Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Gỡ khó cho đầu tư công

Yến Dư
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Hà Nội vẫn đặt quyết tâm không cắt giảm ngân sách dành cho đầu tư công, trong đó có hạ tầng giao thông. Việc điều tiết linh hoạt dòng vốn được xem như lời giải quan trọng, gỡ khó cho các dự án giao thông trọng điểm của TP.

Dự án đường Vành đai 3 dưới thấp qua hồ Linh Đàm. Ảnh: Trần Thanh
Chưa tính đến cắt giảm
Cũng như nhiều địa phương khác, Hà Nội đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19. Theo dự báo, nếu hết quý II/2020, dịch bệnh mới được kiểm soát, thu ngân sách của TP sẽ hụt khoảng 36.000 - 39.000 tỷ đồng; trong đó thu từ ngân sách địa phương hụt từ 10.000 - 12.000 tỷ đồng.
Cùng với sự sụt giảm đó, vốn đầu tư cho tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội của Thủ đô nói chung, hạ tầng giao thông nói riêng có thể gặp khó khăn nhất định. Tuy nhiên, phát biểu tại buổi làm việc giữa Thường trực Thành ủy và Ban Cán sự Đảng TP ngày 8/4 vừa qua, lãnh đạo UBND TP Hà Nội vẫn đề xuất chưa thực hiện cắt giảm đầu tư công. Thay vào đó, sẽ cân đối bằng cách điều tiết vốn từ các dự án chậm triển khai, có vướng mắc sang cho các dự án cấp thiết, cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân để sớm hoàn thành, đưa vào khai thác. Chủ trương này đã được Thường trực Thành ủy Hà Nội đồng thuận.
Dự kiến, ngay trong tháng 4 này, sẽ có 23 dự án bị giảm vốn với tổng số 1.772 tỷ đồng để chuyển sang cho 60 dự án khác theo chủ trương điều tiết linh hoạt vốn đầu tư công. Trong đó có các dự án hạ tầng giao thông rất cấp bách của TP như: Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2; đường nối Vành đai 3 - cao tốc Pháp Vân… Ngoài ra, Thường trực Thành ủy Hà Nội cũng lưu ý, TP cần có báo cáo kịp thời để Chính phủ xem xét cho phép giải ngân các dự án ODA theo tiến độ dự án; tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP lên mức trên 35% để đảm bảo nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có đầu tư cho hạ tầng của Thủ đô.
Đối với chủ đầu tư, nhà thầu các công trình hạ tầng giao thông, thực sự đó là một tin rất đáng mừng. Đại diện các nhà thầu thi công dự án đường Vành đai 3 đi thấp bằng cầu qua hồ Linh Đàm cho biết: “Với tình hình dịch Covid-19, các nhà thầu nói chung đều lo lắng sẽ gặp vướng mắc trong giải ngân. Tuy nhiên, chủ trương quyết liệt, xác đáng của TP đã khiến chúng tôi yên tâm, triển khai rốt ráo dự án để đảm bảo tiến độ”.
Quyết liệt hơn nữa
Tuy nhiên, cần nhìn nhận một thực tế, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của Hà Nội vẫn chưa được như kỳ vọng do nhiều nguyên nhân. Đó là trong điều hành và triển khai các dự án, một số chủ đầu tư, cán bộ quản lý còn thiếu quyết liệt, chưa chủ động, hạn chế về chuyên môn nghiệp vụ. Công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành, địa phương trong giải quyết thủ tục, tháo gỡ vướng mắc chưa kịp thời, thiếu hiệu quả.
Đặc biệt, trong khâu giải phóng mặt bằng (GPMB), thực hiện các dự án giao thông, dù đã có nhiều tín hiệu tích cực nhưng vẫn còn quá nhiều việc phải làm. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng nhận định, trong nhiệm kỳ này, tỷ lệ người dân nhận tiền đền bù GPMB đã tăng đến 30 - 40%, giảm áp lực đáng kể cho TP trong thực hiện đầu tư. Tuy nhiên, GPMB chỉ là một khâu rất nhỏ trong quy trình tỷ lệ giải ngân, không nên cứ chậm thì đổ lỗi cho GPMB.
Phát biểu tại buổi làm việc giữa Thường trực Thành ủy và Ban Cán sự Đảng TP ngày 8/4 vừa qua, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ đã đồng tình và đánh giá cao quyết tâm không cắt giảm vốn đầu tư công của UBND TP. Bí thư Thành ủy đề nghị UBND TP thành lập Ban Chỉ đạo hoặc Tổ công tác đặc trách để thực hiện các giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trung hạn. Trong đó, xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, thống kê từng vướng mắc, ai là người thực hiện, khi nào phải xong và đốc thúc mọi công tác để đạt hiệu quả cao nhất.
Về phân bổ và giải ngân đầu tư công, UBND TP đã làm kịp thời và HĐND TP đã tạo mọi điều kiện với tinh thần chia sẻ, xây dựng, giúp cho không có nguồn nào tồn đọng. Điều này cũng cho thấy các sở ngành, địa phương và các ban quản lý dự án sau kiện toàn đã làm việc nỗ lực cố gắng, mặc dù chúng ta đang vướng rất nhiều thể chế, chính sách chung.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ