Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Đậm sâu tình cảm, tư tưởng nơi Bác Hồ đến và làm việc

Bích Hời
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Đương thời, mặc dù rất bận lo việc nước, nhưng Bác Hồ vẫn quan tâm đến lao động sản xuất của người dân. Hà Nội từng được Chủ tịch Hồ Chí Minh đến ở và làm việc cũng như nói chuyện với Nhân dân. Mỗi nơi Bác đến đều để lại những ấn tượng, tình cảm và bài học sâu sắc.

Nhà 48 Hàng Ngang

Ngôi nhà 48 Hàng Ngang, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội nằm ngay ở trung tâm thành phố Hà Nội. Nơi đây, năm 1945 Bác Hồ đã viết bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Đã hơn 70 năm ngày Bác viết Tuyên ngôn Độc lập và 42 năm đất nước thống nhất, căn nhà 48 Hàng Ngang nay đã được mở cửa cho khách đến tham quan, tìm hiểu. Căn nhà mãi đi vào dòng chảy lịch sử của dân tộc, trở thành di tích lịch sử thiêng liêng của dân tộc, mốc son vẻ vang của non sông đất nước.
 Bộ bàn ghế Bác Hồ và Trung ương Đảng họp tại nhà 48 Hàng Ngang để bàn việc nước.
 Bản Tuyên ngôn Độc lập Bác viết tại nhà 48 Hàng Ngang.
Trong ngôi nhà giờ đây đang lưu giữ rất nhiều kỷ vật và ảnh làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh như: Bàn ghế, đèn, giường tủ của Bác. Nơi đây còn lưu lại những tấm ảnh của Bác cùng các đồng chí trong Ban chấp hành Trung ương Đảng khi ấy. Mỗi tấm ảnh, kỷ vật đều ghi rõ thời điểm ra đời và ý nghĩa của nó.

Năm 2015, thành phố Hà Nội đã quyết định đưa ngôi nhà 48 Hàng Ngang làm điểm tham quan cho khách trong và ngoài nước. Mỗi năm, ngôi nhà đã đón hàng vạn lượt khách đến tham quan tìm hiểu về những ngày đầu gian khó của cách mạng Việt Nam qua những kỷ vật, bức ảnh còn lưu giữ tại căn nhà.

Nhà lưu niệm Bác Hồ ở Vạn Phúc

Sau khi đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí lãnh đạo của Đảng, Chính phủ đã lui vào hoạt động bí mật. Ngôi nhà của gia đình ông Nguyễn Văn Dương, làng Vạn Phúc, quận Hà Đông, Hà Nội được Chủ tịch Hồ Chí Minh đến ở và làm việc từ ngày 3/12 đến ngày 19/12/1946 chuẩn bị các bước lãnh đạo toàn dân kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
 Nhà lưu niệm Bác Hồ tại Vạn Phúc.
 Bộ quần áo của Bác khi ở Vạn Phúc.
Tại ngôi nhà này, ngày 18 và 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương mở rộng, vạch ra đường lối, phương châm cơ bản của cuộc kháng chiến. Hội nghị đã thông qua “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” do Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo.

Hang Trầm - Nơi Bác Hồ đọc lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến

Người dân huyện Chương Mỹ đã được đón Bác về thăm và làm việc 7 lần trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp và chống Mỹ xâm lược. Trong đó 3 lần Bác về làm việc và nói chuyện với quân và dân ở núi Trầm, chùa Trầm.
 Cột phát sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam tại cửa hàng Trầm, nơi Bác Hồ đọc lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến.
 Bác Hồ nói chuyện trong hàng Trầm.
Tại hang Trầm, ngày 19/12/1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến qua Đài Tiếng nói Việt Nam với câu nói bất hủ: “Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Câu nói ấy đã ngân vang đến mọi miền đất nước và đi vào tâm thức của mỗi người dân Việt Nam như một lời hiệu triệu.

Cũng tại đây, đêm Giao thừa Tết Đinh Hợi năm 1947, Bác Hồ đã đọc thơ chúc Tết đồng bào, chiến sĩ cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài qua Đài Tiếng nói Việt Nam. Tại cửa hang Trầm hiện vẫn còn cột phát sóng ghi dấu thời kỳ hoạt động của Đài Tiếng nói Việt Nam, cũng là mốc lịch sử quan trọng trong công cuộc đấu tranh giành độc lập của dân tộc Việt Nam.

Ngày 3/7/1966, một lần nữa hang Trầm lại được đón Bác về viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chuẩn bị cho Hội nghị chính trị đặc biệt của Trung ương Đảng với tuyên ngôn bất hủ “Không có gì quý hơn độc lập tự do”.

HTX Đại Từ, Đại Kim, Hoàng Mai

Trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, HTX Đại Từ, xã Đại Kim (nay là cụm dân cư Đại Từ, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai) là HTX đầu tiên của ngoại thành Hà Nội được thành lập từ phong trào tổ đổi công và phát triển mạnh mẽ. Ngày 12/10/1958, Hồ Chủ tịch đã về thăm HTX số 1 Đại Từ. Nói chuyện với cán bộ và Nhân dân nơi đây, Bác rất vui trước những đổi thay của quê hương Đại Từ sau 4 năm hòa bình. Bác khen Đại Từ đã sớm tổ chức được HTX, Bác biểu dương và căn dặn cán bộ, Đảng viên và Nhân dân cố gắng sản xuất cho tốt. Bác hẹn với bà con “HTX phấn đấu đưa năng suất lúa chiêm lên hai tấn rưỡi một héc-ta thì Bác sẽ về ăn cơm với bà con”
 Đài tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại Kim.
Để ghi nhớ công ơn của Bác, năm 1983 kỷ niệm 25 năm ngày Bác về thăm, phường Đại Kim đã xây dựng đài tưởng niệm và dựng tượng Bác tại địa phương. Tượng Bác được đặt trang trọng giữ hồ sen, bốn bề có tường hoa, cầu dẫn, tất cả đều gần gũi, giản dị như chính cuộc đời của Người.

Đã gần 60 năm trôi qua, nhưng hình ảnh Bác Hồ vẫn còn sống mãi với Nhân dân phường Đại Kim quận Hoàng Mai, thôi thúc bao thế hệ người con Đại Kim hôm nay ra sức phấn đấu xây dựng phường ngày càng giàu đẹp văn minh.

Bác Hồ tát nước chống hạn cùng nông dân Tả Thanh Oai

Mùa Xuân năm 1958, chính quyền và người dân xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, Hà Nội đón Bác Hồ về thăm. Bác lội xuống ruộng tát nước chống hạn cùng bà con nông dân mãi để lại ấn tượng sâu sắc đối với Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân nơi đây.

Trước khi về, Bác dừng bước căn dặn cán bộ và nông dân trong thôn: "Các cô, các chú tích cực tát nước chống hạn, cấy hết diện tích. Bác chờ thành tích của các cô, các chú báo công lên cho Bác".
 Bác Hồ tát nước cùng nông dân Tả Thanh Oai.
 Bức phù điêu Bác Hồ tát nước tại cánh đồng Quai Chảo, Tả Thanh Oai.
Sau khi được Bác động viên cả xã đã thi đua lao động sản xuất. Điều đầu tiên toàn xã ra quân thực hiện đó là làm thủy lợi nạo vét các kênh mương đã có và đào thêm 1 con kênh chạy giữ cánh đồng Quai Chảo để thuận lợi cho nước vào đồng.

Vụ xuân năm ấy Tả Thanh Oai có một vụ lúa bội thu chưa bao giờ có để báo công với Bác. Nối tiếp vụ xuân, những vụ mùa sau đó, xã Tả Thanh Oai vừa cấy lúa và gia tăng sản xuất vụ đông như trồng khoai, trồng rau màu. Thành quả ấy không chỉ là niềm vui của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong xã mà còn góp một phần nhỏ bé động viên phong trào lao động sản xuất toàn miền Bắc và công cuộc kháng chiến Mỹ cứu nước miền Nam.

Lời dặn của Bác cho đến ngày nay vẫn được Đảng bộ, chính quyền lấy làm kim chỉ nam trong chỉ đạo Nhân dân thi đua lao động sản xuất, hoàn thành sớm mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2015.

Cánh đồng Quai Chảo ngày Bác tát nước cùng người dân Tả Thanh Oai, nay đã được dồn điền, đổi thửa, cải tạo đồng ruộng bằng phẳng và cấy lúa chuyên canh chất lượng cao, thực hiện theo chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện Thanh Trì và TP Hà Nội.
Đã qua đi hàng chục năm, nhưng mỗi địa phương nơi Bác đến ở và làm việc, nói chuyện với Nhân dân đều lặng sâu tình cảm của Người. Phần lớn người dân dù không được gặp Bác, nhưng nghe kể lại phong cách sống giản dị, tình cảm, lời căn dặn nhẹ nhàng, tư tưởng, đạo đức của Người mãi là ngọn đuốc soi đường để người dân phấn đấu học tập, thi đua lao động sản xuất.