Ước tính đến hết năm 2017, tổng số thuê bao điện thoại di động, bao gồm cả thuê bao trả trước và trả sau tại Hà Nội đạt 10,52 triệu thuê bao - giảm khoảng 10% so với năm 2016; số lượng thuê bao điện thoại cố định đạt 685.000 thuê bao - giảm khoảng 3% so với năm 2016.
Trong khi đó, số lượng thuê bao internet (bao gồm thuê bao internet băng rộng; thuê bao truy nhập internet qua mạng di động 2G, 3G, 4G và thuê bao truy nhập internet qua truyền hình cáp) trên địa bàn lại tăng trưởng tới 12% so với năm 2016, đạt khoảng 8,5 triệu thuê bao.
Đối với thuê bao truyền hình, tổng số các thuê bao truyền hình cáp, truyền hình số mặt đất và vệ tinh có thu phí (chưa bao gồm truyền hình số mặt đất thu xem các kênh quảng bá, miễn phí) tính đến cuối năm 2017 đạt 2,25 triệu thuê bao, tăng 50% so với năm 2016.
Lý giải về nguyên nhân khiến số thuê bao điện thoại cả cố định và di động đều sụt giảm trong năm 2017, Sở TT&TT Hà Nội nhận định là do các doanh nghiệp viễn thông di động trong năm vừa qua đã tiếp tục rà soát, thu hồi SIM rác theo chỉ đạo của Bộ TT&TT. Đồng thời, do sự phát triển của mạng thông tin di động nên các thuê bao cố định của các hộ gia đình bị hủy.
Bên cạnh đó, số liệu thống kê của Sở TT&TT Hà Nội cũng cho thấy, tính đến hết năm 2017, tổng số trạm thu, phát sóng thông tin di động trên địa bàn Hà Nội là 8.200 trạm BTS tích hợp 2G, 3G và 4G. Trong đó, trạm 3G là 5.798 trạm; trạm 4G là 4.700 trạm và 1.060 trạm phát sóng trong các tòa nhà cao tầng (trạm IBS).
Ngoài ra, 100% doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn Hà Nội đã cung cấp dịch vụ thông tin di động 4G. Hạ tầng phát triển ổn định, tăng cường phát triển các điểm Wi-Fi công cộng làm nền tảng cho Thành phố triển khai Chính phủ điện tử và Thành phố thông minh. Tổng doanh thu trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, truyền hình tại Hà Nội ước đạt trên 25.000 tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với năm 2016.