Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Gặp mặt, đối thoại doanh nghiệp

Kinhtedothi.vn
Chia sẻ Zalo

Hội nghị gặp mặt, đối thoại doanh nghiệp được tổ chức vào ngày 28/11/2016, tại Khách sạn Melia, Hà Nội.

Hội nghị được tổ chức để kịp thời nắm bắt và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trên địa bàn, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh.

Hội nghị sẽ đánh giá tình hình và kết quả giải quyết tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp năm 2016; định hướng về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và cam kết của thành phố Hà Nội trong thời gian tới. Hiệp hội Các doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội báo cáo tổng hợp khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp; Các doanh nghiệp nêu khó khăn, vướng mắc, cơ quan quản lý nhà nước (UBND Thành phố, các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện thị xã) trao đổi, tháo gỡ, giải quyết.
 Hội nghị gặp mặt, đối thoại doanh nghiệp được tổ chức vào ngày 28/11/2016

Hội nghị có sự tham dự của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung; Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc; các thành viên UBND TP, lãnh đạo các sở ban ngành, UBND quận huyện, thị x của TP Hà Nội, lãnh đạo VCCI, 400 đại biểu là đại diện của các doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp. 

Hội nghị được bắt đầu từ lúc 8h30. Sau phần Khai mạc Hội nghị; Báo cáo về tình hình giải quyết các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong năm 2016; nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm năm 2017, nội dung chính của Hội nghị là “Phiên đối thoại doanh nghiệp” được diễn ra từ 9h00.

Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, Hà Nội mong muốn được lắng nghe các ý kiến phản ánh khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai hoạt động đầu tư, kinh doanh trên địa bàn Thành phố và những ý kiến phản ánh, góp ý phục vụ cho công tác chỉ đạo điều hành, công tác phục vụ doanh nghiệp của các cấp chính quyền Thành phố thiết thực và hiệu quả. Tại Hội nghị, những người đứng đầu Thành phố và VCCI sẽ tiếp thu và trả lời trực tiếp, thẳng thắn, trách nhiệm những kiến nghị của doanh nghiệp thuộc thẩm quyền.

“Hội nghị gặp mặt, đối thoại doanh nghiệp” với sự tham gia của các cấp lãnh đạo cao nhất của Thành phố và VCCI đã khẳng định quyết tâm của Thành phố về tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, minh bạch; khẳng định sự đồng hành của VCCI đối với Thành phố Hà Nội trong công cuộc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho rằng, trong quá trình xây dựng và phát triển của Thủ đô, những đóng góp của các doanh nhân, các nhà đầu tư có vai trò, vị trí hết sức quan trọng, nhất là trong bối cảnh Thành phố Hà Nội đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập kinh tế quốc tế sâu, rộng. Ý thức sâu sắc được tầm quan trọng của doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam, trong những năm qua, Hà Nội đã ban hành các kế hoạch và triển khai đồng bộ, hiệu quả việc thi hành Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư năm 2014, cùng với những chính sách hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp như: chính sách trợ giúp tài chính, chính sách mặt bằng sản xuất, chính sách đổi mới nâng cao năng lực công nghệ và trình độ kĩ thuật, chính sách xúc tiến mở rộng thị trường… tạo môi trường, điều kiện để các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả.

Có thể khẳng định, năm 2016 là năm đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ của doanh nghiệp và thu hút đầu tư trong phạm vi cả nước nói chung, Thủ đô Hà Nội nói riêng. Cùng với cả nước, Hà Nội đã có sự tăng trưởng vượt bậc về số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp và thu hút đầu tư nhờ có môi trường đầu tư thông thoáng: Chỉ tính riêng năm 2016, Hà Nội đã có gần 23 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, nâng tổng số doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn lên trên 200 nghìn (202.255) doanh nghiệp, hoạt động ở mọi ngành, lĩnh vực, đáp ứng nhu cầu của xã hội. Điều đó đã góp phần quan trọng tạo việc làm cho người lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp, nâng cao đời sống nhân dân; đóng góp cho tăng trưởng kinh tế của Thủ đô cao nhất trong 06 năm qua (năm 2016, GRDP ước tăng 8,03%). Kết quả đó một mặt cho thấy hiệu quả của các chính sách tạo điều kiện của Thành phố đối với các doanh nghiệp; mặt khác phản ánh niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư với môi trường kinh doanh của Thành phố, đồng thời cũng là tín hiệu lạc quan đối với tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Tuy vậy, hoạt động của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn Thành phố vẫn còn có những khó khăn như: việc tiếp cận vốn, đất đai, thị trường tiêu thụ, ứng dụng khoa học công nghệ...; mức tăng trưởng vừa qua của Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng vẫn chủ yếu dựa vào chiều rộng, chưa có chiều sâu. Chủ trương, chính sách của Thành phố chưa thực sự đồng bộ, chưa tạo được động lực cho phát triển nâng cao năng lực cạnh tranh, chưa đảm bảo được cho doanh nghiệp phát triển thuận lợi trong điều kiện kinh tế thị trường. Kết quả xếp loại chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh các năm qua của Hà Nội đã khẳng định rất rõ điều này, trong 11 tháng đầu năm 2016 đã có trên 13 nghìn (13.165) doanh nghiệp tạm ngừng, nghỉ hoạt động.
 Bí thư Thành ủy Hà Nội- Hoàng Trung Hải  phát biểu (Ảnh: Lê Nam)

Để kịp thời nắm bắt và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh. Thành phố tổ chức buổi gặp mặt, đối thoại với những doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện đang gặp khó khăn trên địa bàn để các nhà quản lý doanh nghiệp trao đổi, bày tỏ ý kiến với lãnh đạo Thành phố, qua đó giúp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. 

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản cho biết, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự quyết liệt, đổi mới, sáng tạo, thống nhất trong chỉ đạo điều hành, sự nỗ lực của các doanh nghiệp, Kinh tế xã hội Thủ đô đã đạt được kết quả tích cực trên nhiều mặt.

Kinh tế ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm. Tổng sản phẩm trên địa bàn ước tăng 8,03% - mức tăng cao nhất kể từ năm 2011. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 173,84 nghìn tỷ đồng, bằng 102,6% dự toán. Lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng trung bình cả năm 2016 ước tăng 3,01-3,07%”.

Phó Chủ tịch Nguyễn Doãn Toản phát biểu, năm 2016 là năm khởi sắc với các doanh nghiệp, Thành phố đón nhận làn sóng đầu tư mới và sự gia tăng mạnh mẽ về số lượng doanh nghiệp. Đây là tiền đề rất quan trọng để Thành phố thực hiện thành công Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020.

Phó Chủ tịch Nguyễn Doãn Toản cho biết, đạt được kết quả trên, các doanh nghiệp đóng vai trò quyết định. Thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách đạt 424 nghìn tỷ đồng cao nhất từ trước đến nay. Trong đó, đầu tư nước ngoài 2,8 tỷ USD (tăng 2,6 lần); vốn đăng ký của doanh nghiệp trong nước 204 nghìn tỷ đồng (tăng 42%). Vốn đầu tư xã hội ước thực hiện 278 nghìn tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2015.

Năm 2016 là năm có số lượng doanh nghiệp thành lập mới cao nhất từ trước tới nay với 22,9 nghìn (tăng 19%) - Lần đầu tiên số doanh nghiệp trên địa bàn cán đích và vượt con số 200.000. Tuy nhiên, tình hình sản xuất kinh doanh còn không ít khó khăn. Số doanh nghiệp phải tạm ngừng, nghỉ hoạt động chưa giảm so với năm trước (đến ngày 09/11 có 13.165 doanh nghiệp, tổ chức kinh tế ngừng, nghỉ hoạt động). Xuất khẩu tăng trưởng thấp. Việc ứng dụng chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp còn hạn chế. Các chuỗi liên kết trong sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm còn ít. Sản phẩm nông, lâm, thủy sản có chất lượng cao đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm chưa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Công nghiệp vẫn tăng trưởng nhưng có xu hướng tăng chậm dần, tính cạnh tranh thấp.

“Với tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, Thành phố đã chỉ đạo quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh gồm 08 nhóm giải pháp chính”, Phó Chủ tịch nhấn mạnh.

Theo đánh giá của UBND TP Hà Nội, năm 2017, tình hình kinh tế thế giới và trong nước dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó khăn. UBND Thành phố tiếp tục xác định cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đầu tư, sản xuất - kinh doanh là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm, là yêu cầu cấp thiết trong thời kỳ hội nhập. Năm 2017, Thành phố tập trung chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp chủ yếu:

Một là, tạo chuyển biến rõ nét trong tổ chức thực hiện Kế hoạch số 147/KH-UBND thực hiện Nghị quyết 19-2016/NQ-CP, Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ, nâng cao năng lực cạnh tranh, chỉ số PCI. Đến nay, các đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, các kế hoạch sử dụng đất đã cơ bản hoàn thành là những thuận lợi cơ bản. Thành phố sẽ tập trung chỉ đạo đẩy nhanh công tác GPMB và tái định cư theo cơ chế mới. Tiếp tục quyết liệt cải cách để nâng cao các chỉ số thành phần của Bộ chỉ số PCI mà từ lâu nay Hà Nội vẫn bị xếp hạng thấp như: tiếp cận đất đai, chi phí không chính thức, thiết chế pháp lý,...Đồng thời phát huy các chỉ số đã được xếp hạng tốt như: đào tạo lao động, dịch vụ doanh nghiệp...

 Hội nghị có sự tham dự của Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải; Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung; Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cùng các thành viên UBND Thành phố; lãnh đạo các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và hơn 400 đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp.

Hai là, đồng hành cùng doanh nghiệp, hành động vì doanh nghiệp. Thành phố sẽ chủ động nắm bắt và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xóa bỏ rào cản bằng nhiều hình thức. Định kỳ phối hợp với VCCI tổ chức Hội nghị đối thoại doanh nghiệp. Giải quyết triệt để các kiến nghị của doanh nghiệp. Phát huy tốt vai trò của các Hiệp hội Doanh nghiệp, để chính sách hỗ trợ của Thành phố đến được với nhiều doanh nghiệp nhất.

Ba là, thực hiện các kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, hỗ trợ sau khởi nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các nguồn lực cho hoạt động sản xuất kinh doanh như: tiếp cận đất đai; nguồn vốn; nguồn nhân lực; kiến thức và kỹ năng quản trị doanh nghiệp hiện đại; tiến bộ khoa học, các công nghệ mới nhất để nâng cao năng suất, sức cạnh tranh của hàng hóa. Tập trung phát triển mạnh doanh nghiệp, các loại hình hợp tác xã. Tổ chức Xây dựng mô hình Khu dịch vụ tập trung hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đồng thời, Thành phố nâng cao năng lực dự báo các vấn đề của hội nhập kinh tế quốc tế để từ đó chủ động hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các cơ hội và vượt qua được các thách thức.

Bốn là, tiếp tục dành nguồn lực thích đáng để thực hiện các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp như: Triển khai tích cực các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch để mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng có ưu thế, tập trung vào thị trường tiềm năng, hỗ trợ đào tạo CEO,…
 Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản. (Ảnh: Thanh Hải)

Năm là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để đảm bảo tính công khai, minh bạch, giảm thời gian cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động. Xây dựng phong cách làm việc của bộ máy chính quyền theo hướng “thân thiện - kỷ cương - trách nhiệm - hiệu quả”.

Sáu là, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Thủ đô tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, bản lĩnh, trí tuệ, sáng tạo, tinh thần hợp tác, vượt qua khó khăn, thách thức, phát triển bền vững, tham gia vào chuỗi giá trị trong nước và toàn cầu, để hoàn thành sứ mệnh là động lực phát triển kinh tế Thủ đô và đất nước.

Ông Đỗ Quang Hiển - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa  TP Hà Nội (Hanoisme), cho rằng, Việt Nam đang hội nhập với môi trường kinh tế thế giới, cách làm và phương thức hoạt động của DN phải hướng tới việc hòa chung với hoạt động của cộng động doanh nhân toàn cầu và được thế giới chấp nhận rằng môi trường kinh doanh đã hòa nhịp với thương trường quốc tế, cộng đồng DN rất mong đồng thuận để thay đổi. 

Tiếp tục tăng cường đẩy mạnh cải cách TTHC trên mọi lĩnh vực, đổi mới tác phong phục vụ của công chức, nếu việc khởi sự DN thông thoáng đúng với những chuẩn mực quốc tế, chắc chắn số doanh nghiệp mới của Hà nội sẽ tăng trưởng mạnh mẽ hơn nhiều.

“Cần cú hích cho DN khởi nghiệp, cần phải đảm bảo môi trường pháp lý, công khai minh bạch trong quá trình cung cấp thông tin, các thủ tục thành lập, các hoạt động liên quan đến khởi nghiệp” – ông Hiển nhấn mạnh.

Đồng thời ông cho rằng, UBND TP Hà Nội tiếp tục chỉ đạo các Sở, ban, ngành cụ thể hóa những nội dung và chương trình công tác lớn, chính sách và các giải pháp hỗ trợ DN, DN khởi nghiệp thiết thực hiệu quả, nhằm tạo điều kiện thuận lợi phù hợp với thực tế, đảm bảo sự công bằng - minh bạch giúp cho doanh nghiệp thuận lợi, ổn định trong sản xuất kinh doanh để phát triển.

Bên cạnh đó, đề nghị TP, sở ban ngành tiếp túc đẩy mạnh hoạt động KHCN, xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, hỗ trợ các DN tham gia các kỳ hội chợ trong nước và quốc tế, đặc biệt quan tâm tổ chức chương trình hỗ trợ DN tham dự Hội chợ thường niên tại các nước trong khu vực và thị trường mới như Nga và Châu phi, thị trường truyền thống cho các DN.

Tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã giáp đáp một số câu hỏi và thắc mắc của đại diện DN NVV: Về quy trình DN xin ý kiến các sở ban ngành, Chủ tịch cho rằng, trước đây quy trình này phải trải qua từ 3 – 5 vòng, qua cải cách đến nay còn 2 vòng.

Thành phố cam kết từ 1/1/2017 thành lập tổ công tác đặc biệt đại diện cho chuyên viên các sở ngồi tại một cửa, tiếp nhận các kiến nghị và giải quyết trong 1 lần cho DN. Chủ trương này đã được bàn bạc kỹ trong 6 tháng vừa qua. Mục tiêu của chúng tôi là yêu cầu của DN sẽ được giải quyết trong 1 tuần.

Liên quan tới vướng mắc của DN trong việc thực hiện các thủ tục liên thông, tập thể ban cán sự TP đã làm việc để tiến tới ủy quyền cho Hà Nội phê chuẩn, giảm bớt thời gian thẩm định, phê chuẩn tại các sở, các bộ.

"Hiện nay chúng tôi mới làm việc với Bộ Y tế, trong thời gian tới sẽ tiếp tục làm việc với các bộ để đến năm 2017, các thủ tục liên thông được rút ngắn", Chủ tịch cho hay.

 Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung (Ảnh: Lê Nam)

Đối với hỗ trợ về kế toán, TP nhận thấy cần thành lập hiệp hội cung ứng dịch vụ kế toán. Xin chuyển ý kiến này để VCCI đồng hành cùng các DN không chỉ tại HN mà còn trên cả nước.

Thành phố cũng rất chú trọng tới vấn đề hỗ trợ DN NVV liên quan tới tiếp cận KHCN. TP đã có các cuộc tiếp xúc với hàng loạt DN lớn của châu Âu. Trong thời gian tới, TP sẽ tạo đầu mối căn cứ trên nhu cầu DN, giúp DN tiếp cận các tập đoàn lớn trong nước và trên thế giới.

Liên quan tới thúc đẩy DN khởi nghiệp, sáng tạo, trong 9 tháng vừa qua, TP đã tiếp xúc với các nhà khởi nghiệp sáng tạo của Anh, Úc...

Trung tâm sáng tạo khởi nghiệp đầu tiên sẽ ra đời, với giai đoạn đầu hỗ trợ thông tin để tiếp cận và thành lập DN (thủ tục pháp lý, kế toán); hai là hỗ trợ tiếp cận KHKT; ba là kết nối để các sản phẩm được thương mại hóa và tung ra thị trường.

Trung tâm này dự kiến sẽ được thành lập tại trụ sở bộ KHCN. Về quỹ đầu tư mạo hiểm, hi vọng Hiệp hội DN nhỏ và vừa sẽ đi tiên phong trong lĩnh vực này, với sự dẫn đường của quỹ TP.

Với đề xuất của đại diện Công ty CP Tập đoàn Phú Mỹ về việc cần có cơ chế với những DN của Thủ đô có tuổi đời, có thương hiệu chuyển về khu công nghiệp TP, thay vì di dời đi địa phương khác để đầu tư khi chuyển đổi công năng sử dụng đất khiến mất nhiều cơ hội việc làm cho người dân Thủ đô, Chủ tịch UBND TP cho biết, đúng là thời gian qua, với những lời kêu gọi của các tỉnh xung quanh, một số DN có thương hiệu của Thủ đô đã chuyển sang các tỉnh lân cận. Về vấn đề này, TP đang có chủ trương khuyến khích DN tìm hiểu khu công nghiệp trên địa bàn Thủ đô. Thời gian tới, TP sẽ có chính sách thu hút DN tốt hơn.

Bà Vũ Thị Hồng, Phó Tổng Giám đốc công ty CP Nhất Nam – chuỗi siêu thị Fivimart đặt câu hỏi: Thông tư 11 của Bộ KHCN ngày 12/4/2012 về việc dán tem nhãn có nhiều bất cập cho DN, cụ thể là DN bán lẻ.

 Bà Vũ Thị Hồng, Phó Tổng Giám đốc công ty CP Nhất Nam – chuỗi siêu thị Fivimart  (Ảnh: Thanh Hải)

Khi nhập khẩu thiết bị để mở mới siêu thị, sau khi làm thủ tục tạm thông quan, thiết bị được đưa về kho của DN và sau đó phải làm hợp đồng với 2 nơi kiểm định. Những thiết bị này rất nặng, phải thuê cẩu nâng lên hạ xuống, cần nhiều nhân viên bê vào phòng kiểm định, tốn kém rất nhiều trong việc vận chuyển bốc xếp. Sau đó lại phải mang kết quả và hồ sơ đến Bộ công thương để xin dán nhãn năng lượng, coi như lúc này mới xong được.

Thứ hai, mong TP sớm có quy chuẩn quy hoạch các điểm bán lẻ cho TTTM, siêu thị cách nhau bao nhiêu Km. Ví dụ Fivimart đã mở ở Trường Chinh, Vinmart sắp mở phía đối diện và cách đó 500m là TTTM của BigC, gây ra một sự phân bố không đồng đều và cạnh tranh khó khăn.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết đối với vấn đề kiểm định, TP sẽ có trả lời bằng văn bản cụ thể với DN. Đối với quy hoạch hệ thống bán lẻ, về cơ bản chưa có sự hợp lý và khoa học, dẫn tới sự tập trung không đồng đều, bởi quy hoạch chưa theo kịp đánh giá về nhu cầu của người dân.

Hiện các TTTM lớn đã có quy hoạch còn TTTM nhỏ đang tiến hành xây dựng lại chúng tôi sẽ kết hợp với các nhà tư vấn làm sao cho hợp lý nhất.

Tại hội nghị, TS Hà Quang Tuấn – Chủ tịch HĐQT Hanoimilk cho biết, vượt qua những khó khăn, thử thách và trụ vững trên thị trường, Hanoimilk đã được sự quan tâm và tạo điệu kiện của các cấp, các ngành TP. Tuy nhiên, trong thời gian tới, Hanoimilk đề nghị, thứ nhất, UBND TP, UBND huyện Mê Linh hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho DN về GPMB để thực hiện Dự án trồng cỏ, chăn nuôi bò sữa tự nhiên tại khu đất bãi song Hồng thuộc địa phận các xã Văn Khê và Hoàng Kim (huyện Mê Linh) đã được Thành ủy, UBND TP chấp thuận chủ trương đầu tư tại Quyết định số 5810/QĐ-UBND ngày 10/11/2014 và Quyết định số 4910/QĐ-UBND ngày 30/9/2015 về việc chấp thuận bổ sung quy mô dự án. Theo đó, kinh đề nghị UBND TP và UBND huyện xem xét cho phép áp dụng các cơ chế hỗ trợ và mức đơn giá hỗ trợ đền bù GPMB thấp nhất để DN không gặp khó khăn về vốn đầu tư ban đầu và có thể thực hiện dự án nông nghiệp công nghệ cao một cách hiệu quả.

Thứ hai, mong TP và huyện giải quyết các thủ tục cần thiết và đôn đốc Công ty CP xây dựng số 2 – Vinaconex khẩn trương thi công đoạn đường nối từ khu nhà ở để bán Quang Minh đi qua Hanoimilk và đấu nối vào đường Võ Văn Kiệt (đường cao tốc Thăng Long – Nội Bài). Đoạn đường này nằm trong quy hoạch tuyến đường 24m nhưng nhiều năm nay chưa được thi công gây khó khăn cho việc đi lại của nhân dân và vận chuyển hàng hóa của Hanoimilk. Trong trường hợp Công ty CP xây dựng số 2 – Vinaconex chưa bố trí được vốn đầu tư thì đề nghị TP và huyện xem xét giao cho Hanoimilk đầu tư và cho phép khấu trừ vào tiền thuế, tiền thuê đất mà Hanoimilk phải nộp.

Thứ ba, TP và huyện cho phép và tạo điều kiện thuận lợi cho Hanoimilk được triển khai thực hiện Chơng trình Sữa học được theo Quyết định 1340/QĐ-TTg ngày 8/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn TP Hà Nội (trước tiên tại huyện Mê Linh) theo cơ chế chính sách sau: Tổ chức cho trẻ em mẫu giáo và tiểu học được uống sữa hàng ngày theo chính sách hỗ trợ miễn phí 100% cho con em các hộ nghèo, giảm 50% cho con em các hộ cận nghèo và giảm 30% cho con em các hộ còn lại. Để có số tiền hỗ trợ thực hiện, Hanoimilk đề nghị TP và huyện hỗ trợ số tiền tương đương 15% tổng kinh phí thực hiện chương trình, được khấu trừ vào số tiền thuế và tiền thuê đất mà Hanoimilk sẽ phải nộp cho ngân sách, phần tiền hỗ trợ còn lại Hanoimilk xin tự nguyện đóng góp.
Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cảm ơn sự hợp tác, đồng hành của VCCI trong suốt thời gian qua đối với việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp trên địa bàn TP. Chủ tịch cũng cảm ơn và ghi nhận những nỗ lực tham gia của các Doanh nghiệp, Doanh nhân, các Nhà đầu tư trong suốt quá trình trước và trong Hội nghị với tinh thần thẳng thắn, cởi mở để buổi Đối thoại đi vào thực chất và hiệu quả. 
Chủ tịch UBND TP cho biết, năm 2017, lãnh đạo Thành phố đã xác định nhiệm vụ trọng tâm trong chỉ đạo, điều hành là “đồng hành cùng doanh nghiệp”; phương châm hành động “trách nhiệm - hiệu quả”. Lãnh đạo thành phố Hà Nội cam kết không chỉ ủng hộ DN mà còn muốn lắng nghe ý kiến của DN để đưa ra những giải pháp, tạo điều kiện cho DN hội nhập thành công. TP đã, đang và sẽ nỗ lực hết mình vì một môi trường đầu tư thông thoáng và minh bạch, đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất, sẵn sàng hỗ trợ, hợp tác chặt chẽ với tất cả các doanh nghiệp, nhà đầu tư. 
Chủ tịch nhấn mạnh: TP xác định thường xuyên giải quyết những vướng mắc cho DN, xây dựng các cơ chế chính sách cho DN, nhất là tạo điều kiện để DN tiếp cận vay vốn phát triển sản xuất, tạo điều kiện cho DN khởi nghiệp, có nhiều chính sách hỗ trợ về mặt bằng, đất đai để Hà Nội trở thành địa phương đi đầu cả nước về tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi. Chủ tịch cũng khẳng định, TP Hà Nội sẽ thực hiện phương châm chính quyền kiến tạo, phục vụ chứ không phải chính quyền quản lý. Do đó, các thủ tục đầu tư, các chính sách liên quan đến môi trường đầu tư đều được cấp có thẩm quyền giải quyết một cách nhanh chóng nhất, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các DN, nhà đầu tư yên tâm sản xuất, kinh doanh.