Hàng năm, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước TP Hà Nội đều phối hợp với Báo Kinh tế & Đô thị, phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng trên địa bàn TP, Hội Liên hiệp phụ nữ, Phòng Tư pháp các quận, huyện, thị xã, Phòng Giáo dục và Đào tạo, UBND các xã, phường, thị trấn, đoàn thanh niên, các trường học thực hiện truyền thông về trợ giúp pháp lý và tuyên truyền pháp luật cho trẻ em để các em nắm bắt được các quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý cũng như các quy định của pháp luật có liên quan như các quy định của Bộ luật Hình sự; luật trẻ em; phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực học đường...
Bên cạnh việc tổ chức các hội nghị truyền thông truyền thống, Trung tâm đã phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ TP Hà Nội, các trường THCS thực hiện truyền thông về trợ giúp pháp lý và tuyên truyên pháp luật thông qua việc tổ chức phiên tòa giả định tại một số trường THCS trên địa bàn các quận, huyện, thị xã; hoặc thông qua tổ chức cuộc thi hỏi đáp về các quy định pháp luật, giải quyết các tình huống pháp luật tại trường học. Cách tổ chức trên đã thu hút được nhiều em học sinh tham dự, tương tác và các em hiểu được nhiều hơn và nhanh hơn các quy định của pháp luật liên quan trực tiếp đến các em.
Ngoài các hình thức trên, các trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước TP còn thực hiện truyền thông về trợ giúp pháp lý và phổ biến các quy định của pháp luật cho người dưới 18 tuổi vi phạm pháp luật trong quá trình tham gia tố tụng bào chữa hoặc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người dưới 18 tuổi trong vụ án hình sự.
Tại Hội thảo “Nâng cao công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên trong tình hình hiện nay” do Sở Tư pháp TP Hà Nội vừa tổ chức, đại diện Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước TP Hà Nội cho biết, để hoạt động trợ giúp pháp lý đạt hiệu quả, đảm bảo quyền được trợ giúp pháp lý của người dưới 18 tuổi, đồng thời để phòng, tránh vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi, cần sự chung tay của các cấp, các ngành, cơ quan, tổ chức, đoàn thể có liên quan.
Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước TP Hà Nội mong rằng, các cơ quan tiến hành tố tụng tiếp tục quan tâm, phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước trong thực hiện trợ giúp pháp lý cho người dưới 18 tuổi; các Phòng Tư pháp quan tâm hơn nữa đến chương trình phổ biến giáo dục pháp luật, tham mưu cho UBND cấp huyện xây dựng những chương trình, kế hoạch phổ biến giáo dục pháp luật cho học sinh.
Các Phòng Giáo dục và Đào tạo tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền pháp luật tại các trường học, tăng cường phối hợp với Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước TP trong thực hiện tuyên truyền pháp luật cho các em học sinh.
Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh TP tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền pháp luật đến đoàn viên thanh niên, nhất là tại những địa bàn có nhiều người dưới 18 tuổi vi phạm pháp luật; tạo nhiều sân chơi, các hình thức sinh hoạt bổ ích, lành mạnh thu hút các em học sinh tham gia học tập, rèn luyện, sử dụng thời gian rảnh rỗi có ích và thiết thực.
Đại diện Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước TP Hà Nội cho biết, theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, trẻ em và người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là người thuộc diện được trợ giúp pháp lý. Trong những năm gần đây, qua theo dõi số liệu về trợ giúp pháp lý của Trung tâm, số người được trợ giúp pháp lý là người dưới 18 tuổi tăng đột biến, trong đó chủ yếu là diện người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi trong các vụ án hình sự.