Câu chuyện công nghệ giáo dục (CNGD) khiến dư luận phản ứng dữ dội, nhiều ý kiến trái chiều đã được đưa về các nội dung như: cách đánh vần, ghép vần lạ lùng; nhận biết tiếng theo ô vuông, hình tròn… Nhiều chuyên gia về sư phạm, ngôn ngữ phản đối, còn các giáo viên tiểu học đã được thực nghiệm chương trình lại lên tiếng ủng hộ. Phía ủng hộ thì ủng hộ mạnh mẽ, người phản đối cũng có những tiếng nói hợp tình, hợp lý, khiến cho vấn đề trở nên nóng hơn bao giờ hết.
GS Hồ Ngọc Đại trong buổi trò chuyện. Ảnh: Đăng Khoa |
Hôm nay, GS Hồ Ngọc Đại chính thức lên tiếng về chương trình công nghệ giáo dục này. Trước tiên, về các học chữ theo cách ký hiệu bằng các hình vuông, hình tròn, ông cho biết mục đích của việc này là để học sinh nắm được tiếng nói, phân biệt được tiếng nói và chữ viết. Theo ông, tiếng nói là vật thật, âm nghe được là vật thật; còn chữ cái chỉ là vật thay thế, có quy tắc, quy ước riêng. “Trẻ ngay từ lớp 1 sẽ phân biệt được tiếng nói là vật thật. Vật thay thế thì có thể thay đổi thoải mái. Ví dụ âm a thay bằng chữ /a/, bờ thay bằng chữ /b/, cờ thay bằng /c/, /k/, /q/. Chẳng hạn như tiếng /ba/, các cô không thể dạy trẻ là /bê/ – /a/ - /ba/, vì /bê/ là chữ, không phải âm” – Ông nói.
Chia sẻ thêm về việc ghép vần tạo thành các chữ vô nghĩa, ông cho biết, ngữ âm và tiếng nói là hai phạm trù khác biệt nhau. Học sinh lớp 1 chỉ cần phân tích về âm, chưa xét đến ngữ nghĩa. Khi đã có âm, nếu âm có nghĩa thì trở thành từ, sau đó đọc thành tiếng. “Trước hết học sinh phải phiên âm được, viết được tiếng nói, thì các cháu mới không tái mù chữ”.Từ quan điểm này, ông xây dựng cách đánh vần dựa trên tiếng nói hằng ngày. Ông hướng đến việc giúp trẻ sử dụng tiếng nói, đọc thông viết thạo. “Khi 100% dân cư đi học thì ngôn ngữ đó là ngôn ngữ hàng ngày, chứ không chỉ học trong sách vở. Trẻ phải nghe được, nói được, viết được ngôn ngữ đó” – GS Hồ Ngọc Đại thẳng thắn.Sau buổi nói chuyện dài 2 tiếng, những vấn đề xung quanh công nghệ giáo dục chỉ mới được giải đáp phần nào. GS Hồ Ngọc Đại cho biết, ông vẫn lắng nghe và tiếp thu các ý kiến đóng góp, xây dựng về chương trình công nghệ giáo dục của mình.