Từ đề án bất thành…Năm 2015, những công viên ở Mỹ lập kỷ lục khi thu hút tới 307,2 triệu du khách ghé thăm, cao gấp 100 lần tổng khách quốc tế đến Hà Nội cả năm ngoái. Con số đó cho thấy sức hút mạnh mẽ của những đại công viên đối với các “thượng đế”, khi họ không chỉ được thỏa niềm đam mê khám phá, thể hiện cái tôi và lưu lại những hình ảnh đẹp. Ấy thế nhưng, nhìn lại “mâm cỗ” sản phẩm du lịch của Hà Nội, “món ngon” đó hoàn toàn vắng bóng.
Thủ đô mới chỉ có 2 khu vui chơi giải trí tổng hợp ngoài trời là Công viên nước Hồ Tây và Công viên Thiên Đường Bảo Sơn, nhưng quy mô vẫn nhỏ, chưa đáp ứng đủ nhu cầu vui chơi, giải trí. Là một vị khách yêu mến Hà Nội, ông Peter Len (du khách đến từ Bỉ) cho biết: “Hà Nội để lại nhiều ấn tượng trong tôi với những ngôi nhà cổ rêu phong, những làng nghề độc đáo... Tuy nhiên, nếu các bạn có một khu vui chơi hiện đại, mô phỏng nét đặc trưng của TP kết hợp với các trò mạo hiểm, ca nhạc, rối nước, chiếu phim... thì sẽ hấp dẫn hơn rất nhiều. Và chúng tôi sẵn sàng chi mạnh cho dịch vụ này".
Từ lời chia sẻ thực tâm của vị khách đến từ phương xa, rồi việc Hà Nội liên tiếp lọt vào danh sách các điểm đến rẻ nhất thế giới, những người làm du lịch Thủ đô không khỏi buồn lòng vì lãng phí cơ hội “móc hầu bao” của du khách. Thực tế, không phải bây giờ ước mơ về một công viên ngang tầm quốc tế của người dân mới được quan tâm. Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội Nguyễn Quang Lân: “Mong muốn có một công viên đẳng cấp quốc tế đã được Sở Du lịch (từ thời chưa nhập vào Sở VHTT&DL) xây dựng thành đề án cụ thể để kêu gọi đầu tư. Nhưng vì nhiều lẽ chưa thể hiện thực hóa. Trong đó, thuế và giá đất quá cao là nguyên nhân chủ yếu”.
Trong khi đó, nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân và du khách rất lớn và không ngừng đổi khác. Chính vì thế, dù đã sở hữu những công viên hiện đại nhất địa cầu, các nước có ngành công nghiệp không khói phát triển như Pháp, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc... vẫn liên tục nâng cấp, xây dựng mới những công viên hiện đại hơn.“Cú hích” phát triển văn hóa, du lịchSau bao năm ngủ quên, ước mơ đó của bao người chợt thức giấc khi Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung hé lộ kế hoạch xây 25 công viên với 5 công viên đạt tiêu chuẩn thế giới (như Disneyland) trong 5 năm tới. Rồi cả trong Nghị quyết về phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo do Bí thư Thành ủy Hà Nội ký, ban hành hồi tháng 6 nêu rõ: "Trong 5 năm tới, Hà Nội xây dựng từ 2 đến 3 khu du lịch vui chơi giải trí tầm cỡ quốc tế, kết hợp truyền thống và hiện đại ngang tầm các nước trong khu vực".
Khi nghe những tin này, nhiều người còn hoang mang, chưa tin điều đó sẽ thành hiện thực, bởi bao năm rồi, ý tưởng “nhào nặn” một đại công viên ở Hà Nội vẫn nằm trên giấy. Thế nên, không ít người cảm thấy bất ngờ với sự kiện khởi công Dự án Công viên Kim Quy tại huyện Đông Anh vào ngày 2/9/2016. Bởi, kế hoạch được triển khai nhanh và hiệu quả đến không tưởng. Đây là minh chứng chân thực nhất cho lời Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung và quyết tâm thực hiện Nghị quyết của Thành ủy, Kế hoạch của TP Hà Nội.
Vậy là, lần đầu tiên, Hà Nội có một công viên văn hóa du lịch, vui chơi giải trí đẳng cấp quốc tế, trải rộng trên diện tích hơn 100ha do Tập đoàn Sun Group thực hiện với tổng mức đầu tư giai đoạn I (18 tháng) lên tới 4.600 tỷ đồng. Được thiết kế tinh tế giữa những nét văn hóa đặc sắc ngàn đời của vùng đất Cổ Loa và sự hiện đại của mô hình Disneyland nổi tiếng, Công viên Kim Quy được kỳ vọng sẽ đáp ứng nhu cầu tinh thần cho người dân và là “cú hích” phát triển văn hóa, du lịch của Hà Nội.Bức tranh đầy sắc màuSau sự mở màn của Dự án Công viên Kim Quy, hàng loạt dự án xã hội hóa khác cũng sẽ được xây dựng. Đơn cử như, “Tổ hợp khách sạn, trung tâm thương mại, vui chơi giải trí, trường đua ngựa, sân golf” với tổng mức đầu tư dự kiến 500 triệu USD sẽ được Tổng Công ty Du lịch Hà Nội và Công ty Global Consultant Network (Hàn Quốc) thực hiện tại huyện Sóc Sơn.Tiết lộ của đại diện Sở QH-KT Hà Nội cũng cho thấy bức tranh đầy sắc màu của hệ thống khu vui chơi, giải trí ở Thủ đô trong 5 năm tới. Thuộc danh mục 43 dự án TP Hà Nội kêu gọi đầu tư (đợt 1 năm 2016), có 11 dự án công viên với số vốn dự kiến 36.800 tỷ đồng. Trong đó phải kể đến dự án công viên giải trí đạt tiêu chuẩn quốc tế tại phường Hà Cầu (quận Hà Đông) với quy mô 96ha, tổng mức đầu tư dự kiến lên đến 4.800 tỷ đồng; dự án công viên vườn hoa giải trí, nghỉ ngơi kết hợp bảo tồn vườn quả Từ Liêm và du lịch sinh thái nông nghiệp (thuộc quận Bắc Từ Liêm), quy mô 178ha, số vốn dự kiến 3.600 tỷ đồng; dự án công viên chuyên đề theo trục đường Hà Nội - Hải Phòng (thuộc quận Long Biên, huyện Gia Lâm), quy mô 200ha, số vốn dự kiến 4.000 tỷ đồng; dự án khu công viên dịch vụ du lịch giải trí Đồng Mô (thuộc thị xã Sơn Tây), quy mô 264ha, số vốn dự kiến 5.000 tỷ đồng...Cùng với hàng loạt đại công viên đã và sẽ được xây dựng nhờ cơ chế xã hội hóa, TP Hà Nội đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2020 bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả như: Thí điểm mở rộng phố đi bộ khu vực Hồ Gươm và vùng phụ cận; lùi "giờ giới nghiêm"; phát wifi miễn phí; trồng thêm 1 triệu cây xanh; xây dựng thêm nhà vệ sinh công cộng... Tất cả đã và đang góp phần nâng cao sức hấp dẫn, tính cạnh tranh của du lịch Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung trên đấu trường quốc tế. Đồng thời khẳng định "Hà Nội là điểm đến của thế giới" khi sở hữu từ vẻ đẹp truyền thống hơn ngàn năm văn hiến đến những khu vui chơi hiện đại bậc nhất toàn cầu.