Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Chú trọng, triển khai phương án tiêu thoát nước trong mùa mưa

Minh Phong
Chia sẻ Zalo

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, đơn vị đã lên các phương án bảo đảm thoát nước, chống úng ngập khu vực nội thành. Trong đó, tăng cường công tác dự báo, cảnh báo. Duy trì thường xuyên hệ thống cống, rãnh thoát nước, mương, sông, hồ điều hòa. Kiểm soát, giữ mự

Hà Nội: Chú trọng, triển khai phương án tiêu thoát nước trong mùa mưa - Ảnh 1
Để bảo đảm cho việc tiêu thoát nước trong mùa mưa một cách nhanh nhất, nhiều giải pháp đã được TP Hà Nội chú trọng, triển khai từ sớm.

Những năm qua, TP Hà Nội đặc biệt quan tâm công tác quản lý, đầu tư nguồn lực để cải tạo và nâng cấp hệ thống cống, mương cũng như hiện đại hóa nhiều thiết bị thoát nước. Nhờ vậy, việc thoát nước đường phố được cải tiến rõ rệt, dần hạn chế tình trạng ngập úng kéo dài. Tuy nhiên, từ thực tế nhiều trận mưa lớn vừa qua có thể thấy nhiều điểm trên đường phố Hà Nội lại rơi vào tình trạng ngập nghiêm trọng.

Có nhiều nguyên nhân, cả chủ quan và khách quan như nhiều trận mưa lớn trái quy luật, lượng nước vượt xa so với công suất thiết kế dẫn tới ngập sâu... Với diễn biến phức tạp của thời tiết, những trận mưa cường độ cao thường xuyên xuất hiện sẽ gây ra tình trạng quá tải, song với hệ thống thoát nước hiện có tình trạng ngập không kéo dài quá lâu.

Dự báo trong năm 2023, tần suất các cơn bão, mưa lớn ở khu vực Hà Nội có xu hướng gia tăng 5% - 10%.. Mưa theo vùng trong thời gian ngắn, lượng mưa vượt trung bình hằng năm. Với các trận mưa có cường độ cao, tập trung trong thời gian ngắn, lượng mưa từ 100 mm/giờ trở lên, gây quá tải cho hệ thống thoát nước thì dự kiến trên địa bàn Hà Nội xuất hiện thêm 19 điểm, khu vực úng ngập cục bộ như phố Tông Đản, Đinh Tiên Hoàng, Phùng Hưng, Mạc Thị Bưởi, Quan Nhân… Ngoài ra, còn một số điểm ứ đọng nước do mặt đường trũng, thấp.

Với các trận mưa có lượng mưa 50-70mm/giờ: Dự kiến có 11 điểm/khu vực úng ngập gồm: Phố Nguyễn Khuyến, Hoa Bằng, ngã tư Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt, ngã năm Đường Thành - Bát Đàn - Nhà Hỏa, phố Cao Bá Quát, Thụy Khuê (đoạn dốc La Pho), Minh Khai (đoạn chân cầu Vĩnh Tuy), Nguyễn Chính, Đại lộ Thăng Long, phố Ngọc Lâm, đường Hoàng Như Tiếp.

Bên cạnh đó, điểm Nguyễn Chính đã được đầu tư cải tạo thoát nước năm 2022, cần theo dõi đánh giá trong mùa mưa năm nay. Ngoài ra còn một số điểm ứ đọng nước do mặt đường trũng, thấp.

Đến thời điểm hiện tại, lưu vực sông Tô Lịch đã được trang bị hệ thống thoát nước đạt tiêu chuẩn, phục vụ tiêu thoát nước cho 4 quận trung tâm: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng và một phần của 3 quận khác là: Tây Hồ, Hoàng Mai và Thanh Xuân. Tuy nhiên, hệ thống này sẽ quá tải khi lượng mưa vượt quá 50mm trong 1 giờ.

Ngoài sông Tô Lịch, 3 lưu vực thoát nước khác của Hà Nội gồm: Tả Nhuệ, Hữu Nhuệ và Long Biên. Hệ thống thoát nước vẫn chưa được đầu tư đồng bộ, chủ yếu hoạt động theo cơ chế tự chảy, phụ thuộc nhiều vào mực nước sông Nhuệ, sông Cầu Bây... Vì thế, mỗi khi có mưa lớn thì khả năng sẽ gây ngập cục bộ cho nhiều quận, huyện phía Tây của TP.

Để bảo đảm cho việc tiêu thoát nước trong mùa mưa, Công ty TNHH Một thành viên thoát nước Hà Nội đã triển khai kế hoạch thoát nước mùa mưa, tiến hành kiểm tra rà soát cống rãnh thuộc phạm vi công ty xử lý. Bảo đảm nước sẽ được thu gom và đưa nhanh về nguồn tiêu khi có mưa.

Theo Công ty TNHH Một thành viên Thoát nước Hà Nội, với các trận mưa có lượng nước 50 - 70mm/giờ, dự kiến trên địa bàn TP. Hà Nội có nhiều khu vực, điểm ngập úng ngập như phố Nguyễn Khuyến, Hoa Bằng, ngã năm Đường Thành - Bát Đàn - Nhà Hỏa, phố Cao Bá Quát, Thụy Khuê (đoạn dốc La Pho), Minh Khai (đoạn chân cầu Vĩnh Tuy), Nguyễn Chính, Đại lộ Thăng Long, phố Ngọc Lâm, đường Hoàng Như Tiếp...

Còn với các trận mưa có cường độ cao, tập trung trong thời gian ngắn, lượng mưa đến 100mm/giờ trở lên, gây quá tải cho hệ thống thoát nước, dự kiến trên địa bàn TP Hà Nội xuất hiện thêm 19 điểm, khu vực úng ngập cục bộ gồm các phố Tông Đản, Đinh Tiên Hoàng, Phùng Hưng, ngã ba Cầu Giấy - Dịch Vọng, Mạc Thị Bưởi, Quan Nhân, Cự Lộc, Nguyễn Trãi, Phan Văn Trường, Dương Đình Nghệ, Trần Bình, Kẻ Vẽ, Ecohome3, Khu đô thị Resco, phố Đỗ Đức Dục, đường Nguyễn Xiển, Cổ Linh - Đàm Quang Trung, Quốc lộ 3 đoạn qua xã Mai Lâm (huyện Đông Anh) và đường 23B đoạn qua thôn Cổ Điển (huyện Đông Anh)...

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, nguyên nhân do một số khu vực có tốc độ đô thị hóa nhanh, dẫn đến hạ tầng kỹ thuật chưa được xây dựng đồng bộ theo quy hoạch. Các dự án hạ tầng kỹ thuật, giao thông đang triển khai có ảnh hưởng lớn đến hoạt động của hệ thống thoát nước...

Ngoài ra, ý thức của một bộ phân người dân, cơ sở kinh doanh chưa tốt vẫn xả rác, xả chất cặn bã hóa học như dầu luyn, mỡ ra hệ thống thoát nước, không qua xử lý, vô hình trung tạo một lớp cặn, màng tại cửa cống, hố ga khiến việc tiêu thoát nước kém, dẫn đến ngập úng khi mưa lớn.

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, đơn vị đã lên các phương án bảo đảm thoát nước, chống úng ngập khu vực nội thành. Trong đó, tăng cường công tác dự báo, cảnh báo. Duy trì thường xuyên hệ thống cống, rãnh thoát nước, mương, sông, hồ điều hòa. Kiểm soát, giữ mực nước đệm trên hệ thống mương, sông, hồ điều hòa.

Đồng thời, tập trung sửa chữa, bảo dưỡng các công trình đầu mối, trạm bơm. Tổ chức sửa chữa giải quyết úng ngập cục bộ, khắc phục sự cố trên hệ thống, triển khai ứng trực giải quyết tại chỗ…

Bên cạnh giải pháp chung cho cả TP Hà Nội, Sở Xây dựng Hà Nội cũng đã xây dựng kịch bản tiêu úng cho từng khu vực trên địa bàn theo lưu vực của từng con sông chảy qua.

Đối với khu vực phía Tây như: Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Đan Phượng, khi có mưa lớn, Sở Xây dựng sẽ phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các đơn vị thống nhất phương án dẫn dòng, phối hợp ứng trực, thanh thải, phá dỡ đập quây đưa nước về Trạm bơm Yên Nghĩa. Ngoài ra, hai Sở phối hợp vận hành hợp lý hệ thống thoát nước để thực hiện điều tiết mực nước trên hệ thống giữa nội thành và ngoại thành.