Gìn giữ bản sắc văn hoá khi Gia Lâm lên quận

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 27/7, Ban Chỉ đạo Chương trình 06-Ctr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hoá, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 – 2025" đã kiểm tra việc triển khai, thực hiện Chương trình tại Huyện ủy Gia Lâm.

Trưởng ban Dân vận Thành uỷ Đỗ Anh Tuấn - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình 06-CTr/TU chủ trì Đoàn kiểm tra.

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh:  Lại Tấn
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh:  Lại Tấn

Vượt 8/13 chỉ tiêu Chương trình

Tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Gia Lâm Nguyễn Tiến Việt cho biết, qua gần 3 năm thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ của Nhân dân, vừa quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện Chương trình 06-CTr/TU của Thành uỷ, 5 Chương trình công tác, 3 Đề án được triển khai đồng bộ, đạt kết quả tốt. Các chỉ tiêu Chương trình thực hiện đảm bảo tiến độ. Trong đó, 8/13 chỉ tiêu vượt, 2/13 chỉ tiêu đạt, 3/13 chỉ tiêu còn lại đảm bảo tiến độ, phấn đấu hoàn thành đạt và vượt kế hoạch.

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Gia Lâm Nguyễn Tiến Việt phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Lại Tấn
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Gia Lâm Nguyễn Tiến Việt phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Lại Tấn

Các hoạt động văn hoá, văn nghệ, trang trí tuyên truyền đổi mới, phục vụ kịp thời các nhiệm vụ chính trị của TP và huyện, tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong tầng lớp Nhân dân. Các phong trào thể dục thể thao phát triển rộng khắp.

Đồng thời, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử, cách mạng được triển khai quyết liệt, đạt kết quả tích cực. Chất lượng giáo dục đào tạo được duy trì phát triển, cơ sở vật chất trường lớp, thiết bị dạy và học được quan tâm đầu tư, 73/79 trường công lập đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 92,4%. Phong trào xây dựng đời sống văn hoá, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh ngày càng đạt nhiều kết quả, nhận thức của Nhân dân ngày càng được nâng cao.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác huy động nguồn lực xã hội hoá dành cho việc tu bổ, tôn tạo di tích trên địa bàn huyện còn nhiều khó khăn. Các thiết chế văn hoá cơ sở chưa phát huy hết giá trị; nếp sống văn minh đô thị tại một số địa phương chưa bền vững…

Tại cuộc kiểm tra, huyện Gia Lâm đề xuất, kiến nghị TP sớm ban hành hướng dẫn quản lý, sử dụng tài sản công với các thiết chế văn hoá, thể thao cơ sở để khắc phục tình trạng quản lý và sử dụng không hiệu quả các Trung tâm văn hoá, thể thao cấp xã, huyện.

Đồng thời đẩy nhanh tiến độ xem xét, thẩm định xếp hạng các di tích lịch sử văn hoá; sớm xây dựng và gắn biển Điểm lưu niệm sự kiện cách mạng kháng chiến tại 3 điểm: Thôn Hàn Lạc, thôn Trân Tảo (xã Phú Thị), thôn Kim Sơn (xã Kim Sơn).

Huyện Gia Lâm cũng kiến nghị TP rà soát quy hoạch và đầu tư thêm trường THPT công lập trên địa bàn huyện để đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh.

Gìn giữ bản sắc văn hoá

Trên cơ sở báo cáo của huyện Gia Lâm, thành viên của Đoàn kiểm tra đã có những giải đáp, đề xuất, kiến nghị với huyện. Phó Giám đốc Sở Tài chính Vũ Trung Thành đã giải đáp những kiến nghị của huyện về quản lý, sử dụng, khai thác công năng sử dụng thiết chế văn hoá.

Phó Giám đốc Sở Tài chính Vũ Trung Thành phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Lại Tấn
Phó Giám đốc Sở Tài chính Vũ Trung Thành phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Lại Tấn

Phó Giám đốc Sở Du lịch Trần Trung Hiếu đề nghị huyện quan tâm tới phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn; quy hoạch làng nghề gốm sứ Bát Tràng tỷ lệ 1/500. Đồng thời nâng cao chất lượng, điểm đến du lịch; tổ chức hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch tại địa phương. Liên quan đến vấn đề này, Phó Giám đốc Sở TT&TT Nguyễn Thị Mai Hương đề nghị huyện Gia Lâm đẩy mạnh số hoá, quảng bá du lịch để thu hút du khách.

Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Nguyễn Hồng Dân đề nghị, huyện Gia Lâm trong quá trình hoàn thành chỉ tiêu lên quận cần nghiên cứu cơ cấu lao động phù hợp với cơ cấu kinh tế. Cùng với đó, phối hợp phát triển hệ thống sàn giao dịch việc làm để kịp thời giải quyết cho người lao động.

Phó Giám đốc Sở VH&TT Trần Thị Vân Anh phát biểu. Ảnh: Lại Tấn
Phó Giám đốc Sở VH&TT Trần Thị Vân Anh phát biểu. Ảnh: Lại Tấn

Đánh giá cao những kết quả về phát triển văn hoá, thể thao của huyện Gia Lâm thời gian qua, Phó Giám đốc Sở VH&TT Trần Thị Vân Anh đề nghị, huyện quan tâm đến việc xây dựng đời sống văn hoá, gia đình văn hoá, quy tắc ứng xử, xây dựng thôn, tổ dân phố văn hoá. Đồng thời quan tâm phát triển công nghiệp văn hoá trên địa bàn huyện…

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Trưởng ban Dân vận Thành uỷ Đỗ Anh Tuấn - Phó Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 06-CTr/TU đánh giá cao kết quả huyện Gia Lâm đã đạt được trong triển khai, thực hiện Chương trình. Bên cạnh đó, Trưởng ban Dân vận Thành uỷ đề nghị, huyện Gia Lâm trong quá trình phát triển lên quận cần giữ gìn được bản sắc văn hoá của địa phương.

Trưởng ban Dân vận Thành uỷ Đỗ Anh Tuấn phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Lại Tấn
Trưởng ban Dân vận Thành uỷ Đỗ Anh Tuấn phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Lại Tấn

Đồng thời, tiếp tục nâng cao nhận thức trong cấp ủy, chính quyền cũng như toàn dân về vị trí, vai trò của phát triển văn hóa, xây dựng con người trong đổi mới và phát triển bền vững đất nước. Xác định nhiệm vụ phát triển văn hoá văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị. Gắn các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển văn hoá và xây dựng con người với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, từng cơ quan, đơn vị.

Trưởng ban Dân vận Thành ủy cũng đề nghị huyện tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển công nghiệp văn hoá giai đoạn 2021 - 2025 đúng định hướng. Trong đó tập trung vào việc đẩy mạnh thực hiện Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch trên địa bàn huyện Gia Lâm giai đoạn 2021 - 2025”.

Tiếp tục rà soát quy hoạch, xây dựng kế hoạch, huy động các nguồn lực để đầu tư, phát triển đồng bộ mạng lưới các trường học trên địa bàn theo phân cấp, đảm bảo tốt nhu cầu học tập và chất lượng giáo dục đào tạo. Trong đó chú trọng đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư xây dựng trường học chất lượng cao, trường liên cấp; tăng cường công tác xã hội hóa giáo dục, quản lý và phát triển mạng lưới các trường học ngoài công lập.

Cùng với đó, thường xuyên thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát; biểu dương nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến; giải quyết và xử lý kịp thời các vi phạm phát sinh.