Giáo viên sáng tạo
Ý thức tầm quan trọng của giáo dục sáng tạo trong việc thúc đẩy tư duy, khơi gợi tiềm năng của học sinh; bằng tinh thần nhiệt huyết với nghề, nhiều thầy cô giáo đã tìm tòi, áp dụng các phương pháp mới trong giảng dạy nhằm tăng hiệu quả tiết học và hứng thú cho học sinh.
Để mỗi tiết học Lịch sử không còn là giờ học khô khan, đáng sợ mà trở nên hấp dẫn, lí thú, cô Đỗ Thị Bích Hoà, giáo viên Trường Tiểu học Thạch Xá, huyện Thạch Thất đã thực hiện mô hình “Lớp học đảo ngược”. Mô hình cho phép học sinh mở rộng và làm chủ tài liệu thông qua các bài tập, dự án và thảo luận học tập cộng tác. Các em tự khai thác thông tin từ nguồn tư liệu tranh ảnh, chữ viết, phim và từ các nhân chứng lịch sử sống là ông, bà - những người từng tham gia chiến đấu; sau đó báo cáo lại những vấn đề mình đã nghiên cứu, thu nhận được cho cô giáo và các bạn cùng nghe.
Sân khấu hóa tác phẩm văn học là hoạt động được đẩy mạnh trong các trường học Hà Nội thời gian qua. Từ những nhân vật văn học trong sách vở, các em nhập vai, viết lời thoại, kịch bản với trang phục phù hợp để tác phẩm văn học và các nhân vật trở nên gần gũi, dễ hiểu, dễ nhớ.
Giúp học sinh yêu thích, hứng thú với môn hóa học, cô Phạm Thị Hồng Hạ, giáo viên Trường THCS Lương Thế Vinh (huyện Đan Phượng) tổ chức cho các em tham gia hoạt động ngoại khóa như: Hóa học vui, Rung chuông vàng Hóa học... Với các hoạt động đó, học sinh được làm thí nghiệm vui, xây dựng và đóng tiểu phẩm mang đậm chất "Hóa”, thiết kế và trình diễn thời trang về các nguyên tố hóa học hay được tham gia hoạt động trải nghiệm STEM (làm bánh xà phòng , nước rửa tay sát khuẩn, giấm ăn từ các loại quả ...); từ đó kiến thức hóa học được các em dễ dàng tiếp nhận.
Rõ ràng, các phương pháp giảng dạy sáng tạo đã mang lại những thành công nhất định trong việc khuyến khích học sinh thực hành tinh thần sáng tạo thông qua việc vận dụng tri thức, khả năng tự giải quyết vấn đề không chỉ trong tiết học mà còn trong đời sống.
Học sinh hào hứng
Thực tế cho thấy, những hoạt động sáng tạo “học và chơi, chơi mà học” thực sự có sức cuốn hút mạnh mẽ với học sinh và đưa các em trở thành chủ thể trong quá trình tìm kiếm tri thức.
Trường Tiểu học và THCS Newton 5 đã tạo dựng những không gian mở giúp kích thích não bộ và sự quan sát của học sinh. Đó là hình thức tổ chức “Lớp học không bàn ghế”, vượt qua giới hạn của bốn bức tường, khai phóng người dạy bởi những ràng buộc cấu trúc. Lớp học toán đo đạc ngoài trời, tạo các hoạt động không ngừng nghỉ, người học tự khám phá ra kiến thức, giáo viên là người hỗ trợ và định hướng. Lớp học Tiếng Anh - Khoa học bằng chuyến đi tham quan dã ngoại thực tế ngoài vườn trường, hoặc trải nghiệm một ngày giao tiếp với du khách nước ngoài…
Một hình thức giáo dục sáng tạo khá phổ biến trong các trường học Hà Nội hiện nay là giáo dục STEM. Năm học 2022 - 2023, Hà Nội là 1 trong 7 tỉnh/TP tham gia thí điểm Giáo dục STEM ở cấp tiểu học với 5 đơn vị quận huyện tham gia (Hoàn Kiếm, Đống Đa, Gia Lâm, Mỹ Đức, Ba Vì), mỗi quận/huyện chọn 2 trường. 264 giáo viên, 199 lớp và trên 7.500 học sinh đã đăng ký tham gia chương trình; trên cơ sở đó, Hà Nội quyết định triển khai thực hiện Giáo dục STEM đến tất cả các trường tiểu học trên địa bàn TP từ năm học 2023- 2024.
Với Giáo dục STEM, học sinh được tiếp cận với hoạt động thực hành ngay sau khi tiếp cận kiến thức, tạo điều kiện cho các em được củng cố kiến thức hình thành kỹ năng, phát triển phẩm chất, năng lực góp phần thực hiện mục tiêu, yêu cầu cần đạt của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Phương pháp này khắc phục căn bản lối dạy học truyền thống chú trọng truyền đạt kiến thức, giáo dục STEM đã quan tâm nâng cao phẩm chất, năng lực cho học sinh. Giáo viên chủ động xây dựng được danh mục chủ đề/bài học STEM/STEAM theo hướng tăng cường, phát huy tính chủ động, tích cực, tự học của học sinh trong các môn học; nắm được quy trình và thứ tự thực hiện các bước để tổ chức thực hiện bài học STEM.
Phát huy tư duy sáng tạo, học sinh các trường phổ thông Hà Nội đã ghi danh ở nhiều giải thưởng sáng tạo quốc gia và quốc tế. Tại Cuộc thi Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp (SV_STARTUP) lần thứ V năm 2023, hai dự án của Trường THCS Thanh Xuân (quận Thanh Xuân) gồm “Sywalk - sản phẩm hỗ trợ người cao tuổi và người yếu thế” và “Phát triển và kinh doanh mặt nạ SF (Safer Future) tích hợp bình oxy sử dụng trong phòng cháy và phòng độc” đã xuất sắc giành giải Nhất và Nhì. Đây không phải là lần đầu tiên học sinh Trường THCS Thanh Xuân có dự án tham gia và đoạt giải cao tại cuộc thi này. Năm 2022, dự án “Sản xuất nước súc miệng Green Nano để phòng, chống bệnh răng miệng học đường” do nhóm học sinh của trường là tác giả cũng giành giải Nhì, tạo nên tiếng vang và sức lan tỏa rất lớn trong xã hội.
Trước đó, hai học sinh của trường THCS Giảng Võ (quận Ba Đình) là Phạm Tiến Huy Anh và Nguyễn Phan Gia Đức cũng xuất sắc giành Huy chương Vàng tại Cuộc thi Sáng tạo Khoa học quốc tế năm 2022 tại Mỹ (AI-JAM US 2022) với sản phẩm “Máy phát điện ma sát nano”.
Những hoạt động giáo dục sáng tạo kể trên mới được triển khai bước đầu, tuy nhiên đã khẳng định tính ưu việt, giúp tăng hứng thú của học sinh trong mỗi bài học; phát huy tinh thần tự học, tự tìm tòi, sáng tạo của các em. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, muốn giáo dục sáng tạo mang tính bền vững, hệ thống, đồng bộ, Hà Nội cần có chương trình giáo dục sáng tạo xuyên suốt trong các nhà trường. Không những thế, mục tiêu giáo dục sáng tạo cần được tích hợp vào các mục tiêu khác để trở thành mục tiêu chung của quá trình giáo dục.
Bên cạnh đó, các nhà trường cần tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, học liệu cho các môn học phát triển tư duy sáng tạo; tạo dựng nhiều sân chơi, hoạt động nhằm phát huy khả năng sáng tạo của học sinh.