Chiều 28/5, Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội tổ chức khảo sát, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển sản xuất lúa Japonica hàng hóa vụ Xuân 2020 tại diện tích canh tác thuộc xã Tự Lập, huyện Mê Linh.
Vụ Xuân 2020, Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội đã triển khai xây dựng được 20 mô hình sản xuất lúa Japonica hàng hóa chất lượng tại 16 xã của 6 huyện gồm: Thanh Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Chương Mỹ, Mê Linh, Sóc Sơn. Tổng diện tích thực hiện là 859ha.
Trong số đó, Trung tâm lựa chọn, xây dựng 65ha sản xuất lá Japonica theo hướng hữu cơ tại 2 xã: Nam Phương Tiến, Đồng Phú (huyện Chương Mỹ). 300ha sản xuất lúa Japonica theo tiêu chuẩn Việt Nam tại xã Bình Minh (huyện Thanh Oai; các xã: Đốc Tín, Phùng Xá, Mỹ Thành (huyện Mỹ Đức); xã Hòa Phú (huyện Ứng Hòa); xã Liên Mạc (huyện Mê Linh); xã Tân Minh (huyện Sóc Sơn).
Còn lại 494ha sản xuất lúa Japonica chất lượng an toàn tại các xã: Sơn Công, Hòa Nam, Hòa Xá, Lưu Hoàng, Minh Đức (huyện Ứng Hòa); các xã: Tự Lập, Tam Đồng (huyện Mê Linh) và xã Nam Sơn (huyện Sóc Sơn).
Theo đánh giá của Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội, dự kiến năng suất đối với diện tích lúa theo tiêu chuẩn Việt Nam, chất lượng an toàn (khoảng 794ha) sẽ đạt khoảng 6,0 tấn/ha đối với giống lúa ĐS1, và từ 6,3 - 6,5 tấn/ha đối với giống lúa J02. Đối với diện tích lúa Japonica trồng theo hướng hữu cơ, năng suất dự kiến đạt 5,65 tấn/ha.
Đáng chú ý, hiệu quả kinh tế sản xuất lúa Japonica trong vụ Xuân 2020 đạt trung bình khoảng 30 triệu đồng/ha/vụ. So với giống lúa chất lượng Bắc Thơm số 7, năng suất, tổng thu nhập của lúa Japonica đều cao hơn khá nhiều. Đặc biệt, hiệu quả sản xuất của giống lúa Japonica được đánh giá cao gấp đôi giống Bắc Thơm số 7 (khoảng 30 triệu đồng so với 15 triệu đồng/ha).