Đây là khẳng định của của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Hoàng Công Thủy trong bài tham luận “Phát triển kinh tế vùng gắn với phát triển hạ tầng giao thông” tại Hội nghị “Hà Nội 2018 - Hợp tác Đầu tư và Phát triển” diễn ra tại Hà Nội vào sáng 17/6.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ đánh giá, vấn đề quy hoạch vùng Thủ đô có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và được coi là tất yếu của đất nước trong thời kỳ hội nhập kinh tế toàn cầu và khu vực ngày càng sâu rộng. Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến vấn đề phát triển kinh tế vùng để xây dựng vị thế của vùng Thủ đô trong khu vực và thế giới, cũng như mối tương quan phát triển với các vùng của các quốc gia khác.Phú Thọ là cửa ngõ phía bắc Hà Nội nối với các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc, nằm trên trục kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và nằm trong quy hoạch vùng Thủ đô Hà Nội, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Phú Thọ trong những năm qua đạt bình quân 7,5%/năm. Phú Thọ cũng như các tỉnh giáp Hà Nội, việc tiêu thụ hàng hóa đặc biệt là các sản phẩm nông sản phải tập trung gắn kết với TP Hà Nội, ngoài ra các sản phẩm dịch vụ khác ở các tỉnh cũng tập trung hướng đến Hà Nội.Để quá trình liên kết vùng mang lại hiệu quả, hạ tầng giao thông là yếu tố then chốt, trong thời gian qua tỉnh Phú Thọ và các tỉnh trong vùng Thủ đô đã có nhiều nỗ lực và đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển các lĩnh vực giao thông vận tải theo hướng kết nối đảm bảo hài hòa giữa các phương thức vận tải, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng kết nối với các địa phương và nội bộ tỉnh.Tỉnh Phú Thọ đã có trên 1.000km đường cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ và 11 cầu lớn bắc qua sông Lô, Sông Thao, Sông Đà được xây dựng từ nguồn vốn ngân sách và vốn xã hội hóa, tạo sự kết nối liên thông với các vùng sản xuất hàng hóa trong tỉnh và giao thương với các tỉnh lân cận.Trong hợp tác trong lĩnh vực giao thông vận tải giữa Thủ đô Hà Nội với tỉnh Phú Thọ đã đạt được nhiều thành tựu, như: Đầu tư hoàn thiện cầu Đồng Quang kết nối huyện Thanh Thủy (Phú Thọ) với huyện Ba Vì (Hà Nội); đang triển khai thi công cầu Việt Trì - Ba Vì, dự kiến sẽ hoàn thành vào dịp cuối năm 2018, khi hoàn thành sẽ đóng góp quan trọng vào kết nối giao thông đường bộ giữa Phú Thọ, các tỉnh vùng tây bắc với Thủ đô Hà Nội.Đối với hệ thống vận tải đường thủy, có tuyến đường thủy trên sông Lô, sông Hồng, sông Đà đã đáp ứng được vận tải hàng hóa trên tuyến đường thủy Việt Trì - Hà Nội; hệ thống vận tải đường sắt có tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai, cơ bản đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách, hàng hóa từ TP Hà Nội với các tỉnh vùng Tây Bắc.Tuy nhiên, theo đánh giá của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Hoàng Công Thủy, việc phát triển hạ tầng giao thông gắn với kết nối phát triển vùng của tỉnh Phú Thọ vẫn còn bộc lộ hạn chế, hạ tầng giao thông trục chưa có tỉnh kết nối và lưu thông thuận lợi giữa các địa phương trong nội vùng và liên vùng. Các phương thức vận tải phát triển chênh lệch, chủ yếu tập trung vào đường bộ, chưa có sự kết nối giữa đường sắt, đường thủy với đường bộ. Không gian manh mún gây khó khăn cho việc mở rộng, nâng cấp hay hiện đại hóa.Để khắc phục khó khăn tỉnh Phú Thọ kiến nghị với Chính phủ và Bộ, ngành trung ương về việc hoàn thiện thể chế về quy hoạch, ban hành các văn bản hướng dẫn để đảm bảo tính hệ thống, nhất quán; Loại bỏ các quy hoạch không đúng với sự phát triển của địa phương và của vùng; Tăng cường công tác dự báo khoa học chính xác giữa cung và cầu để xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông phù hợp với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của vùng; Nâng cao hiệu quả khai thác sử dụng công trình sau đầu tư.“Đối với TP Hà Nội, với vai trò đầu tàu phát triển kinh tế của vùng Thủ đô, đề nghị TP tiếp tục quan tâm, giúp đỡ, hỗ trợ các tỉnh trong vùng đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông liên kết vùng, giới thiệu các nhà đầu tư trên địa bàn TP Hà Nội, tìm hiểu, đầu tư trên địa bàn các tỉnh của vùng”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Hoàng Công Thủy nói.