Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn, trên cơ sở nghiên cứu hồ sơ kèm theo Tờ trình số 512/TTr-Cp ngày 4/10/2023 của Chính phủ, UBND TP nhận thấy một số nội dung do TP đề xuất, phối hợp với Bộ Tư pháp trong quá trình xây dựng Luật Thủ đô cần thiết được tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu trong dự thảo Luật.
Cụ thể, Điểm b khoản 1 Điều 9 HĐND TP Hà Nội tiếp tục đề xuất điều chỉnh như sau: “Quyết định biên chế cán bộ, công chức; số lượng viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập căn cứ vào khung danh mục vị trí việc làm do cơ quan có thẩm quyền quy định, quy mô dân số, thực trạng khối lượng công việc, đặc điểm an ninh, chính trị, an toàn xã hội trên địa bàn và khả năng cân đối ngân sách của TP Hà Nội”.
Nội dung TP đề xuất đã được các cấp có thẩm quyền của TP thông qua từ khâu xây dựng chính sách và dự thảo thành các quy định; được lãnh đạo TP báo cáo tại Hội nghị của Chính phủ và đã được đưa vào Nghị quyết số 135/NQ-CP ngày 30/8/2023 của Chính phủ. Mặt khác, nội dung quy định theo dự thảo không có tính đặc thù, biên chế dự phòng không được giao cho các địa phương, chỉ có biên chế dự phòng chung của cả hệ thống do Trung ương quyết định.
Về chế độ tiền lương, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức theo Khoản 1 Điều 18, UBND TP cho biết, TP không đề xuất nội dung thực hiện chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc ở một số cơ quan ngành dọc Trung ương đóng trên địa bàn để thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương. Cách quy định chưa rõ về đối tượng (các cơ quan ngành dọc gồm nhiều ngành như: tòa án, kiểm sát, hải quan, thuế, quản lý thị trường, thi hành án dân sự, thống kê...), số lượng công chức, viên chức là rất lớn; đồng thời, một số ngành đã có thu nhập tương đối cao hoặc đã được hưởng thu nhập tăng thêm so với công chức, viên chức do TP quản lý. Vì vậy, cần xem xét, cân nhắc về quy định này.
Với Điều 19 Quy hoạch xây dựng, phát triển Thủ đô, TP đề nghị bổ sung thêm 1 khoản: UBND TP Hà Nội quyết định hình thức lựa chọn đơn vị tư vấn trong nước hoặc nước ngoài có năng lực phù hợp để lập các quy hoạch quan trọng, phục vụ công tác quản lý nhà nước; Việc phê duyệt quy hoạch chi tiết có nội dung khác với quy hoạch phân khu, mà không phải làm thủ tục điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu trước đó trong trường hợp quy hoạch phân khu đáp ứng được điều kiện điều chỉnh cục bộ theo quy định. Kết quả phê duyệt quy hoạch chi tiết được cập nhật vào quy hoạch phân khu trong kỳ rà soát theo quy định.
Theo UBND TP Hà Nội, nội dung này nhằm giải quyết những vướng mắc hiện nay của TP trong lập và triển khai quy hoạch do hình thức lựa chọn đơn vị tư vấn lập quy hoạch đang chưa được quy định rõ trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.
Về biện pháp bảo đảm thực hiện quy hoạch có quy định tại khoản 5, Điều 20, TP đề nghị điều chỉnh như sau: UBND TP Hà Nội quyết định điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch, kiến trúc trong khu vực TOD so với quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng đối với khu vực đô thị hiện hữu, nhưng phải bảo đảm đáp ứng về hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.
Việc quy định UBND TP quyết định điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc trong khu vực TOD là đầy đủ và khái quát các yếu tố như: mật độ xây dụng, hệ số sử dụng đất, chỉ tiêu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Quy định này sẽ giúp TP có thể điều chỉnh tăng hệ số sử dụng đất, giảm mật độ xây dụng trong khu vực TOD để khai thác hiệu quả đất đai, dành nhiều diện tích hơn cho giao thông và không gian công cộng...
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn nhấn mạnh, Luật Thủ đô (sửa đổi) là một đạo luật đặc biệt, có nhiều cơ chế đặc thù, có phạm vi tác động rộng, khác biệt với nhiều luật và văn bản dưới luật hiện hành, tác động đến thẩm quyền của nhiều cơ quan Trung ương; một số vấn đề mới, đặc thù có nội dung phức tạp, khó về kỹ thuật lập pháp. Chính vì vậy, quá trình thảo luận về dự án Luật tại Quốc hội sẽ không tránh khỏi việc có những ý kiến khác nhau, thậm chí trái ngược nhau ở cùng một vấn đề.
Trong thời gian bước vào kỳ họp Quốc hội sắp tới, UBND TP sẽ chỉ đạo các sở, ban, ngành TP tham gia, phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp trong việc giải trình, thuyết minh về dự án Luật; bám sát các cơ quan thuộc Quốc hội, Bộ, ngành Trung ương để báo cáo giải trình, làm rõ về dự án Luật để tiếp tục tranh thủ sự ủng hộ, đồng thuận của các cơ quan Trung ương, đại biểu Quốc hội về dự án Luật.