Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Gợi mở công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích, lịch sử văn hóa Thủ đô

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 19/9, tại Bảo tàng Hà Nội, UBND thành phố Hà Nội phối hợp với Trung ương Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học "Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa Thủ đô Hà Nội".

Tới dự có các đồng chí nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị; Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Đặng Thị Bích Liên; Trưởng Ban tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong; Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý cùng các chuyên gia và nhà khoa học.
Hội thảo đã đón nhận 31 tham luận của những nhà quản lý, nhà khoa học có uy tín như: Nguyên Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị, GS.TSKH Lưu Trần Tiêu - Chủ tịch Hội đồng Di sản quốc gia, PGS.TS Trần Đức Cường - Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, GS.TS Trương Quốc Bình - Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia; các ý kiến của cán bộ quản lý địa phương như Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Nguyễn Huy Khánh về vấn đề bảo tồn di sản Làng cổ Đường Lâm…
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý phát biểu khai mạc hội thảo
Kho báu của Thủ đô

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý khẳng định: Thành phố Hà Nội hiện đang dẫn đầu các tỉnh, thành phố về số lượng các di tích lịch sử, cũng như số lượng các di tích văn hóa là di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia. 5.922 di tích lịch sử văn hóa, trong số đó có 13 di tích - cụm di tích được Thủ tướng xếp hạng quốc gia đặc biệt, 1.182 di tích xếp hạng cấp quốc gia và 1.202 di tích xếp hạng cấp tỉnh, TP. Ngoài ra, Hà Nội là địa bàn được chọn làm địa điểm của hầu hết các bảo tàng quốc gia. Cả nước có 35 bảo tàng công lập thì trên địa bàn Hà Nội có 12 (chiếm 1/3 tổng số bảo tàng công lập. Hà Nội có 12 hiện vật được Chính phủ công nhận là bảo tàng quốc gia.

Đúng như theo đánh giá của GS.TSKH Lưu Trần Tiêu: “Kho tàng lịch sử văn hóa danh lam thắng cảnh và di sản văn hóa phi vật thể của Thăng Long - Hà Nội mà tiền nhân để lại như là một tài sản to lớn và quý giá, một nguồn lực cho phát triển bền vững của Hà Nội. Thế hệ chúng ta ngày nay có trách nhiệm bảo tồn và phát huy hiệu quả những giá trị di sản văn hóa Thăng Long – Hà Nội ngàn năm văn hiến vào sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội của Thủ đô và để chuyển giao tài sản cho thế hệ mai sau”. Nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cũng đồng tình cho rằng: “Đấy không chỉ là một kho báu, mà còn là nguồn lực to lớn đã và đang có những đóng góp quan trọng vào quá trình xây dưng và phát triển Thủ đô văn minh, hiện đại”.

Trên nửa thế kỷ bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn, Thành phố đã đạt được những kết quả đáng kể trên các lĩnh vực nghiên cứu, lập hồ sơ xếp hạng di tích, bảo tồn tôn tạo, phát huy giá trị di tích. Đồng thời, khơi dậy những tiềm năng ẩn chứa trong các di tích, phục vụ có hiệu quả công tác giáo dục kiến thức lịch sử, giáo dục, bồi dưỡng nhân cách, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Qua đó, tạo cơ sở cho sự phát triển bền vững của một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của Hà Nội là du lịch…

Phó Chủ tịch Ngô Văn Quý nhấn mạnh, bên cạnh những kết quả đã đạt được, sự nghiệp bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa nói riêng, di sản văn hóa nói chung vì sự nghiệp phát triển bền vững của Thủ đô, Hà Nội cũng đã biểu lộ những khó khăn trong công tác quản lý. Theo đồng chí Ngô Văn Quý, Hội thảo khoa học "Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa Thủ đô Hà Nội" chính để khẳng định di sản văn hóa là một trong những nguồn lực nền tảng cho việc phát triển và xây dựng kinh tế, xã hội của toàn TP, cũng như khắc phục kịp thời những hạn chế trong sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa.

Thông qua Hội thảo, lãnh đạo TP hy vọng, các nhà khoa học, chuyên gia sẽ nghiên cứu, phân tích, làm rõ những nguyên nhân chủ quan, khách quan dẫn đến những yếu kém, hạn chế trong công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị gi tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn Thủ đô. Ngoài ra, gợi mở những nhóm giải pháp nhằm đảm bảo cho sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa Hà Nội bền vững, xứng đáng là TP anh hùng, Thành phố di sản văn hóa…
Hội thảo khoa học "Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa Thủ đô Hà Nội" thu hút sự tham gia đóng góp của rất nhiều khoa học có tên tuổi và uy tín.
Hiến kế bảo tồn

Tại Hội thảo, đại biểu đã được nghe nhiều tham luận của các nhà quản lý, chuyên gia và các nhà khoa học. Trong đó, nhiều tham luận đã thẳng thắn đề cập đến những vấn đề đang được quan tâm trong thời gian qua. Cụ thể, các tham luận được chia ra làm 3 nhóm: Những vấn đề chung, Giá trị tiềm năng của di tích lịch sử - văn hóa Hà Nội, Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa Hà Nội.

Thực tế, nhiều năm qua những vẫn đề bảo tồn, tôn tạo, phát huy di tích luôn “nóng”, gây xôn xao dư luận bởi công tác bảo tồn, quản lý có lúc, có nơi còn bị nới lỏng. Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội cho rằng, hiện nay còn trên 50% di tích chưa được nghiên cứu đầy đủ, chưa lập hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích, chưa có quy hoạch tổng thể bảo tồn di tích lịch sử văn hóa. Hiện có trên 220 di tích xuống cấp nghiêm trọng, 166 di tích bị vi phạm mà gần đây nhất, việc vi phạm trong công tác bảo tồn đình Lương Xá khi bê tông kết cấu ngôi đình đã gây bức xúc dư luận và là sự việc đau lòng của vấn đề trùng tu, bảo tồn di tích.

Làm thế nào để công tác bảo tồn, tôn tạo của Hà Nội hiệu quả để có thể phát huy được giá trị di tích là điều mà các cơ quan quản lý văn hóa, các nhà khoa học dành nhiều thời gian bàn thảo. Theo Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Đặng Thị Bích, Hà Nội cần phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, nâng cao vai trò quản lý các cấp, giáo dục cộng đồng thêm yêu di sản mình đang có. Thời gian tới, Hà Nội nên phát huy giá trị các di sản bằng nhiều hình thức, trong đó nên gắn hoạt động của các khu di sản với các lễ hội, các sự kiện lớn của Hà Nội và đất nước, đặc biệt là các sự kiện hướng tới mốc kỷ niệm 1010 năm vua Lý Thái Tổ định đô tại Thăng Long, Hà Nội.

GS.TSKH Lưu Trần Tiêu cho rằng, Hà Nội cần phải giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội. Để biến tiềm năng của di sản văn hóa thành nguồn lực cho phát triển bề vững, TP Hà Nội cần có đủ điều kiện, cơ sở vật chất, kỹ thuật và tri thức để triển khai số hóa dữ liệu và di sản văn hóa để có thể khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu mở phục vụ công tác quản lý và trao đổi thông tin. Đối với các khu di sản có quy mô như chùa Hương, Cổ Loa… cần ứng dụng hệ thống thông tin địa lý, viễn thám trong công tác quản lý, bảo tồn. Bên cạnh đó, GS.TSKH Lưu Trần Tiêu cũng cho rằng, để phát huy giá trị di sản, Ban quản lý các khu di sản cần đẩy mạnh công tác marketing, nghiên cứu thị trường.