70 năm giải phóng Thủ đô

Gỡ khó để thúc đẩy chuyển đổi xanh

Lê Mai
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu (BĐKH) lần thứ 28 (COP28), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thể hiện rõ quyết tâm của Việt Nam trong thực hiện cam kết tại COP26 là đưa phát thải về 0 vào năm 2050.

Tuy nhiên, để tiến trình chuyển đổi xanh đạt hiệu quả, hẳn phải có nhiều vấn đề mà chúng ta cần phải tháo gỡ.

Nỗ lực thực hiện cam kết

Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia chịu nhiều tác động của BĐKH, đứng thứ 21 trên thế giới và đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á về phát thải khí nhà kính. Song, Việt Nam đã có nhiều hành động thiết thực để thực hiện giảm phát thải khí nhà kính đi đôi với chuyển đổi năng lượng công bằng.

Trồng rừng chống biến đổi khí hậu tại vườn quốc gia Cúc Phương. Ảnh: Lê Mai
Trồng rừng chống biến đổi khí hậu tại vườn quốc gia Cúc Phương. Ảnh: Lê Mai

Cụ thể, ngay sau COP26, Chính phủ Việt Nam đã quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương nghiên cứu, xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện các cam kết của Việt Nam. Bộ TN&MT đã trình Chính phủ ban hành Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả hội nghị COP26; Chiến lược quốc gia về BĐKH giai đoạn đến năm 2050; Kế hoạch hành động quốc gia về Tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030; Kế hoạch hành động giảm phát thải khí mê tan đến năm 2030; Kế hoạch hành động của các ngành thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26…, cùng hàng loạt các nghị định liên quan được ban hành.

Năm 2022, dấu ấn quan trọng nhất của Việt Nam trong hành trình chống BĐKH là việc đàm phán và thông qua Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) cùng với Nhóm các đối tác quốc tế (IPG), bao gồm: Canada, Pháp, Đức, Italia, Nhật Bản, Anh, Mỹ, Liên minh châu Âu, Đan Mạch và Na Uy.

Tại COP27 diễn ra tại Ai Cập vào tháng 11/2022, Việt Nam một lần nữa tái khẳng định cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050 và thể hiện rõ nỗ lực của Việt Nam trong cuộc chiến chống BĐKH. Tại đây, Việt Nam đã nộp Báo cáo đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật lần thứ 2, trong đó phản ánh các hành động cụ thể cần thực hiện từ nay tới năm 2030 phù hợp với lộ trình đạt phát thải ròng bằng 0 và cam kết giảm 30% phát thải khí mê tan. NDC cập nhật lần 2 của Việt Nam đã tăng nỗ lực đáng kể so với NDC nộp năm 2020...

Tham gia COP28 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã nhấn mạnh, chuyển đổi xanh cùng với chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu của Việt Nam để phát triển nhanh, bền vững, chuyển đổi nền kinh tế từ nâu sang xanh. Việt Nam tập trung và mong muốn đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực này. Thủ tướng đề nghị các DN, quỹ đầu tư tiếp tục coi Việt Nam là địa chỉ để gửi gắm niềm tin, Việt Nam luôn tạo điều kiện thuận lợi, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các nhà đầu tư trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.

Chỉ một con đường nhưng... cần gỡ khó

Mặc dù nhận thức được tầm quan trọng của tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, song thực tiễn cho thấy có sự không đồng đều giữa các địa phương, khối DN và các bộ phận người dân trong chuyển dịch xanh, bảo đảm tính bao trùm. Theo báo cáo của nhóm nghiên cứu Học viện Chính sách và Phát triển, như rất nhiều quốc gia khác trên thế giới, Việt Nam cũng đang gặp phải bài toán nan giải về tính bao trùm của chuyển dịch xanh.

Theo đó, ở cấp độ địa phương, tính đến năm 2021, GRDP bình quân đầu người của các vùng kinh tế trong cả nước có sự phát triển không đồng đều. Cụ thể, GRDP bình quân đầu người của khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Hồng ở ngưỡng cao, lần lượt đạt 142,23 triệu đồng và 110,43 triệu đồng; trong khi khu vực Tây Nguyên chỉ đạt 53,09 triệu đồng và Trung du và miền núi phía Bắc chỉ đạt 56,13 triệu đồng. Kéo theo đó, năng suất lao động cũng có sự phân cực mạnh giữa các địa phương khi một số tỉnh, thành có năng suất lao động ở mức rất cao, như: Bà Rịa - Vũng Tàu (561,2 triệu đồng/người), TP Hồ Chí Minh (305,5 triệu đồng/người), Quảng Ninh (350,03 triệu đồng/người), trong khi một số tỉnh, thành có năng suất lao động ở mức rất thấp, như: Điện Biên (73,88 triệu đồng/người), Bến Tre (75 triệu đồng/người)…

Ở cấp độ DN, theo kết quả Tổng điều tra kinh tế năm 2021, số lượng DN, lao động làm việc trong khu vực ngoài Nhà nước và FDI tăng nhanh, trong khi khu vực Nhà nước giảm rõ rệt. Để thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh, cộng đồng DN FDI tại Việt Nam có khả năng đạt được cam kết phát thải bằng 0 nhanh hơn khối DN trong nước. Bởi lẽ, DN trong nước gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh do hạn chế về có kinh nghiệm, vốn và công nghệ. Do vậy, còn nhiều DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa “bị bỏ lại phía sau” trong tiến trình thực hiện mục tiêu về phát triển bền vững.

Về vấn đề này, TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), nguyên Chủ tịch VCCI cho rằng, các DN ngành sản xuất phần lớn chưa nhận thức được khái niệm và sự quan trọng của chuyển đổi xanh. Đây đó còn cho rằng, đó là sự xa xỉ, là sự kêu gọi có tính chất đạo đức nhiều hơn là về thương mại và hiệu quả kinh tế. Thực tế là DN vừa và nhỏ vẫn phải tập trung lo cơm áo gạo tiền, do đó cần thay đổi nhận thức chuyển đổi xanh là con đường độc đạo là vấn đề sống còn của DN. Đây là vấn đề của các hộ kinh doanh, DN nhỏ và siêu nhỏ chứ không chỉ là DN lớn. Đây là “hộ chiếu” để tham gia thị trường trong nước và thế giới, tiếp cận mạng lưới sản xuất cũng như chuỗi cung ứng toàn cầu.

“Do đó, nhận thức của DN vừa và nhỏ cần tăng cường để thúc đẩy sự cần thiết, hành động của họ để chuyển đổi xanh. Tôi cũng nhận thấy, các tổ chức quốc tế rất quan tâm giúp Việt Nam trong chuyển đổi số và đây là điều rất cần thiết. Về phía Việt Nam, chúng ta đã nhận thức sớm và có chiến lược sớm, có Ban Chỉ đạo về tăng trưởng xanh nhưng từ chỉ đạo đến hành động thì còn rất dài, đó là vấn đề chúng ta cần khắc phục” - TS Vũ Tiến Lộc nói.

Được biết, hiện tại, nhiều quốc gia đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong quá trình chuyển đổi xanh, chẳng hạn như Mỹ tạo ra 100.000 việc làm xanh từ tháng 8/2022 đến tháng 1/2023, Hàn Quốc huy động được 92 tỷ USD làm quỹ chính phủ quốc gia để thực hiện trung hòa carbon trong 5 năm (2023 – 2028), hay Trung Quốc tăng 50% tổng công suất điện mặt trời lắp đặt năm 2023 so với năm 2022… Còn Việt Nam, dù đã nỗ lực với quyết tâm cao để thực hiện cam kết đưa phát thải về 0 năm 2050 và đã đạt được những thành quả nhất định nhưng rõ ràng chúng ta vẫn chưa phát huy được tối đa nội lực.

Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh, ngay từ hôm nay, mỗi chúng ta hãy bắt đầu thực hiện nó từ thói quen tiêu dùng xanh. Cùng đó, rất cần có cơ chế ưu đãi, khuyến khích xanh để nhiều DN vừa và nhỏ có thể tham gia. Đặc biệt, cần xây dựng hệ thống phân loại xanh phù hợp với các mục tiêu phát triển bền vững, tiêu chuẩn quốc tế và hệ thống ngành kinh tế tại Việt Nam.

 

Trong các xu hướng lớn trên toàn cầu và ở Việt Nam (gồm có xanh hóa; số hóa; đô thị hóa; trung lưu hóa và già hóa dân số), luôn có những nhóm dân số yếu thế, có nguy cơ bị gạt ra ngoài lề và phải đối mặt với nhiều rủi ro. Do đó, dù nền kinh tế có đi theo hướng nào, thì việc bảo đảm an sinh xã hội, đặc biệt là an sinh thu nhập, phải là trụ cột quan trọng trong tăng trưởng và phát triển bao trùm.
GS.TS Giang Thanh Long - Trường Đại học Kinh tế quốc dân