Phát biểu khai mạc, ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI, cho biết: Báo cáo năm nay ra mắt trong bối cảnh các tỉnh ĐBSCL vừa hoàn thành quy hoạch cấp tỉnh, cần một cơ chế thực thi, giải quyết các trở ngại trong quá trình triển khai quy hoạch của từng địa phương.
Đồng thời, vùng ĐBSCL cần cơ chế hợp tác giữa các tỉnh để khai thác các nguồn lực một cách hiệu quả, phát triển kinh tế xã hội theo đúng hướng quy hoạch tích hợp đã được Thủ tướng phê duyệt.
Theo Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, kinh tế vùng ĐBSCL phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022 nhưng chậm hẳn lại trong năm 2023. Trong những năm trở lại đây, cơ cấu GRDP của vùng ĐBSCL gần như không có sự thay đổi. Bên cạnh đó, vòng xoáy đi xuống về nguồn nhân lực vẫn đang tiếp diễn ở ĐBSCL và sự phân hóa về tỷ lệ hộ nghèo giữa các tỉnh trong vùng là rất lớn.
ĐBSCL đang dần mất đi lợi thế về môi trường kinh doanh (PCI). Sau một thời gian khá dài có mức PCI cao hơn mặt bằng chung thì đến năm 2021, PCI trung bình của ĐBSCL đã giảm xuống bằng mức trung bình cả nước.
Bên cạnh đó, quá trình nghiên cứu cho thấy, 6 nhóm nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các thách thức hiện nay ở ĐBSCL, bao gồm: điều kiện tự nhiên; công nghệ; vốn nhân lực; kết cấu hạ tầng; môi trường đầu tư – kinh doanh; và cơ chế quản trị - hợp tác - liên kết vùng.
Các nguyên nhân trực tiếp này lại là kết quả của nhiều thể chế, chính sách, và các quá trình kinh tế đan xen được tạo thành từ những nguyên nhân thể chế có tính nền tảng.
Từ những nghiên cứu trước, Báo cáo kinh tế thường niên vùng năm 2023 xác định thể chế, quản trị, và liên kết vùng là nội dung then chốt, có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của ĐBSCL trong hiện tại và dài hạn.
Theo Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh - Giám đốc Trường Chính sách công và quản lý Fulbright, liên kết vùng không chỉ là sự hợp tác để tạo lợi thế, khai thác tối đa tiềm lực kinh tế giữa các địa phương trong vùng, giữa ĐBSCL với TP Hồ Chí Minh, mà đó còn là cơ sở để tiến tới thực hiện nhất quán các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước.