Trong 2 giờ đồng hồ, buổi giao lưu đã thu hút hàng ngàn câu hỏi từ thí sinh (TS), phụ huynh gửi đến, đa phần đều phân vân trong việc định hướng nghề nghiệp, thông tin tuyển sinh và những quyền lợi được hưởng khi học tại trường…
Xoay quanh những câu hỏi này, Tiến sĩ Vũ Viết Bình, Phó trưởng ban Đào tạo, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết: Với TS trúng tuyển vào các trường ĐH, CĐ, TC, các trường đều tạo điều kiện tối đa cho TS được hưởng ưu đãi đặc biệt: "Nếu TS trúng tuyển vào ĐH Quốc gia Hà Nội, các em cũng sẽ có nhiều cơ hội để tham dự một trong các chương trình đào tạo (CTĐT) đặc biệt, đó là CTĐT tài năng, tiên tiến, đạt chuẩn quốc tế, chất lượng cao. Đối với CTĐT tài năng, ngoài các chế độ dành cho SV chính quy đại trà, SV còn được hỗ trợ thêm kinh phí đào tạo 25 triệu đồng/năm, được cấp học bổng khuyến khích phát triển 1 triệu đồng/tháng, được bố trí phòng ở miễn phí trong ký túc xá của trường...".
PGS. TS Kim Sơn, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội phát biểu tại buổi giao lưu trực tuyến. Ảnh Đức Giang
Cơ sở vật chất, chỗ ở của SV sau khi đậu vào trường cũng được các trường tạo điều kiện tối đa. Tiến sĩ Trần Mạnh Dũng, Trưởng phòng Đào tạo, Học Viện Ngân hàng khẳng định: Môi trường đào tạo, trong đó có cơ sở vật chất phục vụ dạy và học của các trường hiện nay ngày càng được tăng cường, đáp ứng tốt nhất cho công tác đào tạo. "Tại Học viện Ngân hàng, các khu vực giảng đường khang trang, trang bị hiện đại, 100% giảng đường được trang bị đầy đủ phương tiện kỹ thuật phục vụ việc dạy và học. Nhà trường có thư viện điện tử, SV có thể kết nối với tư liệu tham khảo của một số trường ĐH trên thế giới. Ký túc xá của trường hiện chưa đáp ứng được đủ nhu cầu của SV. Song nhà trường sẽ vẫn bố trí khoảng 500 suất ở mỗi năm cho SV khóa mới nhập học, ưu tiên các SV thuộc diện đối tượng chính sách, SV vùng cao, biên giới, hải đảo…" - ông Dũng cho biết.
Không nên từ bỏ ước mơ
Vấn đề việc làm sau ra trường được đại đa số TS cũng như phụ huynh quan tâm, đặc biệt là ở thời điểm này để đưa ra quyết định làm hồ sơ dự thi. Đơn cử cho những băn khoăn này là câu hỏi của một bạn TS: "Thưa cô, các ngành Điều dưỡng hiện nay nhu cầu nhân lực rất cao đúng không ạ? Em rất thích ngành Y nhưng em băn khoăn những chuyên ngành nào đang còn thiếu nhân lực hiện nay?". Trả lời câu hỏi này, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thịnh, Hiệu trưởng Trường CĐ Y tế Hà Đông cho biết, tất cả nhóm ngành y đều thiếu so với nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân hiện nay. Tuy nhiên, trên thực tế, chỉ thiếu nguồn nhân lực có chuyên môn như điều dưỡng sản phụ khoa, và một số nhóm ngành bác sĩ chuyên khoa tâm thần, nhi, giải phẫu bệnh…
Ngoài những câu hỏi có thể thi vào trường nào với học lực trung bình, chọn nghề nào dễ xin việc, TS còn mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ phía nhà trường sau khi tốt nghiệp. Về vấn đề này, GS.TS Phạm Ngọc Quý, Phó Hiệu trưởng ĐH Thủy lợi chia sẻ: Trước mùa tuyển sinh, việc đưa ra quyết định chọn ngành nghề, chọn trường đối với TS đặc biệt quan trọng. Nếu chọn sai sẽ là một sự lãng phí rất lớn cho bản thân, gia đình và xã hội. "Trước hết, các em phải xác định được ngành, nghề mình đam mê, cơ hội việc làm dành cho các em rất nhiều, nếu các em quyết tâm học tập, theo đuổi ước mơ của mình, các em phải xác định nghề cho tương lai thật chín chắn, sau đó mới quyết định làm hồ sơ dự thi. Hiện nay, ngành công nghệ thông tin, SV ra trường đến đâu được tiếp nhận ngay đến đó. Trường ký kết với các Tổng Công ty lớn như Sông Đà, tư vấn thủy lợi, tư vấn điện, các công ty xây dựng, các viện… để SV được đến thực tập và liên hệ việc làm sau khi ra trường", ông Quý cho biết. Đây cũng là xu hướng hỗ trợ SV sau ra trường của Học viện Ngân hàng, CĐ Y tế Hà Đông, ĐH Quốc gia Hà Nội.
Rất nhiều thắc mắc, câu hỏi, cùng những chia sẻ, tư vấn nghề nghiệp đã được các thầy cô của 4 trường ĐH, CĐ giải đáp cho TS trong thời điểm "nước rút" để nộp hồ sơ đăng ký dự thi này. Để theo dõi toàn bộ nội dung cuộc giao lưu, bạn đọc có thể truy cập báo điện tử Kinh tế & Đô thị tại địa chỉ: web www.ktdt.vn.