Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội ban hành khung chỉ số cải cách hành chính với cấp huyện, xã

Việt An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa ký Quyết định số 3199/QĐ-UBND về việc ban hành khung chỉ số cải cách hành chính (CCHC) áp dụng đối với các phòng chuyên môn và tương đương thuộc UBND cấp huyện và khung chỉ số CCHC áp dụng đối với UBND các phường, thị trấn thuộc TP.

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Đây là cơ sở để UBND cấp huyện ban hành chỉ số CCHC áp dụng cho các phòng chuyên môn và tương đương thuộc UBND cấp huyện và chỉ số CCHC áp dụng cho UBND các xã, phường, thị trấn nhằm theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện công tác CCHC hằng năm của các phòng, các xã trực thuộc, góp phần nâng cao hiệu quả CCHC chung của cấp huyện.

Khung Chỉ số CCHC được cấu trúc thành các nội dung đánh giá. Mỗi nội dung gồm các tiêu chí, mỗi tiêu chí có thể gồm các tiêu chí thành phần. Chỉ số CCHC đối với các phòng và chỉ số CCHC cấp xã được đánh giá thông qua thẩm định điểm tự chấm và thông qua điều tra xã hội học.

Trong đó, điều tra xã hội học được khuyến khích thực hiện, không bắt buộc. Kết quả Chỉ số CCHC được xác định bằng tổng điểm thẩm định và điểm điều tra xã hội học, quy đổi về thang điểm 100, đơn vị tính là %. Trong trường hợp không tổ chức điều tra xã hội học, kết quả thẩm định điểm tự chấm là kết quả chỉ số, được quy đổi về thang điểm 100, đơn vị tính là %.

Đối với, khung chỉ số CCHC đối với các phòng được cấu trúc thành 8 nội dung đánh giá gồm: Công tác chỉ đạo, điều hành; tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật; thủ tục hành chính và thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”; cải cách tổ chức bộ máy hành chính; cải cách chế độ công vụ; quản lý tài chính; hiện đại hóa hành chính; tác động đến phát triển kinh tế - xã hội.

Khung Chỉ số CCHC cấp xã được cấu trúc thành 8 nội dung đánh giá gồm: Công tác chỉ đạo, điều hành; tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật; thủ tục hành chính và thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”; cải cách tổ chức bộ máy hành chính; nâng cao chất lượng đội ngũ; quản lý tài chính; hiện đại hóa hành chính; tác động đến phát triển kinh tế - xã hội.

Phương pháp đánh giá được quy định gồm:Tự đánh giá và thẩm định điểm tự đánh giá; đánh giá qua điều tra xã hội học; xác định Chỉ số CCHC; báo cáo kết quả xác định Chỉ số CCHC.

UBND TP giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan hướng dẫn UBND cấp huyện xây dựng Kế hoạch và triển khai xác định chỉ số CCHC đối với các phòng và các xã hằng năm. Xây dựng các mẫu báo cáo kết quả xác định chỉ số CCHC các phòng, các xã đối với UBND cấp huyện. Theo dõi, đôn đốc UBND cấp huyện ban hành chỉ số CCHC áp dụng cho các Phòng và các Xã trực thuộc; triển khai tổ chức thực hiện. Tổng hợp kết quả xác định chỉ số CCHC áp dụng cho các phòng và các xã hằng năm, báo cáo UBND TP.

UBND cấp huyện căn cứ khung chỉ số CCHC, ban hành chỉ số CCHC áp dụng đối với UBND các phòng và các xã trực thuộc (hoàn thành trước ngày 1-8-2024). Hằng năm, xây dựng Kế hoạch tổ chức triển khai xác định chỉ số CCHC đối với các phòng và các xã. Gửi Kế hoạch về Sở Nội vụ để tổng hợp trước ngày 1-9 hằng năm. Báo cáo kết quả xác định Chỉ số CCHC áp dụng đối với các phòng và các Xã trực thuộc về UBND thành phố (qua Sở Nội vụ, trước ngày 25-12 của năm đánh giá). Bố trí kinh phí triển khai xác định chỉ số CCHC theo quy định.

UBND cấp huyện xây dựng Chỉ số CCHC đối với các Phòng và Chỉ số CCHC cấp xã phải căn cứ theo Khung Chỉ số CCHC do UBND Thành phố ban hành và đặc thù, nguồn lực và nhiệm vụ trọng tâm CCHC của địa phương trong từng thời kỳ; đảm bảo thực chất, khách quan, không hình thức; lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp và hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành làm thước đo.