Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giáo viên vay tiền về Tết

Chia sẻ Zalo

KTĐT – Các năm trước, trường “mừng tuổi” cho giáo viên mỗi người 1 túi quà trị giá 50.000 đồng”.

KTĐT – Các năm trước, trường “mừng tuổi” cho giáo viên mỗi người 1 túi quà trị giá 50.000 đồng”. Mặc dù 27- 28 Tết mới được nghỉ, nhưng cô Lan đã phải vay mượn thêm tiền chị em để làm vốn và đánh tiếng trước với mấy mối buôn hoa để lấy hoa bán.

Trái với nhận định khả quan về thưởng Tết cho giáo viên năm nay, nhiều thầy cô giáo ở miền núi, nông thôn vẫn phải gồng mình bươn chải để kiếm cái Tết cho gia đình vì không có thưởng.

Tết nào cô cũng… buôn hoa?

Đã dạy gần 10 năm tại Trường Mầm non xã An Đồng (Quỳnh Phụ, Thái Bình) nhưng Tết nào cô Nguyễn Thị Lan cũng phải tranh thủ mấy ngày nghỉ đi mua hoa về chợ bán kiếm tiền tiêu Tết.
Cô Lan cho biết: “Giáo viên ở đây, đặc biệt là giáo viên mầm non, tiền thưởng Tết là chuyện xa vời. Được trả đủ lương hàng tháng đã là may lắm rồi”. Tiền lương cũng chẳng đáng bao nhiêu, dạy lâu năm như cô mà tất cả các khoản gồm lương và phụ cấp (lấy 3 tháng 1 lần) cũng chưa được 1,5 triệu đồng.

Các năm trước, trường “mừng tuổi” cho giáo viên mỗi người 1 túi quà trị giá 50.000 đồng”. Mặc dù 27- 28 Tết mới được nghỉ, nhưng cô Lan đã phải vay mượn thêm tiền chị em để làm vốn và đánh tiếng trước với mấy mối buôn hoa để lấy hoa bán.

Cô ngậm ngùi: “Mất khoảng 5–7 triệu đồng tiền vốn mua chừng 1.000 gốc hoa các loại, Tết cũng kiếm được chút tiền mua sắm quần áo mới cho các con. Thú thực, ra chợ bán hoa cũng rất ngại khi gặp phụ huynh và học sinh của mình, nhưng không làm vậy thì các con… không có Tết”.

Vợ chồng thầy Đinh Văn Hòa – giáo viên Trường Tiểu học Khánh Cường (Yên Khánh, Ninh Bình) chưa bao giờ biết đến tiền thưởng Tết. Mỗi dịp Tết đến, gia đình thầy chỉ trông vào vườn cây cảnh mà thầy cô đã bỏ vốn, bỏ công chăm chút suốt 1 năm trời. Chính vì vậy, cứ được nghỉ Tết, thầy cô phải huy động thêm anh em trong nhà cùng xuống chợ bán tranh thủ mấy ngày trước Tết.

Nói về thưởng của trường, thầy Hòa cho biết: “Tuy không phải miền núi, vùng cao, nhưng học sinh ở đây còn nghèo, trường còn phải đầu tư rất nhiều để đủ điều kiện học tập cho học sinh, vì vậy trích thưởng Tết cho giáo viên là rất khó. Có năm, vợ chồng tôi được thưởng mỗi người… 1 chục bát ăn cơm. Năm nào nhiều thì được gói quà trị giá 50.000–100.000 đồng”.

Giáo viên vay tiền về Tết

Cùng cảnh không tiền thưởng Tết, mấy Tết gần đây, vợ chồng thầy Nguyễn Văn Cường – giáo viên THCS và Tiểu học tại Thu Lũm (huyện Mường Tè, Lai Châu) đều phải ở lại trường vì không đủ tiền về quê ăn Tết. Nhiều giáo viên quê Nam Định, Thái Bình dạy tại đây phải vay tiền những người ở lại, mỗi người 1,5 - 2 triệu bù vào để chuẩn bị về quê.

Thầy Cường cho biết: Những năm trước, các thầy cô thường chung tiền xăng, chạy xe việt dã về xuôi, nhưng năm nay thời tiết lạnh quá không đi xe máy được mà tiền xe về xuôi mỗi ngày một đắt.

Thầy Cường làm một phép tính nhanh: Từ Thu Lũm đến Mường Tè mất 150.000 đồng, từ Mường Tè đến Lai Châu khoảng 200.000 đồng, từ Lai Châu về Hà Nội khoảng 250.000 đồng nữa, không tính về đến quê… số tiền đi đường ngót nghét cả triệu đồng.

“Nếu chỉ trông vào tiền lương tháng 12 thì không đủ tiền đi, tiền về chứ nói gì đến Tết” – thầy Cường thở dài…

Vụ Lao động - Tiền lương của Bộ này cho hay, nhóm lao động thuộc diện hưởng lương ngân sách nhà nước trong các khoản chi liên quan không có thưởng Tết. Tuy nhiên, các đơn vị có thu hoặc có các quỹ phúc lợi, công đoàn cũng thường trích kinh phí ra thưởng Tết.

Trong nhóm thưởng Tết của giáo viên, không ít trường (từ mầm non tới THPT) trích thưởng cho giáo viên được 3-7 triệu đồng/người. Cá biệt, có những trường còn trích Quỹ Hội phụ huynh làm quà Tết cho giáo viên. Thế nhưng, các trường vùng nông thôn thường không có quỹ này.(Phạm Thanh)

Theo ông Vũ Văn Hán - Giám đốc Sở GD-ĐT Lai Châu, hiện nay các trường đều được tự chủ kinh phí theo Nghị định 43 của Chính phủ. Hàng năm, ngân sách được rót về một lần cho các trường. Trường nào quản lý chi tiêu tốt có thể dư ra một khoản để thưởng Tết giáo viên.

Tuy nhiên, cũng theo ông Hán, đối với những trường vùng cao thì phần “kết dư” này là… không tưởng. Bởi lẽ, để có được “nó”, trường cần hội tụ được rất nhiều yếu tố, như: Quy mô nhà trường lớn, quy mô học sinh lớn, bậc lương giáo viên cao và các nguồn khác như hỗ trợ của phụ huynh, triết khấu từ phần trăm các hoạt động dạy thêm…

Những yếu tố này chỉ thuận lợi cho những trường đóng trên địa bàn các thành phố lớn. Còn trường vùng cao, ngoài ngân sách nhà nước, không có bất kỳ một khoản thu nào.

Vì vậy, giải pháp linh động nhất mà các trường vùng cao có thể làm để giúp giáo viên nhà ở dưới xuôi có thể về ăn Tết với gia đình cùng lắm cũng chỉ là… nhận trước 1 tháng lương. Mà nhận trước rồi thì ra Tết, giáo viên lại chẳng biết lấy gì mà tiêu?