Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội đề xuất hoàn thiện chính sách phát triển sản phẩm OCOP giai đoạn 2021 - 2026

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong giai đoạn 2018 - 2020, việc triển khai thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Dù vậy, để nâng cao hiệu quả cho chương trình này, trong thời gian tới, việc hoàn thiện cơ chế, chính sách là đòi hỏi đặt ra cấp thiết.

Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, Hà Nội là địa phương thực hiện Chương trình OCOP chậm so với cả nước (ngày 8/7/2019, UBND TP mới phê duyệt Chương trình), nhưng mục tiêu lại cao. Đến hết năm 2020, phấn đấu tổ chức đánh giá xếp hạng từ 800 - 1.000 sản phẩm.
Dù vậy, với sự chỉ đạo quyết liệt của Thành ủy, HĐND, UBND TP, các sở ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và đơn vị tư vấn, sự vào cuộc đồng bộ của Nhân dân, kết quả đến nay, Hà Nội đã đánh giá, phân hạng và quyết định công nhận được 1.054 sản phẩm, vượt kế hoạch TP giao. Đáng chú ý trong đó có 17 sản phẩm tiềm năng 5 sao (chiếm 1,6%). Chương trình đã huy động được sự tham gia của 72 doanh nghiệp, 82 hợp tác xã và 101 hộ sản xuất kinh doanh, góp phần giải quyết được trên 5.000 lao động khu vực nông thôn.
Sản phẩm OCOP được trưng bày, giới thiệu tại Hà Nội
Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên, việc triển khai Chương trình OCOP giai đoạn 2018 - 2020 thời gian qua tại Hà Nội nói riêng vẫn gặp phải nhiều khó khăn. Một trong những nguyên nhân là những bất cập trong cơ chế, chính sách hiện hành liên quan đến phát triển các sản phẩm OCOP.
Để tạo điều kiện trong tổ chức thực hiện Chương trình OCOP, đồng thời hỗ trợ các chủ thể tham gia chương trình đẩy mạnh xúc tiến giao thương sản phẩm OCOP giai đoạn 2021 - 2026, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội đề nghị Chính phủ ban hành chính sách đồng bộ thực hiện Chương trình OCOP theo hướng hỗ trợ, đầu tư, nâng cấp chất lượng sản phẩm OCOP. Quy định mức thưởng cho các chủ thể có sản phẩm được công nhận từ 3 sao trở lên; mức chi đối với đơn vị tư vấn cho các chủ thể tham gia, thành viên hội đồng, tổ tư vấn đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP từ cơ sở đến cấp tỉnh.
Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội cũng đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, bổ sung có hướng dẫn chi tiết mức chi tại Điều 20b của Thông tư số 08/2019/TT-BTC, để đảm bảo triển khai thực hiện Chương trình OCOP. Bộ Công Thương có văn bản hướng dẫn cụ thể về việc hỗ trợ các điểm giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP tại địa phương từ ngân sách Trung ương và đại phương. Cụ thể, hỗ trợ lắp đặt biển hiệu nhận diện, giá kệ trong cửa hàng, hỗ trợ công tác tuyên truyền, thành lập các chuỗi điểm giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, hỗ trợ vận hành và duy trì điểm bán.
Đặc biệt, Hà Nội kiến nghị Bộ NN&PTNT nghiên cứu tham mưu Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh, bổ sung Quyết định số 1048/QĐ-TTg ngày 21/8/2019 và Quyết định số 781/QĐ-TTg ngày 08/6/2020 sửa đổi, bổ sung một số phụ lục Quyết định số 1048/QĐ-TTg ngày 21/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm. Trong đó, bỏ tiêu chí Tỷ lệ sử dụng nguyên liệu địa phương.
Theo quy định nhóm 1 (Thực phẩm tươi sống và Thực phẩm thô, sơ chế) yêu cầu sử dụng nguyên liệu địa phương từ 75% trở lên; nhóm 2 (Thực phẩm chế biến (đồ ăn nhanh), gia vị, chè, cà phê, ca cao) yêu cầu sử dụng nguyên liệu địa phương từ 50% trở lên. Theo đánh giá của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, điều này sẽ hạn chế việc liên kết giữa các vùng sản xuất và các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân liên kết bao tiêu sản phẩm.