Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: gỡ khó trong giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2024

Ngô Sơn/PL&XH
Chia sẻ Zalo

Thành phố nhận định khó khăn chủ yếu trong đầu tư công vẫn là công tác giải phóng mặt bằng, xác định nguồn gốc, giá đất.

Dự án tàu metro Nhổn - ga Hà Nội. Ảnh: Khánh Huy  
Dự án tàu metro Nhổn - ga Hà Nội. Ảnh: Khánh Huy  

Khó khăn trong xác định nguồn gốc, giá đất

Trong 7 tháng đầu năm, kết quả giải ngân phần vốn ngân sách Trung ương là 598 tỷ đồng, đạt 6,3% kế hoạch; bao gồm vốn trong nước 389 tỷ đồng, đạt 5,5% kế hoạch; vốn ODA cấp phát 208 tỷ đồng, đạt 8,9% kế hoạch.

Kết quả giải ngân phần vốn cân đối ngân sách địa phương là 22.692 tỷ đồng, đạt 31,7% kế hoạch; bao gồm vốn ODA vay lại giải ngân 912 tỷ đồng, đạt 58,8% kế hoạch; vốn cân đối ngân sách địa phương (trong nước): 21.780 tỷ đồng, đạt 31,1% kế hoạch.

Theo UBND TP Hà Nội, lũy kế giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2024 của toàn TP là 23.290 tỷ đồng, đạt 28,7% kế hoạch, cao hơn lũy kế giải ngân cùng kỳ năm 2023 (tính đến ngày 31/7/2023) là 5.163 tỷ đồng (năm 2023, lũy kết giải ngân đến ngày 31/7/2023 là 18.127 tỷ đồng) nhưng thấp hơn so với ước giải ngân 7 tháng của cả nước (29,7%).

Nguyên nhân được UBND TP Hà Nội lý giải là do năm 2024, Trung ương giao kế hoạch vốn cho Hà Nội cao hơn 1,73 lần so với năm 2023 (81.033/46.956 tỷ đồng), đồng thời các tháng đầu năm 2024, TP đang tập trung thực hiện giải ngân kế hoạch vốn năm 2023 kéo dài và các dự án đang tích lũy khối lượng để thanh toán.

Khó khăn được UBND TP xác định là trong công tác giải phóng mặt bằng. Đây là khó khăn, vướng mắc trong nhiều năm nhưng hiện nay vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Một số dự án vẫn có khó khăn, vướng mắc liên quan đến biến động giá nguyên vật liệu; khó khăn trong nguồn cung nguyên vật liệu xây dựng (trong năm 2024 nhiều dự án lớn của TP đang được triển khai như dự án: đường Vành đai 4 vùng Thủ đô; cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai; đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Đại lộ Thăng Long (đoạn nối từ Quốc lộ 21 đến cao tốc Hà Nội - Hòa Bình...).

Các dự án sử dụng vốn ODA cũng gặp nhiều khó khăn như: dự án tuyến đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội (1 hiệp định vạy của nhà tài trợ ADB chưa được gia hạn); dự án tuyến đường sắt đô thị số 2 (đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo) đang thực hiện các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án; dự án “Chuẩn bị dự án đầu tư tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn ga Hà Nội đến Hoàng Mai và hỗ trợ nghiên cứu xây dựng hệ thống giao thông đô thị tích hợp cho dự án đường sắt đô thị” do EU và ADB viện trợ không hoàn lại hiện đang thực hiện các thủ tục để ký hiệp định với các nhà tài trợ. Khó khăn trong thực hiện Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư.

Công tác đấu giá, đấu thầu quyền sử dụng đất trong năm 2024 cần tiếp tục nỗ lực, cố gắng, đặc biệt, năm 2024 Trung ương giao TP chi đầu tư từ nguồn thu tiền sử dụng đất là 36.100 tỷ đồng (cao gấp 2,24 lần năm 2023 (17.100 tỷ đồng).

Giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 ở mức cao

Theo UBND TP, trong thời gian còn lại của năm 2024, Hà Nội sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo, điều hành để thúc đẩy giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2024, phấn đấu giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2024 đạt mức cao nhất.

UBND TP sẽ nghiên cứu và đưa ra các cơ chế liên quan đến giải phóng mặt bằng làm sao để dung hòa giữa lợi ích của Nhà nước khi đầu tư các công trình đầu tư công cũng như bảo đảm lợi ích của người dân khi bị tác động bởi việc giải phóng mặt bằng.

Hà Nội cũng hoàn thiện cơ chế, chính sách khai thác nguồn lực từ đất đai; hoàn thiện các quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất. Hoàn thiện cơ chế xác định giá đất, cơ chế, chính sách về về đất đai; các quy định pháp luật liên quan đến những hạn chế, vướng mắc kéo dài liên quan đến quản lý và sử dụng đất.

Để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong các tháng cuối năm 2024, theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND TP; sự nỗ lực, cố gắng, quyết tâm của các cấp, các ngành, các chủ đầu tư, xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Trong đó, quan trọng nhất là phải sâu sát để nhận diện rõ khó khăn, vướng mắc ở từng khâu, trách nhiệm giải quyết của từng đơn vị và tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.

Đến nay, TP Hà Nội luôn có hệ thống dữ liệu thông tin về khó khăn, vướng mắc của các dự án. Trên cơ sở đó, UBND TP đã có Kế hoạch số 143 chỉ đạo rất toàn diện để thúc đẩy kế hoạch đầu tư công trung hạn, năm 2024, năm 2025 và cả chuẩn bị cho giai đoạn 2026-2030.