Gỡ vướng để đẩy nhanh tiến độ số hóa truyền hình

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các vướng mắc liên quan tới hạ tầng truyền dẫn phát sóng, nguồn vốn “rót”...

Kinhtedothi - Các vướng mắc liên quan tới hạ tầng truyền dẫn phát sóng, nguồn vốn “rót” cho Dự án (DA) Chuyển đổi công nghệ số hóa sản xuất, phát sóng truyền hình Đài PT-TH Hà Nội… đã được lãnh đạo Bộ TT&TT và UBND TP Hà Nội trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ cho DN tại cuộc họp giữa đoàn công tác của Bộ và UBND TP về việc triển khai Đề án số hóa truyền hình tại Hà Nội diễn ra chiều 10/9.

Theo ông Vũ Ngọc Minh - Phó Tổng Giám đốc Đài PT-TH Hà Nội, tính đến nay, Đài mới được TP bố trí 80/317 tỷ đồng để thực hiện DA Chuyển đổi công nghệ số hóa sản xuất, phát sóng truyền hình. Việc chậm giải ngân vốn đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới tiến độ thực hiện DA. “Rất mong từ nay tới cuối năm, TP sẽ bố trí thêm kinh phí để đảm bảo hoàn thành DA đúng tiến độ đã được duyệt” - ông Minh nêu kiến nghị.
Phòng kỹ thuật Đài phát thanh truyền hình Hà Nội.  	Ảnh: Trần Chính
Phòng kỹ thuật Đài phát thanh truyền hình Hà Nội. Ảnh: Trần Chính
Về vấn đề này, bà Phan Lan Tú - Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội cho rằng, việc đầu tư nhỏ giọt sẽ không mang lại hiệu quả lâu dài vì máy móc, thiết bị, công nghệ truyền hình thường xuyên đổi mới. Vì thế, cần phải mạnh dạn đầu tư đồng bộ để chuyển đổi số hóa, nếu hiện tại không bố trí được nguồn vốn thì có thể vay, hoặc là tính đến giải pháp thuê thiết bị. Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện (Bộ TT&TT) Đoàn Quang Hoan cũng đồng tình cho rằng, TP cần ưu tiên đầu tư cho Đài PT-TH nâng cao chất lượng chương trình phát sóng, nhằm cạnh tranh với các đài lân cận sau khi ngừng phát sóng analog. “Đầu tư cho hôm nay chính là giảm bớt phần kinh phí thường xuyên về sau” - ông Hoan nhấn mạnh.

Trước các kiến nghị vừa nêu, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn chỉ đạo Đài PT-TH Hà Nội cần xây dựng đề án kiện toàn tổng thể, chia rõ lộ trình đầu tư phát triển, việc này cần làm sớm để TP xem xét. Phó Chủ tịch UBND TP cũng lưu ý việc bố trí kinh phí cho kế hoạch hỗ trợ đầu thu truyền hình số cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách trên địa bàn TP Hà Nội. Tổng mức hỗ trợ khái toán hiện nay là gần 62 tỷ đồng, trong đó một phần là T.Ư hỗ trợ, một phần là của địa phương. “Từ nay tới ngày 31/12/2015 chỉ còn khoảng 3 tháng, để kịp lộ trình số hóa mà Chính phủ đặt ra thì TP sẽ phải chủ động ứng ra trước, có thể kêu gọi xã hội hóa để hỗ trợ đầu thu cho bà con” - Phó Chủ tịch UBND TP chỉ đạo.

Cũng tại cuộc họp, đại diện Công ty CP Truyền dẫn phát sóng truyền hình đồng bằng sông Hồng (RTB) kiến nghị, Bộ TT&TT và Cục Tần số Vô tuyến điện đồng ý cho RTB được tạm phát trên kênh tần số K49 cho đến khi Bộ thực hiện đấu giá tần số kênh theo quy hoạch. Đồng thời, RTB đề nghị UBND TP Hà Nội và Hải Phòng ủng hộ và tạo điều kiện cho RTB được sử dụng hệ thống truyền dẫn phát sóng hiện tại của các đài để phát công nghệ DVB-T2. Theo lý giải của RTB, Đài PT-TH Hà Nội đã được đầu tư hệ thống anten, combiner và máy phát sóng K49 bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước sẵn sàng đáp ứng việc phát DVB-T2 tại K49 hiện đang không sử dụng. Sẽ là lãng phí cơ sở vật chất mà Nhà nước đã trang bị cho nhà đài nếu RTB không được tạm phát trên K49. Đại diện RTB cam kết trong thời gian phát trên cả 2 kênh tần số K48 và 49, RTB sẽ thực hiện hoàn thiện phương án đo kiểm, lắp đặt trạm phát phục vụ phủ sóng vùng lõm và căn chỉnh hệ thống phòng máy trung tâm khi phát tối đa dung lượng kênh. Bên cạnh đó, sẽ vẫn thực hiện đầu tư phát sóng tại K47 theo quy hoạch và sẽ thống nhất với Đài phương án chuyển đổi máy phát K49 sang K47.

Liên quan tới kiến nghị này, ông Hoan khẳng định, kênh tần số sẽ phải bị thu hồi sớm để phát triển dịch vụ 4G dự kiến vào năm 2018. Tuy nhiên, tạm thời Cục Tần số Vô tuyến điện đồng ý cho RTB phát trên K49, nhưng vẫn phải nhanh chóng hoàn thiện hệ thống truyền dẫn trên kênh 47 và 48 theo đúng cam kết. Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải cũng ủng hộ phương án mà RTB đề xuất nhằm tránh lãng phí cơ sở vật chất hiện có, tạo điều kiện cho DN tập trung đầu tư hạ tầng phát sóng cho 2 kênh K47 và K48.