Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giật mình với pháo đài phòng thủ của Israel!

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Iron Dome đã không chống chọi được sức công phá của hỏa lực Hamas, gây ra ngày chết chóc nhất ở dải Gaza trong 50 năm qua.

Chốt chặn Iron Dome (Vòm Sắt) đã thất thủ trước cuộc đột kích bất ngờ của lực lượng Hamas vào hôm 7/10, khiến 700 người thiệt mạng và hàng trăm người bị bắt giữ.

Được biết đến là hệ thống tự động theo dõi và đánh chặn tên lửa tiên tiến, Vòm Sắt luôn là niềm tự hào của quân đội Israel và là phần không thể thiếu trong tuyến phòng thủ đầu tiên của nước này.

Hệ thống phòng thủ tên lửa Iron Dome. Nguồn: Business Insider
Hệ thống phòng thủ tên lửa Iron Dome. Nguồn: Business Insider

Hệ thống này gồm các bệ phóng mang hàng chục tên lửa đánh chặn Tamir và một radar có thể phát hiện hỏa lực đang bay tới trong phạm vi 70 km. Được triển khai từ năm 2011 với sự hậu thuẫn vững chắc từ Mỹ, Iron Dome được cho là đã chặn hơn 2.000 tên lửa, với tỷ lệ thành công lên đến 90%.

Tưởng chừng là hệ thống phòng thủ tầm thấp kiên cố bậc nhất, Iron Dome lại đang đứng trước những ngờ vực về khả năng đánh chặn khi hàng loạt tên lửa của lực lượng Hamas có thể vượt qua mặt nó vào hôm 7/10.

“Giống như bất kỳ hệ thống tên lửa nào, Vòm Sắt cũng có những hạn chế nhất định” – John Erath, Giám đốc chính sách cấp cao của Trung tâm Kiểm soát Vũ khí và Không phổ biến Vũ khí, trả lời phỏng vấn của Insider vào hôm 11/10.

Theo ông, dù có thể phát huy hiệu quả trước các cuộc tấn công quy mô nhỏ, hệ thống này lại gặp vấn đề nếu phải đối mặt với hàng nghìn tên lửa như hôm 7/10.

Hiện tại vẫn chưa có thông tin chính xác về tỷ lệ đánh chặn tên lửa của hệ thống phòng thủ Israel trong đợt tấn công của Hamas.

Trong khi Hamas khẳng định đã phóng tối thiểu 5.000 quả rocket vào miền Trung và Nam Israel, Lực lượng Phòng vệ Israel cho biết họ chỉ bắn hạ 2.200 rocket.

Ông Erath cho biết: “Hệ thống phòng thủ tên lửa sẽ gặp thách thức khi đối thủ tìm cách tấn công vào nhiều khu vực khác nhau. Tóm lại, lợi thế luôn nghiêng về phía bên tấn công”.

Một vài video đươc chia sẻ trên CNN cho thấy hệ thống phòng thủ này có thể chặn được ít nhất một số tên lửa đang bay. Trong khi đó, những báo cáo khác lại chứng minh rằng hàng loạt tên lửa đã chọc thủng hệ thống phòng thủ và phá hủy một số địa điểm.

Theo ABC News, ít nhất một tên lửa của lực lượng Hamas đã bắn trúng khu vực quân sự phía sau một bệnh viện tại Ashkelon, phía Bắc Gaza. Theo Al Jazeera, bệnh viện này đã bị cháy nhưng không có thương vong.

Sắp tới, hệ thống Iron Dome sẽ phải đối diện nhiều thách thức hơn khi có nguồn tin cho rằng lực lượng Hamas sắp chuyển sang một loại tên lửa mới khó có thể bị đánh chặn hơn với tên gọi Rajum.

Bên cạnh tính hiệu quả, hệ thống phòng thủ tầm thấp này cũng ngốn chi phí vận hành, mà một phần đến từ nguồn viện trợ của Mỹ.

Vào năm 2014, Mỹ đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Israel về sản xuất một số bộ phận của Iron Dome tại Washington. Tuy nhiên, việc nền kinh tế số 1 thế giới đã chi khoảng 3 tỷ USD/năm để hỗ trợ và phát triển hệ thống này làm dấy lên các cuộc tranh cãi về tính tốn kém. Không những vậy, mỗi tên lửa đánh chặn do Iron Dome bắn ra cũng sẽ tiêu tốn từ 40.000-50.000 USD, một con số tương đối lớn.

Thế nhưng, hiệu quả mà hệ thống này mang lại cũng "đáng đồng tiền bát gạo” mà Mỹ hay Đức bỏ ra. Thậm chí, sức mạnh của nó cũng khiến Israel cân nhắc về việc gửi Vòm Sắt đến Ukraine.

Tuy nhiên, nếu yếu điểm của Vòm Sắt dần bộc lộ, mọi thứ cần phải được xem xét lại.

Ông Erath nói với Al Jazeera: “Những người ra quyết định trong Quốc hội Israel cần phải xem xét có nên đầu tư vào Iron Dome. Còn những người hoài nghi về hệ thống này sẽ tiếp tục khẳng định rằng đầu từ vào Vòm Sắt là một sự lãng phí tiền bạc”.

Về tương lai của Iron Dome, vị giám đốc này cho biết hệ thống này có khả năng học hỏi và thích nghi sau những thất bại để ngày càng cải thiện khả năng chiến đấu hơn.

Hiện tại, căng thẳng giữa Palestine và Israel vẫn tiếp tục leo thang, với việc có 1.055 người Palestine thiệt mạng và 5.184 người bị thương tại Gaza sau các cuộc tấn công của Israel.

Tại Israel, ít nhất 1.200 người thiệt mạng và 2.900 người khác bị thương khi Hamas tấn công.