Chiều 31/5, Ban Chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 TP Hà Nội họp trực tuyến dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo.
Từ ngày 27/5 đến nay 11/11 chùm ca bệnh không ghi nhận thêm ca mắc mới ngoài cộng đồng
Báo cáo tại phiên họp, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, từ ngày 27/4/2021 đến nay cả nước ghi nhận 4.163 ca mắc mới tại 34 tỉnh, thành phố. Cộng dồn từ năm 2020 đến nay ghi nhận 7.168 ca mắc, 47 tử vong.
Ban Chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 TP Hà Nội họp trực tuyến dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo. |
Một số địa phương có tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như tại tỉnh Bắc Giang, ghi nhận 2.209 ca mắc, chủ yếu tại các khu công nghiệp. Tỉnh Bắc Giang đã thực hiện giãn cách theo chỉ thị 16 tại các huyện Việt Yên, Lục Nam, Yên Dũng, Yên Thế, Hiệp Hòa; giãn cách theo chỉ thị 15 đối với thành phố Bắc Giang. Số ca mắc mới trong ngày vẫn ở mức cao (ngày 30/5 có 91 ca mắc mới).
Tỉnh Bắc Ninh ghi nhận 808 ca mắc, chủ yếu tại huyện Thuận Thành (525 ca mắc), những ngày qua vẫn ghi nhận nhiều ca mắc mới ngoài cộng đồng (ngày 30/5 có 49 ca mắc mới).
TP Hồ Chí Minh ghi nhận 157 ca mắc, trong đó chủ yếu liên quan đến hoạt động tôn giáo của Hội thành truyền giáo Phục Hưng (có 126 ca mắc). Thành phố đã thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15 từ 00h00 ngày 31/5 và giãn cách theo Chỉ thị 16 tại một số địa phương.Tại Hà Nội, từ ngày 29/4/2021 đến nay ghi nhận 209 ca mắc ngoài cộng đồng tại 22 quận, huyện và tại khu cách ly tập trung Trường quân sự Bộ tư lệnh Thủ đô; ngoài ra ghi nhận 229 ca mắc trong bệnh viện (BV Bệnh nhiệt đới TW 112 ca; BV K3 117 ca), 12 ca nhập cảnh đã được cách ly, 05 ca nhân viên y tế.
Hà Nội đã ghi nhận các ca bệnh ngoài cộng đồng có liên quan đến khu công nghiệp của tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang. Sở Y tế đề nghị các quận huyện đặc biệt là các quận huyện giáp ranh cần tiếp tục rà soát các trường hợp trở về từ vùng có dịch của các tỉnh.
Từ ngày 27/5 đến nay 11/11 chùm ca bệnh không ghi nhận thêm ca mắc mới ngoài cộng đồng: Có 5/11 chùm ghi nhận thêm ca mắc là F1 đã được cách ly: (1) Chùm ca bệnh tại số 2A Phạm Sư Mạnh và tòa Park 11 Times City; (2) Chùm ca bệnh liên quan đến Thuận Thành - Bắc Ninh; (3) Chùm ca bệnh liên quan đến thành phố Đà Nẵng; (4) Chùm ca bệnh liên quan đến BV Bệnh nhiệt đới TƯ cơ sở Đông Anh; (5) Chùm ca bệnh liên quan đến Bệnh viện K cơ sở Tân Triều.Có 6/11 chùm, ca bệnh không ghi nhận thêm ca mắc: Chùm ca bệnh liên quan đến Hà Nam, Vĩnh Phúc và người Ấn Độ tại Park 10 Times City; liên quan đến chuyến bay VN 160 ngày 29/4/2021; liên quan đến tỉnh Hưng Yên; liên quan đến Hải Dương.Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, qua rà soát có 8 trường hợp tại Thanh Oai, Chương Mỹ liên quan đến Hội thánh truyền giáo Phục Hưng, kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2. Từ ngày 27-29/4, Phó Chủ hội có làm việc tại Hà Nội, ngày 29/4 trở về TP Hồ Chí Minh, Ban chỉ đạo đề nghị công an TP tiếp tục rà soát các trường hợp liên quan.
Ban Chỉ đạo nhận định, mặc dù các ổ dịch về cơ bản đã được kiểm soát, tuy nhiên, trong những ngày qua vẫn ghi nhận các ca mắc là trường hợp F1 trong các khu cách ly tập trung.
Ngoài cộng đồng ghi nhận ca mắc liên quan đến Khu công nghiệp của tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh. Hiện nay, tình hình dịch bệnh tại tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh vẫn còn diễn biến phức tạp trong khi có nhiều công nhân, chuyên gia làm việc tại đây nhưng cư trú trên địa bàn Hà Nội và có nhiều người dân ở khu vực giáp ranh với các tỉnh này đi lại, làm ăn buôn bán.
Tình hình dịch bệnh tại TP Hồ Chí Minh đang rất nóng, số ca mắc chủ yếu liên quan đến hoạt động tôn giáo của Hội thành truyền giáo Phục Hưng có nguy cơ tiếp tục lây nhiễm ra các địa phương khác.
Thời gian tới, tại Hà Nội sẽ tiếp tục ghi nhận thêm các ca mắc mới tại các khu cách ly tập trung và ngoài cộng đồng có liên đến ổ dịch tại các tỉnh lân cận.
Giám sát chặt chẽ người đến từ TP Hồ Chí Minh
Thời gian qua công tác phòng chống dịch của Thành phố được triển khai một cách chủ động, quyết liệt, đồng bộ nên cơ bản đã kiểm soát được tình hình dịch bệnh, trong thời gian tới, các đơn vị cần tập trung vào một số biện pháp:
Tiếp tục thần tốc truy vết các trường hợp F1 và người liên quan, tận dụng thời gian vàng để khoanh vùng xử lý dịch kịp thời, hiệu quả.
BQL các Khu công nghiệp chế xuất chịu trách nhiệm về công tác phòng chống dịch trong các khu công nghiệp, chế xuất. Nếu đơn vị nào không đảm bảo sẽ đình chỉ hoạt động.
Đối với các khu cách ly tập trung: Tiếp tục siết chặt việc quản lý tại các khu cách ly tập trung, đặc biệt là tại các khu cách ly tập trung F1. Giao trách nhiệm cho người đứng đầu cơ sở.
Để đảm bảo giãn cách và khử khuẩn các khu cách ly tập trung đang hoạt động, trong thời gian tới tạm thời không đưa thêm người vào các khu này.
Để phát hiện sàng lọc trong các khu cách ly tập trung, trong tuần này Sở Y tế chỉ đạo xét nghiệm tổng thể cho toàn bộ đối tượng F1 và nhân viên phục vụ tại các khu cách ly tập trung.
Tiếp tục giám sát chặt chẽ người lao động tại các vùng giáp ranh với các tỉnh hiện đang có số mắc gia tăng như Bắc Giang, Bắc Ninh, những khu vực có nhiều chuyên gia nước ngoài ở, các khu chung cư, khách sạn trên địa bàn nhằm quản lý chặt đồng thời phát hiện kịp thời các trường hợp mắc.
Trước tình hình dịch bệnh phức tạp tại TP Hồ Chí Minh (đã giãn cách theo Chỉ thị 16 tại một số địa bàn và theo chỉ thị 15 trên toàn Thành phố), để chủ động phòng chống dịch, đề nghị các quận, huyện, thị xã giám sát chặt chẽ những người đến từ TP Hồ Chí Minh, yêu cầu khai báo y tế đầy đủ và tự theo dõi sức khỏe nếu có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh phải đến ngay cơ sở y tế để được hướng dẫn xử lý.
Tiếp tục triển khai tiêm vaccine đợt 3 từ nguồn phân bổ của Bộ Y tế, tuy nhiên để chủ động nguồn vắc xin tiêm cho nhân dân Thủ đô cần đẩy mạnh công tác xã hội hóa để huy động các nguồn lực mua vắc xin tiêm phòng Covid-19. Sở Y tế đề nghị Thành phố xem xét thành lập Tổ mua sắm vaccine để chủ động tìm nguồn vaccine.