Đỉnh lũ có thể lên báo động 3
Kết quả rà soát mới đây của Sở NN&PTNT Hà Nội cho thấy, hệ thống đê điều của TP rất dễ bị tổn thương. Toàn TP hiện có 4 trọng điểm đê điều phòng chống lụt bão gồm: Khu vực đê kè, cống Xuân Canh – Long Tửu (huyện Đông Anh); cống Liên Mạc (quận Bắc Từ Liêm); cống Cẩm Đình (huyện Phúc Thọ); khu vực đê kè, cống Tân Hưng – Bắc Phú (huyện Sóc Sơn).
Ngoài ra, Hà Nội hiện còn 12 vị trí đê điều xung yếu dọc các tuyến sông đoạn chảy qua các quận, huyện: Hoàng Mai (cống qua đê Yên Sở); Long Biên kè Gia Thượng); Ba Vì (kè Khê Thượng; đê kè Cổ Đô; kè Chu Minh); Phúc Thọ (đê Sen Chiểu); Đan Phượng (kè Liên Trì); Thường Tín (kè An Cảnh); Phú Xuyên (cống Thụy Phú); Gia Lâm (thượng và hạ lưu cầu Đuống, đê, kè Đổng Viên). Đáng lo ngại hơn, theo Phó Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng Bắc Bộ Nguyễn Văn Bảy, trong mùa mưa bão 2020, khu vực Đồng bằng Bắc Bộ (bao gồm cả Hà Nội) có khả năng chịu ảnh hưởng của 1 - 2 cơn bão, áp thấp nhiệt đới. Lượng mưa trong mùa lũ từ 1.300 - 1.600mm.
Mùa lũ năm 2020 có khả năng phù hợp với quy luật nhiều năm. Toàn mùa xuất hiện 3 - 5 đợt lũ trung bình và nhỏ, trong đó, có 1 - 2 đợt lũ lớn. Đỉnh lũ năm 2020 các sông phổ biến thấp hơn trung bình nhiều năm và cao hơn năm 2019. Mực nước đỉnh lũ trên sông Đà, sông Hồng, sông Đuống được nhận định dưới mức báo động 1; sông Đáy từ báo động 1 - báo động 2. Đặc biệt, tại các sông nội tỉnh (Tích, Bùi, Nhuệ, Cà Lồ…), đỉnh lũ có thể lên tới báo động 2 - báo động 3.
Đề xuất Bộ NN&PTNT hỗ trợ đầu tư
Để chủ động phòng chống thiên tai, những năm qua, các trọng điểm đê điều xung yếu đã được TP quan tâm, đầu tư nâng cấp. Hiện, nhiều dự án vẫn đang gấp rút được hoàn thiện. Điển hình là các dự án: Xử lý cấp bách sạt lở đê hữu Cầu (huyện Sóc Sơn); Kè bờ tả sông Đuống (huyện Gia Lâm); Chỉnh trang, nâng cấp đê sông Bùi (huyện Chương Mỹ)…
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, hiện TP đang tiếp tục chỉ đạo các sở ngành, địa phương rà soát, điều chỉnh bổ sung kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, bảo đảm sát thực tế, phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả các sự cố. Đồng thời, thực hiện nghiêm túc công tác phòng, chống thiên tai theo phương châm 4 tại chỗ, bảo đảm tính khả thi trong tổ chức thực hiện.
Để bảo đảm công tác phòng, chống thiên tai năm 2020 và những năm tiếp theo, ông Sơn cho rằng, việc tiếp tục nâng cấp cơ sở hạ tầng là cần thiết. Theo đó, Sở NN&PTNT Hà Nội đã đề xuất Bộ NN&PTNT hỗ trợ kinh phí thực hiện Dự án Chỉnh trị cửa sông Đuống nhằm điều tiết đoạn cửa vào sông Đuống để khống chế, ổn định tỷ lệ phân lưu mùa lũ từ sông Hồng sang sông Đuống ở mức từ 30 – 32%. Trong đó, kinh phí giai đoạn I của Dự án là gần 416,3 tỷ đồng. Trong những năm tiếp theo, Sở cũng đề xuất Bộ NN&PTNT hỗ trợ đầu tư, nâng cấp các tuyến đê hiện chưa bảo đảm mặt cắt thiết kế (đê thấp, mảnh) theo Quyết định số 1821/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể là xây mới 50km đê hữu Đáy và củng cố, nâng cấp các tuyến đê hữu Bùi, tả Mỹ Hà, với tổng kinh phí khoảng 1.504 tỷ đồng.
Ngày 2/5/2020, UBND TP Hà Nội đã có Chỉ thị số 08/CT-UBND về phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2020. Trong đó phân công nhiệm vụ và kế hoạch triển khai cụ thể cho từng đơn vị. Các sở ngành, quận, huyện, thị xã cũng đã chủ động lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kinh tế - xã hội của địa phương… |