Giúp hình thành chính quyền số
Thời gian vừa qua, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, TP Hà Nội đã đẩy mạnh nhiều giải pháp để ứng dụng công nghệ thông tin vào điều hành, giải quyết thủ tục hành chính. Qua đó, phát triển chính quyền điện tử hướng tới mục tiêu hình thành chính quyền số TP Hà Nội tương tác, minh bạch, hoạt động hiệu quả.
Vào đầu tháng 3/2021, UBND huyện Đan Phượng trở thành địa phương đầu tiên của TP triển khai hệ thống phần mềm “Thông tin báo cáo, chỉ đạo điều hành” và “Tiếp nhận phản ánh kiến nghị của người dân, DN”, góp phần thay đổi phương thức chỉ đạo, điều hành từ văn bản giấy chuyển sang dữ liệu số với khả năng cập nhật kịp thời, chính xác, an toàn, hiệu quả, đồng thời đem lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp. Cách làm chủ động này đã giúp cho đơn vị thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”, vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, vừa phòng, chống dịch.
Trong khó khăn do giãn cách xã hội, nhiều địa bàn đã xây dựng các group zalo để chỉ đạo điều hành rất hiệu quả, mỗi thông tin đưa lên nhóm lập tức có người xử lý. Các hoạt động nội bộ được chỉ đạo qua hệ thống quản lý văn bản - điều hành tác nghiệp có tích hợp chữ ký số, tiện lợi hơn nhiều, vừa tiết kiệm thời gian, vừa tiết kiệm chi phí.
Hà Nội cũng tăng cường triển khai hệ thống họp trực tuyến từ TP đến các điểm cầu của 579 xã, phường, thị trấn. Hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng, triển khai lắp đặt các thiết bị màn hình cảm ứng, trang thiết bị công nghệ thông tin, camera giám sát để tuyên truyền và hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, phòng, chống dịch Covid -19 tại các khu chung cư, nhà văn hóa thôn, tổ dân phố thuộc các quận: Long Biên, Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Đống Đa, Thanh Xuân và các huyện: Hoài Đức, Đông Anh...
Hà Nội tiếp tục thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết thủ tục hành chính, đặc biệt trong thời gian giãn cách xã hội |
TP cũng đã triển khai tích hợp 444 dịch vụ công trực tuyến lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Cùng với đó, Hà Nội đã ban hành danh mục 22 cơ sở dữ liệu, tập trung vào các nội dung kinh tế - xã hội; quản lý dân cư, các dự án đầu tư, quỹ đất để người dân, doanh nghiệp tiếp cận thuận lợi, có thể “ngồi nhà” nhưng cũng có thể nắm bắt được các thông tin, tài liệu hữu ích.
Nâng cao kỹ năng giải quyết công việc trực tuyến
Kể từ khi TP Hà Nội tạm dừng việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính trực tiếp tại bộ phận “một cửa” để tuân thủ giãn cách xã hội, các sở, ngành, quận huyện đã đặc biệt là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, bảo đảm thông suốt mọi hồ sơ hành chính. Theo đó, đối với các thủ tục hành chính liên quan việc phục vụ công tác phòng, chống dịch; công vụ; ngoại giao hoặc các thủ tục hành chính thiết yếu liên quan đời sống dân sinh, an ninh trật tự xã hội (khai tử, phục vụ việc khám, chữa bệnh, ngân hàng, công chứng, đăng ký giao dịch bảo đảm...), các đơn vị căn cứ tình hình thực tế bố trí cán bộ trực để thực hiện việc tiếp nhận tại bộ phận “một cửa” trong trường hợp công dân, DN không thể thực hiện thủ tục qua hình thức trực tuyến. TP cũng yêu cầu các đơn vị, địa phương hướng dẫn người dân thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp, chỉ tiếp 1 công dân tại 1 thời điểm tại bộ phận “một cửa” (nếu có phát sinh việc tiếp nhận và trả kết quả)...
Để bảo đảm thông suốt mọi hồ sơ hành chính, đa số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động các sở, ngành, quận, huyện đã tiếp tục sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà trong giải quyết công việc. Tại Sở KH&ĐT Hà Nội, hầu hết thủ tục hành chính đều nhận nộp trực tuyến và nhiều thủ tục đang trả qua đường bưu chính. Thay vì 7 người trực như trước đây, hiện sở chỉ phân công luân phiên 2 cán bộ trực ở bộ phận “một cửa”; trong đó, một người giải quyết hồ sơ và một người xử lý các vấn đề phát sinh.
Các phường, xã cũng tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân nộp thủ tục qua mạng internet, giúp người dân nắm được những thủ tục hành chính nào có thể nộp hồ sơ trực tuyến để không bị động khi cần giải quyết công việc, đồng thời đảm đảm bảo các hồ sơ nộp trực tuyến đều được giải quyết đúng hạn. Với nhiều người dân, việc làm thủ tục hành chính qua mạng internet trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội là giải pháp hợp lý, an toàn cho người dân. Các cơ quan cùng đội ngũ cán bộ, công chức cũng đang tiếp nhận và triển khai tốt phương thức làm việc từ xa. Việc tiếp tục hoàn thiện nền tảng số và kỹ năng giải quyết công việc trực tuyến đạt nhiều lợi ích, vừa là cách làm hiệu quả để góp phần phòng, chống dịch, vừa giúp hình thành chính quyền số, xã hội số.