Trình bày báo cáo thẩm tra về nội dung này, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Nguyễn Thanh Bình nêu rõ, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP đề xuất UBND TP chỉ đạo các trường công lập chất lượng cao cam kết đảm bảo chất lượng giáo dục tương xứng với mức thu học phí; xác định và công bố công khai mức thu học phí đối với cả phương thức dạy học trực tiếp và dạy học trực tuyến đảm bảo phù hợp. Cùng đó, cần nghiên cứu, quy định lộ trình cụ thể cơ chế tự chủ về nhân sự đối với các trường công lập chất lượng cao đảm bảo phù hợp với quy định nêu tại mục 1, điều 2 Nghị quyết số 14/2016/NQ-HĐND ngày 6/12/2016 của HĐND TP; điều chỉnh, bổ sung một số tiêu chí trường chất lượng cao quy định tại Quyết định 20/2013/QĐ-UBND và Quyết định 21/2013/QĐ-UBND nhằm cập nhật quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, hướng dẫn của Bộ Giáo dục & Đào tạo, đồng thời giải quyết những khó khăn, bất cập trong thực hiện xây dựưg và phát triển trường chất lượng cao của Hà Nội. Ngoài ra, UBND TP cần chỉ đạo tổ chức tổng kết, đánh giá toàn diện về cơ chế tài chính áp dụng đối với các cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao trên địa bàn TP từ năm 2013 đến nay; làm rõ kết quả đạt được và hạn chế, vướng mắc để điều chỉnh phù hợp.
Hà Nội: Đề xuất giữ nguyên mức trần học phí đối với cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao
Kinhtedothi-Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ hai, chiều nay (22/9), HĐND TP khoá XVI đã tiến hành xem xét về quy định mức trần học phí đối với cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao trên địa bàn TP, năm học 2021-2022.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương trình bày Tờ trình của UBND TP về vấn đề này cho biết: Tính đến tháng 5/2021, toàn TP có 22 trường đã được công nhận trường chất lượng cao (trong đó có 16 trường công lập và 6 trường ngoài công lập), 2 trường đã được UBND TP phê duyệt Đề án trường chất lượng cao. Trong 16 trường công lập chất lượng cao có 2 trường ở một số lớp mức thu học phí đạt tỷ lệ 100% so với mức trần, đó là trường Tiểu học đô thị Sài Đồng và trường Tiểu học Nam Từ Liêm, với mức thu 5.500.000 đồng/HS/tháng; trường THPT Phan Huy Chú (Đống Đa) mức thu 5.650.000 đồng/HS/tháng.
Về nguyên tắc xây dựng mức trần học phí năm học 2021-2022, đảm bảo tính đủ chi phí cho hoạt động của trường chất lượng cao (theo các tiêu chí quy định tại Quyết định số 20/2013/QĐ-UBND và Quyết định số 21/2013/QĐ-UBND); chi phí của trường chất lượng cao bao gồm chi phí cho hoạt động nhu các trường công lập đại trà và chi phí cho chương trình chất lượng cao; trên cơ sở số liệu thực tế mức thu học phí binh quân của 16/16 trường công lập chất lượng cao năm học 2020-2021 đều dưới mức trần theo quy định tại Nghị quyết số 13/2019/NQ-HĐND, cụ thể: Đối với các truờng mầm non: Đạt tỷ lệ 73,4% so với mức trần; đối với các trường tiểu học: Đạt tỷ lệ 64,2% so với mức trần; đối với các trường trung học cơ sở: Đạt tỷ lệ 56% so với mức trần; đối với các trường trung học phổ thông: Đạt tỷ lệ 66,1% so với mức trần. Đồng thời, mức trần học phí đề xuất năm học 2021-2022 phải đảm bảo phù hợp với thu nhập, khả năng đóng góp của cha mẹ học sinh.
Trên cơ sở nguyên tắc đó và trong tình hình kinh tế xã hội Thủ đô bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, UBND TP đề xuất mức trần học phí đối với cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao năm học 2020-2021 được giữ nguyên như năm học 2020-2021. Cụ thể: Trường mầm non 5.100.000 đồng/HS/tháng, Trường tiểu học 5.500.000 đồng/HS/tháng, Trường THCS 5.300.000 đồng/HS/tháng, Trường THPT 5.700.000 đồng/HS/tháng.
Trên cơ sở mức trần học phí, hàng năm thủ trưởng cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao căn cứ điều kiện KT-XH của địa bàn, cùng với cam kết thực hiện chất lượng giáo dục cao theo tiêu chí cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình, phương pháp giảng dạy, kết quả kiểm định để quyết định mức thu học phí sau khi có sự thống nhất bằng văn bản của UBND quận, huyện, thị xã hoặc Sở Giáo dục và Đào tạo theo phân cấp quản lý.