Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hệ lụy kéo dài từ những dự án giao thông bế tắc

Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hàng loạt dự án giao thông trọng điểm của Hà Nội đang rơi vào bế tắc, vừa ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự, ATGT vừa gây nhiều bức xúc trong dư luận Nhân dân. Nếu không có biện pháp mạnh, hữu hiệu tình trạng này sẽ còn kéo dài nhiều năm nữa.

Kỳ vọng thành thất vọng

Những năm qua, Hà Nội đã đầu tư rất mạnh mẽ cho hạ tầng giao thông. Nhiều dự án quan trọng mà Nhân dân Thủ đô đặt kỳ vọng rất lớn đã được khởi công. Nhưng đến nay không ít trong số đó lại rơi vào tình trạng bế tắc, trở thành nỗi thất vọng, thậm chí gây bức xúc cho người dân.

Một trong những dự án gây hệ lụy lâu dài và khó chịu nhất là tuyến đường bao quanh khu tưởng niệm Danh nhân Chu Văn An, nay đã được đặt tên là đường Phạm Tu. Đường Phạm Tu nối từ Nguyễn Xiển đến Xa La đã hoàn thành và đưa vào sử dụng phần lớn, chỉ còn nút giao với đường Phan Trọng Tuệ là dang dở nhiều năm qua.

Nút giao này có vai trò vô cùng quan trọng với giao thông trong khu vực, trung chuyển các mạch lưu thông từ bốn hướng tuyến: đường trục phía Nam; đường 70 - Phan Trọng Tuệ; đường Phạm Tu; đường Phùng Hưng. Do chưa giải phóng mặt bằng (GPMB) được các hộ dân nằm trong phạm vi xây dựng nên nút giao với một phần cầu vượt vẫn ngổn ngang, phơi mưa nắng từ năm 2017 tới nay.

Suốt 7 năm qua, ùn tắc giao thông đã trở thành nỗi ám ảnh với người dân lưu thông qua đây. Đặc biệt khi có mưa lớn, nút giao này tắc kinh hoàng, khiến người dân vô cùng bức xúc. Những kỳ vọng ban đầu về một tuyến đường kết nối thẳng từ đường trục phía Nam đến Vành đai 3, giải tỏa giao thông cho đường 70 đã trở thành nỗi thất vọng, chán chường dai dẳng.

Nút giao Phạm Tu - Đường 70 dang dở nhiều năm tạo nên điểm đen ùn tắc giao thông.
Nút giao Phạm Tu - Đường 70 dang dở nhiều năm tạo nên điểm đen ùn tắc giao thông.

Tương tự, dự án nâng cấp mở rộng Quốc lộ 6, đoạn Ba La - Xuân Mai. Sau nhiều năm chờ đợi, dự án đã phải thay đổi phương thức đầu tư từ hợp tác công tư sang sử dụng ngân sách. Cuối năm 2022, công trình được khởi công, đặt kỳ vọng vào năm 2027 sẽ hoàn thành 21,7km với thiết kế từ 4 - 6 làn xe, góp phần hoàn chỉnh trục hướng tâm kết nối với Quốc lộ 21A, đường Hồ Chí Minh và tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đang được triển khai.

Thế nhưng cho đến nay công tác GPMB vẫn đang rất chậm chạp, chủ đầu tư và các nhà thầu thi công cầm chừng trên một đoạn tuyến hơn 2km (tương đương 10% chiều dài toàn tuyến). Thiếu mặt bằng, thi công theo từng đoạn trong khi vẫn phục vụ lưu thông đã khiến dự án trở thành tuyến đường xôi đỗ, chỗ rộng, chỗ hẹp, làm gia tăng ùn tắc và nguy cơ mất ATGT trên Quốc lộ 6 đoạn qua địa bàn huyện Chương Mỹ.

Mới đây dự án tiếp tục điều chỉnh, tách khâu GPMB thành dự án nhỏ, giao cho UBND huyện Chương Mỹ và quận Hà Đông làm chủ đầu tư. Công tác GPMB dự kiến phải kéo dài ít nhất đến năm 2026. Như vậy chưa biết đến năm 2027 Quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai có thể hoàn thành hay không. Trước mắt người dân đang phải từng ngày đối diện với khó khăn khi lưu thông trên tuyến và tình trạng bụi bẩn quanh khu vực thi công.

Điểm chung giữa hai dự án trên là đều nằm giữa những khu vực nội thành hoặc cửa ngõ, mật độ giao thông rất lớn, tác động tiêu cực có thể thấy rõ hàng ngày. Chính vì vậy, tình trạng chậm tiến độ, công trường ngổn ngang gây ùn tắc giao thông, mất vệ sinh môi trường, tạo nên nhiều bức xúc hơn trong dư luận Nhân dân.

Chờ những mảnh ghép quan trọng

Hai dự án khác có vai trò rất quan trọng cho cửa ngõ phía Nam và Tây Thủ đô là dự án đường nối cao tốc Pháp Vân - Vành đai 3 và Đại lộ Thăng Long kéo dài cũng đang tiến triển rất chậm chạp. Đây được xem là những mảnh ghép quan trọng trong hệ thống đường cao tốc kết nối Hà Nội với những địa phương lân cận.

Dự án đường nối cao tốc Pháp Vân - Vành đai 3 là dự án nằm trong Chương trình 03 của Thành ủy Hà Nội về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025”. Khi hoàn thành, dự án sẽ góp phần rất lớn giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên và nghiêm trọng tại nút giao Pháp Vân - cửa ngõ phía Nam của Thủ đô; phân luồng cho các phương tiện quá cảnh Hà Nội đi tránh khu vực trung tâm.

Thế nhưng đến nay công trường dự án vẫn thưa thớt hoạt động, khối lượng công việc chưa được bao nhiêu. Khu vực có mặt bằng đã được thi công nhưng phần lớn dự án vẫn đang nằm chờ công tác GPMB. Trong khi đó, cửa ngõ phía Nam Thủ đô với nút giao Vành đai 3 - cao tốc Pháp Vân thường xuyên ùn tắc vào giờ cao điểm. Trong những ngày mưa ngập kéo dài do hậu quả bão số 3 vừa qua, tuyến cao tốc này cũng rơi vào tình trạng không lối thoát đến mức phải cấm một số loại phương tiện lưu thông qua.

Còn dự án Đại lộ Thăng Long kéo dài, đoạn từ đường Hồ Chí Minh đến cao tốc Hà Nội - Hòa Bình được đánh giá là một trong những dự án trọng điểm vô cùng quan trọng đối với Hà Nội. Nó sẽ giúp TP từng bước hoàn chỉnh hướng kết nối Hà Nội - Hòa Bình; đồng thời là mảnh ghép quan trọng của tuyến cao tốc Hà Nội - Mộc Châu - Sơn La theo quy hoạch đường cao tốc Quốc gia.

Dự án còn có vai trò mở rộng Thủ đô Hà Nội về phía Tây, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày một tăng nhanh giữa đô thị trung tâm với khu vực phía Tây TP, tăng cường hạ tầng giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho khu vực huyện: Thạch Thất, Ba Vì…, là động lực phát triển đô thị vệ tinh Hòa Lạc và chuỗi đô thị vệ tinh phía Tây.

Chính vì tầm quan trọng đó mà dự án đã được ưu tiên khởi công vào quý IV/2023. Nhưng đến nay, sau gần một năm, dự án mới chỉ có một vài cọc khoan nhồi, cấu kiện bê tông được thi công lẻ tẻ trên một phạm vi nhỏ thuộc địa bàn xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất. Nguyên nhân gây bế tắc cho dự án cũng là công tác GPMB chậm chạp.

Có thể thấy, hàng loạt dự án giao thông quan trọng của Hà Nội sau khi bắt tay vào làm đã gặp rất nhiều khó khăn, chậm trễ, gây nên những hệ lụy ngày càng phức tạp. Các dự án “rùa bò” không chỉ gây ùn tắc giao thông, mất vệ sinh môi trường, mà còn gây tốn kém, lãng phí tiền của xã hội, làm giảm hiệu quả đầu tư.

Để nhanh chóng đưa các dự án thoát khỏi bế tắc, đẩy nhanh tiến độ, Hà Nội cần có giải pháp quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa. Cần làm rõ trách nhiệm của các đơn vị tham gia dự án, sai đến đâu chỉ rõ đến đấy, yêu cầu có biện pháp khắc phục, không để tiếp tục kéo dài tình trạng thi công cầm chừng, biến dự án thành điểm “nghẽn” giao thông, gây bức xúc trong dư luận Nhân dân.