Kết nối hai bên bờ sông Hồng
Theo quy hoạch, sông Hồng là một trong 5 trục phát triển chính của Thủ đô. Do đó, việc ưu tiên xây dựng các cây cầu qua sông Hồng có vai trò hết sức quan trọng.
Trong danh sách 11 công trình giao thông do Sở GTVT Hà Nội báo cáo UBND TP, có 2 cầu vượt sông Hồng là cầu Ngọc Hồi và Trần Hưng Đạo. Không chỉ giảm tải áp lực giao thông, các dự án cầu vượt sông Hồng còn góp phần phát triển đô thị hai bên sông, kết nối đến các tỉnh lân cận trong Vùng Thủ đô.
Đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, dự án cầu Trần Hưng Đạo bao gồm dự án xây dựng cầu Trần Hưng Đạo theo hình thức PPP và tuyến đường kết nối cầu Trần Hưng Đạo với đường Nguyễn Văn Linh. Dự án sẽ kết nối các quận trung tâm với khu vực phía Đông TP, góp phần giảm tải áp lực giao thông cho cầu Chương Dương và cầu Vĩnh Tuy.
Là dự án duy nhất đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), cầu Trần Hưng Đạo nằm trên địa bàn các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Long Biên.
Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở GTVT Hà Nội Phan Trường Thành cho biết: “Cầu Trần Hưng Đạo hiện nay đã chọn được phương án kiến trúc. Tuy nhiên việc nghiên cứu phương án kỹ thuật còn là vấn đề lớn, liên quan đến nhiều nội dung khác nhau. Hiện nay, dự án đầu tư xây dựng cầu Trần Hưng Đạo vẫn đang trong giai đoạn rà soát, nghiên cứu, khảo sát, còn một giai đoạn khá dài phía trước để có thể triển khai thực hiện được”.
Dự án xây cầu Trần Hưng Đạo có chiều dài toàn tuyến khoảng 5,6km, quy mô 6 làn xe cơ giới, 2 làn xe đạp và 2 làn đi bộ. Tốc độ thiết kế của cầu là 80km/h với tổng mức đầu tư khoảng 9.982 tỷ đồng.
Theo Đại diện Sở GTVT, dự án hiện đang gặp khó khăn trong việc lựa chọn phương án tài chính. Cụ thể, theo phương án tài chính 1 (vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ 70,4%) có điểm thời gian hoàn vốn (26 năm) nhưng chưa phù hợp với quy định về việc sử dụng vốn nhà nước trong dự án PPP theo quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Khoản 2, Điều 69).
Trong khi đó, phương án tài chính 2 (vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ 50%) phù hợp với quy định về việc sử dụng vốn nhà nước trong dự án PPP nhưng không có điểm thời gian hoàn vốn.
“Hiện nay, Sở GTVT đang đẩy nhanh tiến độ triển khai rà soát, dự kiến trình HĐND vào cuối năm để thông qua chủ trương đầu tư” - ông Phan Trường Thành thông tin.
Cây cầu còn lại nằm trong đề xuất của Sở GTVT là cầu Ngọc Hồi, nằm trên tuyến đường Vành đai 3,5, nối huyện Gia Lâm và Thanh Trì. Cầu Ngọc Hồi được kỳ vọng giảm áp lực giao thông cho cầu Thanh Trì. Mặt khác, khi cầu Ngọc Hồi xây dựng hướng sang xã Văn Đức (Gia Lâm), sẽ kết nối liền kề với thị trấn Văn Giang (Hưng Yên). Từ đó tăng cường kết nối giữa các khu vực với nhau.
Cầu Ngọc Hồi có tổng mức đầu tư dự kiến là 11.700 tỷ đồng với quy mô đường trục chính đô thị, tốc độ thiết kế 80km/h. Tổng chiều dài tuyến nghiên cứu khoảng 7,5km, quy mô mặt cắt ngang 80m (riêng đoạn từ đê tả Hồng đến cuối tuyến 60m).
Cầu Ngọc Hồi có điểm đầu kết nối với điểm cuối dự án đường Vành đai 3,5 (đoạn từ Phúc La, Văn Phú đến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ). Điểm cuối kết nối với đường Vành đai 3,5 trên địa phận huyện Văn Giang (Hưng Yên), cách đê tả Hồng 700m về phía cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.
Dự án đang gặp khó khăn trong việc xác định phạm vi, ranh giới khi đi qua địa bàn 2 tỉnh, TP là Hà Nội và Hưng Yên. Sở GTVT Hà Nội đã đề nghị UBND TP làm việc với UBND tỉnh Hưng Yên để thống nhất phương án đầu tư, phạm vi đầu tư và phương án tuyến cho dự án đầu tư xây dựng cầu Ngọc Hồi và đường dẫn hai đầu cầu đoạn qua tỉnh Hưng Yên.
Giải cứu nút giao Quốc lộ 6 - Vành đai 3,5
Trong năm 2024, trên địa bàn TP Hà Nội có tổng số 33 điểm ùn tắc giao thông (UTGT). Trong đó, 22 điểm chuyển tiếp từ năm 2023 và 11 điểm phát sinh.
Theo Sở GTVT Hà Nội, trong 3 tháng đầu năm 2024, đã xóa được 2 điểm UTGT. Sở GTVT sẽ tiếp tục xử lý 31 điểm ùn tắc còn lại trong năm 2024.
Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở GTVT Hà Nội Phan Trường Thành cho biết: “Một trong những ưu tiên hiện nay của Sở GTVT Hà Nội là xử lý ngay tình trạng ùn tắc tại các nút giao. Nếu đầu tư quy hoạch những tuyến đường mới cần một khoảng thời gian nhất định. Bên cạnh đó, chúng ta có thể hoàn thiện những nút giao thông bằng giải pháp giảm trừ các giao cắt, thay bằng phương án hầm chui, cầu vượt”.
Sở GTVT Hà Nội đã đề xuất xây dựng cầu vượt trên đường Lê Trọng Tấn (Hà Đông) và Quốc lộ 6 để giảm thiểu ùn tắc, thay đổi diện mạo hạ tầng giao thông Thủ đô.
“Giao cắt trên đường Lê Trọng Tấn (Hà Đông) và Quốc lộ 6 chính là giao giữa trục hướng tâm và Vành đai 3,5. Đây là cửa ngõ, một điểm nút giao thông quan trọng đối với TP Hà Nội” - ông Phan Trường Thành cho hay.
Dự án cầu vượt trên đường Lê Trọng Tấn được cho là có thể tận dụng được không gian hiện có, giải quyết ngay tình trạng UTGT bằng các giải pháp xử lý giao cắt.
Theo đề xuất của Sở GTVT, hầm chui đường Lê Trọng Tấn dưới đường Quang Trung dự kiến tổng chiều dài thiết kế hầm và đường dẫn đầu hầm là 675m. Hầm gồm 2 đơn nguyên, với tĩnh không thông xe trong hầm là 4,75m. Đường đô thị hai bên hầm mỗi chiều bố trí 2 làn xe. Dự án được Sở GTVT đề xuất chủ trương đầu tư công với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 773 tỷ đồng.
Anh Đặng Hoàng Anh (Hà Đông, Hà Nội) cho biết: “Tôi thấy giao thông tại nút giao Lê Trọng Tấn - Quốc lộ 6 rất hỗn loạn. Dù đường không hề nhỏ nhưng vào giờ cao điểm sáng, chiều, ùn tắc tại khu vực này vẫn diễn ra thường xuyên. Nếu có thêm cầu vượt hoặc hầm chui thì giao thông sẽ thông thoáng, thuận lợi cho người dân rất nhiều”.
Theo thông tin của Sở GTVT Hà Nội, dự án xây cầu vượt dự kiến có điểm đầu kết nối với đường Lê Trọng Tấn (cách vị trí nút giao 340m), điểm cuối kết nối với đường Văn Khê (cách vị trí nút giao 340m).
“Sở GTVT Hà Nội đang nghiên cứu, đánh giá các phương án xây dựng cầu vượt hoặc hầm chui giảm trừ giao cắt tuy nhiên cần đảm bảo tính khả thi, phù hợp với quy hoạch” - ông Phan Trường Thành cho hay.