Đến nay, kết quả thực hiện DĐĐT của TP đạt được rất khả quan, song điều khiến nhiều người dân trăn trở là tiến độ cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) còn rất chậm.
Chưa yên tâm sản xuất
Là một trong những huyện triển khai DĐĐT từ rất sớm, đến nay huyện Phú Xuyên đã dồn đổi được hơn 8.964ha đất nông nghiệp, đạt 104 % kế hoạch. Việc hoàn thành DĐĐT đã giúp địa phương hoàn thiện các hệ thống công trình giao thông thủy lợi và khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Theo bà Phạm Hải Hoa – Bí thư Huyện ủy Phú Xuyên, nhu cầu sử dụng, tích tụ đất sau DĐĐT ngày càng tăng, song việc cấp GCNQSDĐ thực hiện chậm. Nhiều địa phương đến nay mới chỉ giao ruộng trên thực địa mà chưa thực hiện cấp đổi GCNQSDĐ do thiếu nguồn kinh phí. Hiện tại huyện Phú Xuyên mới đang cấp giấy ở 3/26 xã thực hiện DĐĐT.
Tại huyện Chương Mỹ, sau DĐĐT, các xã đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi được 1.294ha. Toàn huyện hiện có 415 trang trại, doanh thu đạt từ 600 triệu đến 3 tỷ đồng/năm và trên 600 gia trại cho thu nhập cao. Bên cạnh những kết quả đạt được, băn khoăn của địa phương hiện nay là việc cấp GCNQSDĐ sau DĐĐT cho các hộ dân. Ông Lê Trọng Khuê – Bí thư Huyện ủy Chương Mỹ chia sẻ, theo quy định kinh phí đo đạc, cấp lại GCNQSDĐ sau DĐĐT được TP hỗ trợ toàn bộ. Tuy nhiên đến nay công tác DĐĐT của huyện đã cơ bản hoàn thành nhưng chưa được bố trí kinh phí, nên việc cấp lại giấy chưa được thực hiện. Điều này đã ảnh hưởng đến việc tiếp cận các nguồn vốn tín dụng của các hộ gia đình, cá nhân do không có chứng minh tài sản để thế chấp.
Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, tính đến nay, toàn TP đã thực hiện DĐĐT đạt trên 100% kế hoạch (76.540,66ha). Sau DĐĐT, nhiều cánh đồng mẫu lớn, vùng sản xuất hàng hóa đã hình thành ở các địa phương, cho hiệu quả kinh tế cao. Mặc dù vậy, việc cấp lại GCNQSDĐ ở hầu hết các huyện, thị xã đều rất chậm, gây khó khăn trong quá trình quản lý đất đai, hoàn thiện các thủ tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi vì các thủ tục này đều cần trích lục bản đồ, sơ đồ rải thửa. Đồng thời, người dân khó tiếp cận vay vốn ngân hàng, nhiều hộ chưa yên tâm mở rộng quy mô sản xuất và bỏ qua rất nhiều cơ hội phát triển, có nhiều ý tưởng sản xuất phải tạm dừng vì thiếu vốn.
Gỡ khó cho nông dân
Việc đầu tư phát triển các mô hình sản xuất lớn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các địa phương hiện nay. Muốn làm tốt được nhiệm vụ này, các địa phương kiến nghị TP hỗ trợ kinh phí cấp GCNQSDĐ nông nghiệp sau DĐĐT để triển khai cấp giấy được kịp thời. Đồng thời, cần có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện để các DN tham gia đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, mở rộng nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật, trong đó ưu tiên đầu tư, hỗ trợ làm điểm cho các dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Ông Nguyễn Văn Thanh – Chủ nhiệm HTX Chăn nuôi dịch vụ tổng hợp Hòa Mỹ (huyện Ứng Hòa) cho biết, sau DĐĐT, các hộ dân có khả năng tích tụ ruộng đất nhưng ở nhiều địa phương, xã viên HTX chưa thực sự yên tâm đầu tư công nghệ cao do quy hoạch không bền vững. Hơn nữa, hiện các xã viên HTX đều nhận khoán hoặc chuyển đổi các vùng sản xuất với thời hạn chuyển đổi là 5 năm do UBND xã quyết định theo luật. “Thời gian chuyển đổi ngắn làm hạn chế lớn đến năng lực đầu tư. Do đó, Nhà nước cần có chính sách tháo gỡ kịp thời giúp người dân yên tâm đầu tư phát triển sản xuất” – ông Thanh bày tỏ.
Giám đốc Sở NN&PTNT Chu Phú Mỹ thẳng thắn nhìn nhận, việc cấp lại GCNQSDĐ sau DĐĐT là một trong ba vấn đề lớn đang vướng mắc của TP Hà Nội trong xây dựng nông thôn mới, phát triển sản xuất nông nghiệp. Để tháo gỡ vấn đề này, theo ông Mỹ, Sở KH&ĐT, Sở Tài chính cần tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cho UBND TP bố trí đủ nguồn lực hỗ trợ phát triển sản xuất và kinh phí đo đạc cấp GCNQSDĐ. Sở NN&PTNT cũng sẽ kiến nghị TP thay đổi một số chính sách nhằm giúp đỡ nông dân đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp.
Phát triển vùng lúa hàng hóa sau DĐĐT tại xã Đại Thắng, huyện Phú Xuyên. Ảnh: Quang Thiện
|