần khơi thông nguồn vốn tư nhân mới có hy vọng giải quyết vấn nạn “đói” hạ tầng như hiện nay." - Thạc sĩ quản lý giao thông đô thị Nguyễn Hoàng Hải