Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

GS.TSKH Đặng Hùng Võ: Đất quốc phòng không được tham gia thị trường bất động sản

Gia Tuấn thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện nay, loại hình condotel (căn hộ khách sạn), shophouse (nhà phố thương mại) đang vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận liên quan đến khung pháp lý.

 
Mới đây, việc một tổ hợp khách sạn ngang nhiên xây dựng trên đất quốc phòng (ĐQP) càng khiến cho mô hình kinh doanh condotel trở nên vô cùng chông chênh. Xung quanh đến vấn đề này, phóng viên Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với GS.TSKH Đặng Hùng Võ.
Thưa ông, mục đích sử dụng ĐQP trong Luật Đất đai (LĐĐ) được quy định như thế nào?

- Đất sử dụng vào mục đích quốc phòng chưa được quy định cụ thể trong LĐĐ đầu tiên năm 1987. Tiếp theo trong LĐĐ 1993, Khoản 1 Điều 65 quy định cụ thể về sử dụng đất vào mục đích quốc phòng, an ninh bao gồm đất để đóng quân; đất làm căn cứ quân sự; đất xây dựng các công trình quân sự, an ninh; đất làm sân bay, ga, cảng quân sự; đất làm kho tàng cho các lực lượng vũ trang; đất làm trường bắn, thao trường, bãi thử vũ khí; đất xây dựng nhà trường, bệnh viện, nhà an dưỡng của lực lượng vũ trang và đất sử dụng làm các công trình công nghiệp, khoa học, kỹ thuật phục vụ quốc phòng, quốc phòng kết hợp làm kinh tế.
Tuy nhiên, mục đích cuối cùng có nội dung “phục vụ quốc phòng kết hợp làm kinh tế” lại không được thống nhất nhìn nhận.

Khoản 1 Điều 89 của LĐĐ 2003 đưa ra quy định về đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh với hai điều chỉnh so với LĐĐ 1993. Thứ nhất, bổ sung mục đích sử dụng đất làm nhà công vụ của lực lượng vũ trang và đất làm trại giam giữ, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý. Thứ 2, bỏ cụm từ “quốc phòng kết hợp làm kinh tế” trong mục đích sử dụng “đất làm các công trình công nghiệp, khoa học và công nghệ phục vụ trực tiếp cho quốc phòng, an ninh”.

Như vậy, LĐĐ 2003 “khắt khe” hơn với đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh. LĐĐ 2013 vẫn giữ nguyên quy định về ĐQP, an ninh như LĐĐ 2003 và được quy định tại Điều 61 và Điều 148.

Điều 61 quy định về phạm vi áp dụng cơ chế Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, trong đó không áp dụng cho trường hợp đất để sử dụng vào mục đích “quốc phòng kết hợp làm kinh tế”.

Việc quy hoạch sử dụng ĐQP theo hướng hợp lý hơn để phát triển kinh tế - xã hội thì sao, thưa ông?

- Một là quy hoạch lại các khu dân cư do các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang tạo lập nhằm giải quyết nhà ở cho gia đình quân nhân để giao về cho địa phương quản lý như đất ở.

Hai là chuyển giao đất có lợi thế về phát triển kinh tế, bảo tồn văn hóa, lịch sử đang là ĐQP về các địa phương quản lý và bố trí sử dụng. Tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng đã bàn giao lại một nửa thành cổ Hà Nội cho UBND TP để bảo tồn di tích lịch sử, nhưng vẫn giữ lại một nửa để sử dụng vào mục đích quốc phòng, lấy ranh giới là đường Nguyễn Tri Phương. Ngoài ra, ĐQP thuộc khu vực Sân bay Bạch Mai cũ, Sân bay Gia Lâm cũ cũng chuyển giao một phần để phát triển hạ tầng giao thông, làm công viên...

Ba là việc các đơn vị quốc phòng xin chuyển nhượng lại đất đang sử dụng cho các nhà đầu tư dân sự để thực hiện các dự án đầu tư phát triển kinh tế.

Vậy, ông có thể cho biết, quy định chuyển ĐQP sang sử dụng vào mục đích kinh tế như thế nào?

- ĐQP thuộc loại đất phi nông nghiệp được Nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất, không được tham gia thị trường bất động sản. Việc chuyển ĐQP sang sử dụng vào mục đích khác phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt. Theo quy định tại Điểm đ và e, Khoản 1 Điều 57 và Điều 59 LĐĐ 2013, việc chuyển ĐQP sang sử dụng vào mục đích kinh tế phải được phép của UBND cấp tỉnh. Điều 173 LĐĐ 2013, các tổ chức sử dụng ĐQP không được phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với đất đang sử dụng cho người khác.

Việc chuyển quyền sử dụng đất phải được thông qua cơ chế Nhà nước thu hồi ĐQP và giao đất cho người khác sử dụng, phù hợp với quy định có thu tiền hoặc không thu tiền sử dụng đất.

Xin cảm ơn ông!