Kỳ họp thứ 6 Quốc hội sẽ bàn về các giải pháp kiềm chế lạm phát

Vân Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV sẽ xem xét, thông qua các giải pháp giữ vững ổn định kinh tế vỹ mô, kiếm chế lạm phát, thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế.

Quang cảnh buổi họp báo chiều 19/10
Quang cảnh buổi họp báo chiều 19/10

Chiều 19/10, tại buổi Họp báo về dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, trả lời câu hỏi của phóng viên về tình hình giải ngân vốn hỗ trợ phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phạm Thị Hồng Yến cho biết: Nghị quyết số 43/2022/QH ngày 11/1/2022 của Quốc hội về Chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội dự kiến thực hiện trong năm 2022 và năm 2023.

Đây là Nghị quyết về chính sách tiền tệ và tài khóa để hỗ trợ cho chương trình phục hồi phát triển kinh tế-xã hội với mục tiêu không làm suy giảm tăng trưởng.

Nghị quyết 43/2022/QH cung cấp nguồn lực lớn, tạo động lực củng cố niềm tin và tiếp thêm sức mạnh để thực hiện, hiện thực hoá những chủ trương của Đảng, góp phần đưa kinh tế Việt Nam phục hồi. Kết quả được thể hiện rõ qua tốc độ phát triển kinh tế năm 2022 là 8,02% đạt cao hơn kỳ vọng của nền kinh tế trong cả giai đoạn (chỉ 6,5-7%).

Tuy nhiên, trong năm 2023 khi thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, nhiều chuỗi cung ứng bị đứt gẫy, tình trạng lạm phát ở mức cao, tiếp tục kéo dài... xét về tốc tộ tăng trưởng GPD toàn cầu năm 2023 dự kiến chỉ tăng trưởng 2%. Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn đồng thời tham gia xuất nhập khẩu tới nhiều thị trường trên thế giới, căn cứ vào thống kê 9 tháng đầu năm 2023 tốc độ tăng trưởng GPD của Việt Nam chỉ đạt 4,24% so với cùng kỳ. Vì vậy, dự kiến cả năm 2023 tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ thấp hơn mục tiêu đặt ra.

Theo bà Phạm Thị Hồng Yến, thực tế cho thấy, trong triển khai Nghị quyết 43/2022/QH, một số chương trình, chính sách chưa kịp thời, vẫn còn hạn chế, nhưng nhìn chung Nghị quyết đã góp phần đáng kể liên quan đến phát triển kinh tế-xã hội và phục hồi kinh tế. Nguyên nhân tốc độ tăng trưởng của Việt Nam năm 2023 thấp hơn mục tiêu do tình hình diễn biến kinh tế thế giới, khu vực phức tạp vượt quá dự báo; và hạn chế trong khi nền kinh tế nội tại suốt thời gian dài chưa được xử lý dứt điểm, sức chống chịu của nền kinh tế ở mức thấp, biến động bên ngoài làm cho hạn chế đó được bộc lộ rõ hơn.

Vì vậy, tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XV dự kiến sẽ đề xuất để Quốc hội thông qua nhiệm vụ, giải pháp những tháng cuối năm 2023 và năm 2024, 2025. Tại đó sẽ đảm bảo nhất quán để thực hiện giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiếm chế lạm phát, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế; thực hiện các giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng đầu tư tư nhân, tiêu dùng, đầu tư trong nước và xuất khẩu nhằm nâng cao năng lực chống chịu của nền kinh tế - bà Phạm Thị Hồng Yến nói.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phạm Thị Hồng Yến (Ảnh: Quochoi.vn)
Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phạm Thị Hồng Yến (Ảnh: Quochoi.vn)

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc vào ngày 23/10/2023, dự kiến bế mạc vào ngày 28/11/2023, theo hình thức họp tập trung tại Nhà Quốc hội.

Kỳ họp thứ 6 được tiến hành theo 2 đợt: Đợt 1 (15 ngày) từ ngày 23/10 đến ngày 10/11/2023; Đợt 2 (7,5 ngày) từ ngày 20 đến ngày 28/11/2023. Dự kiến tổng thời gian làm việc của Kỳ họp là 22 ngày.

Tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ thông qua 9 dự án luật và xem xét 8 dự án luật; xem xét báo cáo của các cơ quan tư pháp; xem xét, quyết định việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 53/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành...

Đặc biệt, Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; xem xét, thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV và xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng khác (nếu có).