Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

GRDP 9 tháng của Hà Nội tăng 1,28%, an sinh xã hội đảm bảo

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 9 tháng năm 2021, GRDP của TP Hà Nội tăng 1,28% so với cùng kỳ năm 2020 (6 tháng đầu năm tăng 5,85%; quý III giảm 7,02%). Tăng trưởng GRDP 9 tháng năm nay đạt mức thấp so với kế hoạch và so với cùng kỳ năm 2020, chủ yếu do quý III giảm mạnh vì ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19.

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Theo Cục Thống kê TP Hà Nội, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp, khó lường với biến chủng mới lây lan nhanh, nguy hiểm, Thành phố đạt được kết quả trên là rất quan trọng trong công tác phòng, chống dịch và duy trì sản xuất, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.  

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 9 tháng năm 2021 ước tính tăng 3,0% so với cùng kỳ năm 2020, đóng góp 0,06 điểm % vào mức tăng GRDP. Đây là khu vực ghi nhận tốc độ tăng đồng đều trong 3 quý do ít chịu ảnh hưởng của đại dịch. Khu vực công nghiệp và xây dựng 9 tháng ước tính tăng 1,88% so với cùng kỳ năm 2020, đóng góp 0,4 điểm % vào mức tăng GRDP, trong đó ngành công nghiệp tăng 4,32%, đóng góp 0,59 điểm %; ngành xây dựng giảm 2,37%, làm giảm 0,19 điểm % mức tăng chung GRDP.

Khu vực dịch vụ 9 tháng năm 2021 ước tăng 0,85% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,55 điểm % vào mức tăng GRDP, thấp hơn mức tăng 2,73% của cùng kỳ năm 2020 do chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19. Một số ngành dịch vụ có mức tăng trưởng âm trong 9 tháng năm nay như: Dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 26,91% so với cùng kỳ; hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ giảm 24,82%; kinh doanh bất động sản giảm 8,96%; nghệ thuật, vui chơi và giải trí giảm 7,02%; bán buôn, bán lẻ giảm 1,56%; vận tải, kho bãi giảm 1,57%; dịch vụ khác giảm 19,58%.

Trong quý III, hoạt động sản xuất công nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực từ diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. TP Hà Nội đã thực hiện quyết liệt các giải pháp cấp bách nhằm kiểm soát, khống chế dịch bệnh, trong đó thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn Thành phố để phòng chống dịch. Sản xuất công nghiệp do đó giảm.

Ước tính quý III, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) giảm 4,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 5,3%; sản xuất và phân phối điện tăng 3,1%; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,8%; khai khoáng tăng 9,9%. Tính chung 9 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 7,7%; quý II tăng 9,6%; quý III giảm 4,4%), mức tăng thấp trong nhiều năm gần đây .

Hoạt động thương mại, dịch vụ chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid-19, nhất là trong quý III khi Thành phố thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch. Thành phố đã chủ động triển khai nhiều giải pháp, phương án nhằm đảm bảo nguồn cung hàng hóa, nhất là nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân Thủ đô, không để xảy ra hiện tượng mua tích trữ hàng hóa, thiếu hàng, tăng giá đột biến.

Tuy nhiên, do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Thành phố đã phải dừng tất cả các hoạt động kinh doanh, dịch vụ không thiết yếu trong thời gian giãn cách xã hội. Nhiều chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi phải tạm thời đóng cửa, tạm dừng hoạt động để phục vụ công tác truy vết do có liên quan đến các trường hợp F0, việc mở cửa trở lại chậm cũng ảnh hưởng đến hoạt động cung ứng hàng hóa trên địa bàn. Tính chung 9 tháng năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 380 nghìn tỷ đồng, giảm 10,4% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 8,5%; quý II tăng 4,4%; quý III giảm 40,1%),

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 9 tháng đạt 11,1 tỷ USD, giảm 4,4% so cùng kỳ năm trước (9 tháng năm 2020 tăng 0,9%), trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 6.256 triệu USD, giảm 13,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 4.811 triệu USD, tăng 11,8%. Một số mặt hàng chủ yếu có kim ngạch xuất khẩu tăng trong 9 tháng: Điện thoại và linh kiện, phương tiện vận tải và phụ tùng, gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 531 triệu USD, giày dép...

Dù vậy vẫn có những điểm sáng trong bức tranh kinh tế 9 tháng. Một số ngành duy trì tăng trưởng như: Tài chính, ngân hàng tăng 8,68% so với cùng kỳ năm trước; thông tin và truyền thông tăng 6,34%; khoa học công nghệ tăng 5,54%; giáo dục và đào tạo tăng 4,26%; hoạt động Đảng, đoàn thể tăng 3,48%. Riêng y tế và hoạt động trợ giúp xã hội 9 tháng năm nay tăng 28,13% do Trung ương và Thành phố đẩy mạnh khám, chữa bệnh, hỗ trợ kiểm soát, phòng, chống dịch Covid-19 tại các cơ sở y tế, cơ quan, trường học, cộng đồng và tập trung nguồn lực mua vắc xin Covid-19. Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 2,24% so với cùng kỳ năm 2020.

Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn 9 tháng năm 2021 ước thực hiện 176,7 nghìn tỷ đồng, đạt 75% dự toán Trung ương giao (đạt 70,3% dự toán Thành phố giao) và tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2020 (nếu tính cả số thu được gia hạn trong 9 tháng đầu năm theo Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4/2021 của Chính phủ thì tổng thu NSNN trên địa bàn ước thực hiện 189,5 nghìn tỷ đồng, đạt 80,5% dự toán Trung ương giao và 75,4% dự toán Thành phố giao, tăng 7,5% so với cùng kỳ). Chi ngân sách địa phương 9 tháng năm 2021 ước thực hiện 44,3 nghìn tỷ đồng, đạt 40,8% dự toán và bằng 91,3% cùng kỳ năm trước, trong đó: Chi đầu tư phát triển 14,8 nghìn tỷ đồng, đạt 28,9% dự toán và bằng 75%; chi thường xuyên 29,5 nghìn tỷ đồng, đạt 62,3% và tăng 2,9%.

9 tháng năm 2021, tổng vốn đăng ký của các dự án FDI thành lập mới, dự án bổ sung tăng vốn và mua cổ phần ước đạt 927 triệu USD, trong đó đăng ký mới 246 dự án với số vốn 162,6 triệu USD; 93 dự án bổ sung tăng vốn đầu tư với 492,4 triệu USD; nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần 315 lượt, đạt 272 triệu USD.

Công tác bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội tiếp tục được Thành phố và các cấp, các ngành quan tâm thực hiện. Các chính sách xã hội được thực hiện kịp thời, đầy đủ, đúng đối tượng. Thành phố khẩn trương triển khai rà soát, hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 theo chính sách của Trung ương và cơ chế đặc thù của Thành phố.

Tính đến ngày 16/9/2021, Thành phố đã hỗ trợ bằng tiền mặt cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 với tổng kinh phí 1.121 tỷ đồng, trong đó số tiền hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ và Quyết định số 3642/QĐ-UBND ngày 21/7/2021 của UBND Thành phố là 559,4 tỷ đồng; hỗ trợ theo Nghị quyết 15/NQ-HĐND ngày 13/8/2021 của HĐND thành phố Hà Nội là 289,6 tỷ đồng; từ nguồn vận động xã hội hoá hỗ trợ các đối tượng khác là 272 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, thực hiện giảm giá tiền điện cho trên 4,6 triệu lượt khách hàng bị ảnh hưởng dịch Covid-19 theo tinh thần Nghị quyết số 83/NQ-CP ngày 31/7/2021 của Chính phủ với tổng số tiền đến hết ngày 17/9/2021 là 458,3 tỷ đồng; từ tháng 9/2021 sẽ thực hiện hỗ trợ giảm 15% tiền nước sinh hoạt cho các hộ dân trong 4 tháng cuối năm 2021. Ngoài ra, Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố và các cấp, các ngành đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp và Nhân dân ủng hộ bằng hiện vật về trang thiết bị y tế, hàng hóa nhu yếu phẩm cho công tác phòng chống dịch và người dân.