Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội đầu tư trên 5,8 tỷ đồng sửa chữa kè Cẩm Đình

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 3229/QĐ - UBND phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án sửa chữa kè Cẩm Đình, tại các vị trí tương ứng K0+450, K1+500 đến K1+700, K1+850 đến K1+900, đê Vân Cốc, huyện Phúc Thọ.

 Kè - cống Cẩm Đình
Theo quyết định, tại vị trí tương ứng với K0+450 đê Vân Cốc: Xây dựng lại sân tiêu năng bằng đá xây vữa xi măng; đổ đá bù hộ chân phía ngoài cống thoát nước; bóc dỡ, xếp lại đá đổ mái kè hai bên, trong khung bê tông chia ô, sửa các khung bê tông bị hỏng; thả bù đá hộc hộ chân cơ kè cũ. Tại các vị trí K1+500 đến K1+700, K1+850 đến K1+900: Đổ đá bù hộ chân và xếp lại cơ kè những vị trí bị hỏng để đảm bảo ổn định lâu dài. 
Tổng mức đầu tư thực hiện các hạng mục này là 5,82 tỷ đồng từ nguồn vốn sự nghiệp ngân sách TP. Thời gian thực hiện dự án trong năm 2018 - 2019 nhằm tăng cường hạ tầng kỹ thuật về đê điều, ngăn chặn xu hướng sạt lở bờ sông, ổn định kè, góp phần đảm bảo an toàn cho tuyến đê Vân Cốc, hạn chế xảy ra rủi ro khi có lũ, bão.

Sở NN&PTNT Hà Nội chịu trách nhiệm trước pháp luật và UBND TP về tính chuẩn xác, tính hợp pháp của các thông tin, số liệu trình bày trong hồ sơ báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư trình thẩm định phê duyệt. Lập, thẩm định và phê duyệt nhiệm vụ, dự toán chuẩn bị dự án đảm bảo chính xác, tiết kiệm; triển khai thực hiện, hoàn thành công tác chuẩn bị dự án đảm bảo chất lượng, tiến độ và tuân thủ các quy định hiện hành của Nhà nước và thành phố về quản lý đầu tư dự án đầu tư xây dựng công trình; lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư và tổ chức thực hiện dự án đầu tư theo quy định.

Trong quá trình nghiên cứu lập, trình thẩm định phê duyệt dự án phải đề xuất nhiều phương án thiết kế để phân tích, tính toán, lựa chọn phương án thiết kế đảm bảo an toàn, bền vững công trình tối ưu về kinh tế, kỹ thuật; trên cơ sở đó tính toán xác định chính xác tổng mức đầu tư dự án đảm bảo đầu tư triệt để tiết kiệm, hiệu quả cao, tuyệt đối không để xảy ra thất thoát, lãng phí vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước. Đặc biệt đối với công tác thi công đất phải tính toán sử dụng thi công bằng máy với mức độ cao nhất, sử dụng triệt để đất đào để đắp cho các hạng mục công trình của dự án nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công đảm bảo chất lượng, kỹ thuật công trình; giảm chi phí đầu tư và ô nhiễm môi trường.