TP Hà Nội đã và đang đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp, nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý cũng như hỗ trợ các nhà sản xuất, kinh doanh nắm bắt nhu cầu thị trường, đa dạng kênh tiêu thụ sản phẩm. Cùng với đó, người dân có thể sản xuất nông sản, sản phẩm làng nghề chất lượng với chi phí thấp mang lại giá trị kinh tế cao hơn. Đó là “chìa khóa” để ngành nông nghiệp Thủ đô bứt phá, phát triển mạnh mẽ.
Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Tam Hưng (huyện Thanh Oai) Đỗ Văn Kiên cho biết: “Để sản phẩm gạo thơm Bối Khê được nhiều người tiêu dùng biết đến, HTX đã đăng ký bán hàng qua chợ TMĐT. Thông qua chợ TMĐT, nhiều người tiêu dùng biết đến sản phẩm gạo thơm Bối Khê của xã Tam Hưng, đã gọi điện và đặt hàng. Nhờ đó số lượng tiêu thụ mỗi năm qua hợp đồng là 700 - 1.000 tấn”.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Tạ Văn Tường khẳng định, việc chuyển đổi số trong nông nghiệp đã mang lại nhiều lợi ích như, dự báo nhu cầu thị trường chính xác, giảm thiểu chi phí sản xuất, tối ưu hóa hoạt động... Đặc biệt, chuyển đổi số không chỉ giúp thực hiện những công việc con người khó thực hiện, mà còn tạo ra nhiều giá trị gia tăng, đưa nông sản đến tay người tiêu dùng nhanh chóng, an toàn với giá cả hợp lý…
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết: “Để triển khai hiệu quả Chương trình chuyển đổi số TP Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 qua đó đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp Thủ đô sẽ tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn các DN, HTX, tổ hợp tác, trang trại trên địa bàn TP cài đặt, sử dụng phần mềm chuẩn hóa quy trình sản xuất, minh bạch thông tin, mã hóa, xuất code tem QR truy xuất nguồn gốc, qua đó giúp nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị và thúc đẩy tiêu thụ nông sản. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương của TP tăng cường việc đưa nông sản lên giao dịch tại các sàn TMĐT…”.
Việc đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn đối mặt với nhiều khó khăn như nông dân cần được “chuyên nghiệp hóa” từ đăng ký kinh doanh, sản xuất, thương mại, liên kết sản xuất, tập huấn về sản phẩm và hoạt động trên sàn TMĐT. Mối liên kết giữa nông dân và sàn TMĐT chưa thực sự bền chặt so với việc nông dân thông qua HTX đưa nông sản vào các chuỗi bán lẻ do sự phụ thuộc vào lưu trữ hàng và chiết khấu hợp lý cho người tiêu dùng.
Một trong những giải pháp tiềm năng là tận dụng sức mạnh của mạng xã hội như tiktok đang được các hộ xản suất tận dụng. Giao dịch trên tiktok có lợi thế với sự kết nối sâu rộng giữa các KOL (người dẫn dắt dư luận chủ chốt) và khán giả, cùng với sự phát triển của hệ thống logistic. Đặc biệt, lực lượng thanh niên nông thôn đang trở nên năng động và dễ dàng tiếp cận ứng dụng tiktok, là một cơ hội để thúc đẩy thương mại nông sản điện tử. Nhưng trên thực tế hiện nay đang gặp nhiều khó khăn.
Nghệ Nhân Nguyễn Anh Đức, làng gốm Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội chia sẻ: với những sản phẩm từ thủ công mỹ nghệ như gốm sứ việc bán hàng trên TMĐT gặp khó khăn nhiều. Mặt hàng này nếu qua hình ảnh live stream facebook hay tiktok đòi hỏi máy phải hiện đại mà hình ảnh thể hiện độ bóng, độ sâu của men, độ nghệ thuật của sản phẩm thủ công thì qua hình ảnh khó có thể lột tả được hết.
Ông Đào Đức Huấn, Trưởng phòng Quản lý chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP (Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương) cho rằng, đây là một phương án mới trong bối cảnh xu thế nông sản được bán trên sàn TMĐT có phần đang chững lại. Do sản phẩm có tính thời vụ, nhiều rào cản về ký gửi, logistic, chủ thể khó thích ứng với TMĐT…
Tuy nhiên, kể từ khi tiktok shop phối hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhằm tăng cường hỗ trợ cho các DN vừa và nhỏ, các HTX trong số hóa các hoạt động xúc tiến thương mại thuộc Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), sản phẩm nông sản được thúc đẩy hiệu quả tới người tiêu dùng.