Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Gỡ khó cho mạ khay, cấy máy

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Áp dụng mạ khay, cấy máy cho năng suất lúa tăng 10 - 15% so với phương pháp truyền thống, góp phần giải phóng sức lao động, giảm chi phí sản xuất, nâng cao thu nhập cho nông dân. Hiệu quả đã rõ, song việc áp dụng phương pháp tiên tiến này vẫn gặp nhiều khó khăn.

Quá nhiều vướng mắc
Theo đánh giá của Sở NN&PTNT Hà Nội, việc áp dụng cũng như nâng tỷ lệ diện tích gieo cấy lúa bằng phương pháp mạ khay, cấy máy hiện nay đang gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do sản xuất mạ khay đòi hỏi đầu tư lớn về cơ sở hạ tầng; đa số cơ sở sản xuất mạ khay phải mua giá thể dẫn đến chi phí cao.
 Gieo cấy lúa bằng máy tại huyện Phú Xuyên. Ảnh: Ánh Ngọc
Trong khi đó, đội ngũ cán bộ cơ sở còn thiếu và yếu về chuyên môn; người sử dụng máy, thiết bị hầu hết chưa được đào tạo kiến thức cơ bản nên quá trình thực hiện còn lúng túng. Mặt khác, cơ sở dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng máy móc thiết bị nông nghiệp chưa phổ biến.
Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Bình Minh (Thanh Oai) Lê Thị Xiêm cho hay, mặc dù đã dồn ô đổi thửa, song nhiều xứ đồng không bằng phẳng, khó điều tiết nước dẫn đến cơ giới hóa khâu gieo cấy gặp khó khăn. Đáng nói là cơ cấu lúa hiện nay khá dàn trải nên quy hoạch cánh đồng gieo cấy lúa một giống, tạo thuận lợi cho áp dụng mạ khay cấy máy cũng gặp không ít trở ngại.
Đồng quan điểm, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Quảng Phú Cầu (Ứng Hòa) Nguyễn Lương Hậu chia sẻ, việc áp dụng mạ khay cấy máy vào sản xuất vụ Mùa không mấy suôn sẻ. Do thời tiết nắng nóng, mưa úng thường xuyên xảy ra nên khi cấy máy, tỷ lệ mạ non chết nhiều khiến nông dân phải mất công tỉa dặm.
Nhiều đại diện HTX và nông dân đã thẳng thắn chỉ ra bất cập của chính sách hỗ trợ. Cụ thể, hiện nay TP hỗ trợ 50% chi phí mua máy, tối đa không quá 75 triệu đồng/máy, trong khi nhiều loại máy hiện đại, công suất lớn có chi phí lên đến vài trăm triệu đồng. Do đó, mức hỗ trợ này vẫn chưa khuyến khích được HTX, nông dân mạnh dạn đầu tư. Mặt khác, khâu vay vốn ngân hàng và các nguồn tín dụng đối với HTX, nông dân cũng không dễ dàng. Các thành viên trong HĐQT HTX phải thế chấp sổ đỏ của gia đình mới đủ số vốn lên đến cả tỷ đồng để đầu tư máy móc, vật tư.
Cần thêm cơ chế hỗ trợ
Nhằm từng bước tháo gỡ khó khăn, nhiều đại diện HTX kiến nghị TP sớm điều chỉnh chính sách hỗ trợ trực tiếp 50% cho các đơn giá máy khác nhau. Cùng với đó, có cơ chế hỗ trợ HTX về kinh phí phát triển dây chuyền mạ khay.
Đặc biệt, chính quyền địa phương cần có chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư cơ giới hóa trong khâu gieo cấy như: Tạo điều kiện về mặt bằng để HTX xây dựng kho bãi, nhà xưởng chứa máy móc, giá thể, tập kết khay mạ; quy hoạch bài bản đồng ruộng thành các vùng sản xuất chuyên canh, tập trung…
Để mở rộng diện tích lúa áp dụng cơ giới hóa trong khâu gieo cấy, theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương, thời gian tới, TP cần có cơ chế chính sách hỗ trợ mỗi huyện, thị xã thành lập từ 1 - 2 trung tâm sản xuất mạ khay đồng bộ ở tất cả các khâu. Sở NN&PTNT tiếp tục tăng cường tổ chức các lớp đào tạo chuyên sâu cho người sử dụng máy móc, thiết bị, kỹ thuật sử dụng, sửa chữa máy cấy, dây chuyền gieo mạ.
Đối với các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân thấy được hiệu quả từ việc cơ giới hóa khâu gieo cấy, qua đó, nông dân tự tin hơn khi áp dụng phương pháp tiên tiến này.
Phó Giám đốc Sở NN& PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, trên cơ sở đánh giá hiệu quả mô hình, Sở chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông Hà Nội tiếp tục tạo điều kiện về vốn vay thông qua nguồn Quỹ Khuyến nông TP để các hộ nông dân có thể tham gia đầu tư sản xuất mạ khay, cấy máy. Đồng thời, tăng cường liên kết với các tổ chức, DN xây dựng chuỗi thu mua lúa gạo từ các vùng sản xuất áp dụng mạ khay, cấy máy nhằm khuyến khích nông dân tham gia.

Theo số liệu thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, tính đến thời điểm này, toàn TP có 323 máy cấy (276 máy cấy lúa 4 hàng, 33 máy cấy lúa 6 hàng, 14 máy cấy lúa 8 hàng). Diện tích gieo cấy lúa bằng máy đạt trên 5.000ha, chiếm hơn 3% diện tích gieo cấy toàn TP.